Sáng 21/5, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 9, Quốc hội thảo luận về Dự án Luật Biên phòng Việt Nam.
Cần thiết ban hành Luật Biên phòng Việt Nam
Trình bày tờ trình dự án Luật Biên phòng Việt Nam, Đại tướng Ngô Xuân Lịch, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cho biết: Việc ban hành Luật Biên phòng Việt Nam là cần thiết, xuất phát từ thực tiễn đất nước trong tình hình mới.
Quang cảnh Phiên họp toàn thể tại hội trường. Ảnh: quochoi.vn |
Theo Bộ trưởng Ngô Xuân Lịch, trong những năm qua, Đảng, Nhà nước có nhiều chủ trương, quan điểm, tư duy mới về bảo vệ Tổ quốc; xây dựng, quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia nhưng chưa được thể chế hóa thành pháp luât; trong đó, xác định nhiệm vụ biên phòng là “Bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, biên giới quốc gia,…; bảo vệ hòa bình, an ninh, văn hóa, pháp luật, tính uy nghiêm và biểu tượng quốc gia tại biên giới, cửa khẩu; xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị, ổn định, hợp tác; bảo vệ, phòng thủ vững chắc biên giới quốc gia; góp phần phát triển kinh tế - xã hội gắn với củng cố, tăng cường quốc phòng, an ninh, đối ngoại ở khu vực biên giới và cả nước”.
Đồng thời xác định “Xây dựng lực lượng bảo vệ biên giới quốc gia toàn dân rộng khắp, nhân dân là chủ thể, lực lượng vũ trang nhân dân làm nòng cốt, Bộ đội Biên phòng là chuyên trách”; Chiến lược chỉ rõ “Sớm ban hành Luật Biên phòng Việt Nam”.
Xuất phát từ vị trí, tầm quan trọng của biên giới quốc gia, việc ban hành Luật Biên phòng Việt Nam là vấn đề chiến lược, lâu dài của Đảng, Nhà nước trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa và yêu cầu xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân, nhất là Bộ đội Biên phòng đáp ứng yêu cầu làm nòng cốt, chuyên trách quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia trong tình hình mới.
Bộ trưởng Ngô Xuân Lịch cho biết, hiện nay, hoạt động trên biên giới, khu vực biên giới, cửa khẩu có nhiều lực lượng thuộc các bộ, ngành với nhiệm vụ, quyền hạn được quy định tại các văn bản pháp luật chuyên ngành. Tuy nhiên, thực tế thực thi nhiệm vụ biên phòng còn những hạn chế, bất cập; công tác phối hợp giữa các bộ, ngành, chính quyền địa phương, lực lượng nòng cốt, chuyên trách với các lực lượng chức năng ở khu vực biên giới, cửa khẩu chưa chặt chẽ, hiệu quả chưa cao.
Bên cạnh đó, việc đầu tư của nhà nước, địa phương vào một số chương trình, mục tiêu quốc gia tại vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn vẫn còn dàn trải, chất lượng, hiệu quả chưa đáp ứng yêu cầu xây dựng biên giới quốc gia, khu vực biên giới vững mạnh.
Trong khi đó, Pháp lệnh Bộ đội Biên phòng ra đời cách đây hơn 20 năm trong điều kiện, bối cảnh lịch sử hoàn toàn khác với hiện nay. Pháp lệnh chỉ điều chỉnh các vấn đề liên quan đến Bộ đội Biên phòng, chưa đề cập đến các chủ thể khác trong xây dựng, quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia, khu vực biên giới. Một số quy định liên quan đến hạn chế quyền con người, quyền công dân chưa phù hợp với Hiến pháp năm 2013; nhiều nhiệm vụ, quyền hạn của Bộ đội Biên phòng không được quy định trong Pháp lệnh mà quy định tại các luật khác và văn bản dưới luật dẫn đến tình trạng khó theo dõi, thiếu thống nhất, gây khó khăn cho quá trình thực thi nhiệm vụ biên phòng của Bộ đội Biên phòng.
“Tổng kết 20 năm thi hành Pháp lệnh Bộ đội Biên phòng, các ban, bộ, ngành, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố có biên giới đều thống nhất kiến nghị, báo cáo Quốc hội xây dựng Luật Biên phòng Việt Nam”, Bộ trưởng Ngô Xuân Lịch nói.
Bên cạnh đó, thực tiễn hơn 60 năm qua, Bộ đội Biên phòng đã và đang áp dụng có hiệu quả các hình thức, biện pháp công tác biên phòng nhưng chưa được luật hóa; việc tổ chức xây dựng nền biên phòng toàn dân, thế trận biên phòng toàn dân trong quản lý, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, biên giới quốc gia chưa được quy định cụ thể nên thiếu cơ sở pháp lý để các cơ quan, lực lượng chức năng và Bộ đội Biên phòng trong thực thi nhiệm vụ xây dựng, quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia, khu vực biên giới.
Do vậy, để bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia đang đặt ra cần thiết phải có hệ thống văn bản pháp lý đồng bộ, thống nhất. Vì vậy, việc ban hành Luật Biên phòng Việt Nam có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, cần thiết; đáp ứng yêu cầu xây dựng, quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia, khu vực biên giới trong tình hình mới.
Thể chế hoá đường lối, chính sách về biên giới quốc gia
Bộ trưởng Ngô Xuân Lịch cũng cho biết, trên cơ sở kết quả tổng kết 20 năm thi hành Pháp lệnh BĐBP và yêu cầu của thực tiễn, Bộ Quốc phòng đã báo cáo Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho phép xây dựng Dự án Luật Biên phòng Việt Nam.
Đồng tình về sự cần thiết ban hành Luật Biên phòng Việt Nam, báo cáo thẩm tra của Uỷ ban Quốc phòng – An ninh của Quốc hội nêu rõ, việc ban hành Luật sẽ thể chế hóa đường lối, chính sách của Đảng về biên giới quốc gia, trong đó có Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 28/9/2018 của Bộ Chính trị về Chiến lược bảo vệ biên giới quốc gia.
Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng, lý do ban hành Luật nêu trong Tờ trình chưa quán triệt đầy đủ quan điểm tại Nghị quyết số 33-NQ/TW mà mới triển khai xây dựng dự án Luật Biên phòng Việt Nam. Vì vậy, cần tổng kết, đánh giá để kiến nghị sửa đổi, bổ sung Luật Biên giới quốc gia, pháp luật khác có liên quan; quy định đầy đủ, cụ thể các chính sách mới và nội hàm của Luật Biên phòng Việt Nam cho phù hợp quan điểm của Đảng và yêu cầu thực tiễn.
Uỷ ban Quốc phòng – An ninh đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu, rà soát, chỉnh lý về nội dung, kỹ thuật văn bản để quy định chặt chẽ, chính xác, bảo đảm thống nhất ngay trong dự thảo Luật và pháp luật có liên quan.