Dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2021 - 2025 bao gồm các đoạn Hà Tĩnh - Quảng Trị (267 km), Quảng Ngãi - Nha Trang (353 km) và Cần Thơ - Cà Mau (109 km) có tổng chiều dài 729 km đi qua 12 tỉnh, thành phố với sơ bộ tổng mức đầu tư 146.990 tỷ đồng theo hình thức đầu tư công được chia thành 12 dự án thành phần vận hành độc lập, cơ bản hoàn thành năm 2025 và đưa vào khai thác vận hành năm 2026.
Dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021- 2025 từ Quảng Ngãi đến Nha Trang (Khánh Hòa) bao gồm 5 dự án thành phần: Quảng Ngãi - Hoài Nhơn (88 km), Hoài Nhơn - Quy Nhơn (69 km), Quy Nhơn - Chí Thạnh (62 km), Chí Thạnh - Vân Phong (51 km), Vân Phong - Nha Trang (83 km). Đây là dự án có quy mô lớn, tính chất kỹ thuật phức tạp, đi qua nhiều địa phương, việc sớm hoàn thành dự án sẽ góp phần hoàn thiện trục giao thông huyết mạch của đất nước, nâng cao năng lực vận tải và thông hành, giảm thiểu tai nạn giao thông, tăng cường tính kết nối giữa các vùng miền; thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh, mở rộng không gian phát triển đô thị, công nghiệp, dịch vụ, du lịch cho mỗi địa phương có dự án đi qua và của đất nước.
Bộ Giao thông vận tải đã bàn giao hồ sơ thiết kế cắm cọc giải phóng mặt bằng đợt 1 đoạn từ Quảng Ngãi - Nha Trang qua 4 tỉnh Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa với khoảng 52,1 km. Theo đó, kế hoạch công tác bàn giao hồ sơ thiết kế cắm cọc giải phóng mặt bằng đợt 2 ngày 30/4/2022 dự kiến khoảng 226,9 km, đợt 3 ngày 30/6/2022, với các đoạn còn lại khoảng 71,3 km.
Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Lê Đình Thọ chỉ đạo, ngay sau Hội nghị này các Ban QLDA phải thành lập các văn phòng tại các địa phương và công bố danh sách những người được giao nhiệm vụ ở khu vực, gửi cho các địa phương.
Những người này phải túc trực làm việc ở đây, phải sâu sát với địa phương để có công việc gì phải xử lý ngay, giải quyết triệt để. Tắc ở đâu, phải báo cáo ngay, không để xảy ra những điểm nghẽn trong công việc.
Trong quá trình thực hiện công tác bàn giao hồ sơ thiết kế cắm cọc giải phóng mặt bằng, phải xác định khi hoàn thiện đến đâu bàn giao đến đó, không nhất thiết phải tới 30/4 mới bàn giao hồ sơ giai đoạn 2.
Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Lê Đình Thọ yêu cầu Cục Quản lý Xây dựng chất lượng công trình giao thông soạn thảo ngay một văn bản về hình thức áp dụng cho công tác giải phóng mặt bằng. Tất cả các dự án này áp dụng hình thức chỉ định thầu.
Thứ trưởng cũng đề nghị các địa phương chú ý nghiên cứu kỹ về hồ sơ vật liệu, bởi đây là một vấn đề rất quan trọng. Những mỏ vật liệu đã được tỉnh cấp phép phải xem lại trữ lượng còn bao nhiêu, chất lượng vật liệu có đảm bảo hay không.
Thứ trưởng nhấn mạnh, đây là công trình trọng điểm Quốc gia, được Chính phủ quan tâm, chỉ đạo sát sao. Tôi mong muốn các địa phương cùng khẩn trương, quyết liệt, cố gắng cùng Bộ Giao thông vận tải kịp thời giải quyết những vướng mắc, tháo gỡ khó khăn, sớm triển khai để đảm tiến độ dự án.