Bản đồ phân vùng cảnh báo nguy cơ trượt lở đất đá: Dự báo nguy hiểm, giảm bớt nỗi lo cho vùng Tây Bắc

28/06/2018 16:29

(TN&MT) - Bộ sản phẩm về “Bản đồ phân vùng cảnh báo nguy cơ trượt lở đất đá” (TLĐĐ), tỷ lệ 1:50.000 của Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản - Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) chuyển giao tới các địa phương vùng núi có nguy cơ TLĐĐ, trong đó có các tỉnh Tây Bắc, thực sự là một giải pháp thiết thực, “cứu cánh” cho các địa phương được thụ hưởng.

Có thế thấy qua 5 năm triển khai thực hiện Đề án “Điều tra, đánh giá và phân vùng cảnh báo nguy cơ TLĐĐ các vùng miền núi, khu vực phía Bắc, từ (2012 – 2017), nhiều hạng mục, nhiệm vụ chính đã được Bộ TN&MT tiến hành thống nhất theo quy trình tổng thể của đề án. Trong đó, đáng chú ý là công tác điều tra hiện trạng TLĐĐ tỉ lệ 1:50.000 đã được triển khai trên phạm vi rộng ở các tỉnh miền núi phía Bắc.
 

Bộ TN&MT chuyển gia bộ sản phẩm Đề án cho các tỉnh
Bộ TN&MT chuyển gia bộ sản phẩm Đề án cho các tỉnh


Trước mùa mưa lũ năm 2018, Bộ TN&MT tiếp tục tổ chức hội nghị chuyển giao Đề án Điều tra, đánh giá và phân vùng cảnh báo nguy cơ TLĐĐ cho các vùng miền núi, trong đó có các tỉnh Tây Bắc: Lào Cai, Yên Bái, Lai Châu, Điện Biên, Sơn La được thụ hưởng.

Ông Nguyễn Hữu Thể, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai đánh giá cao kết quả nghiên cứu, phân vùng cảnh báo nguy cơ TLĐĐ mà Bộ TN&MT đã nghiên cứu. Đặc biệt đối với các địa phương thường xuyên xảy ra hiện tượng sạt lở đất đá như tỉnh Lào Cai thì Đề án sẽ giúp cho địa phương xác định rõ các vùng có nguy cơ cao về sạt lở đất đá, từ đó, chủ động xây dựng phương án ứng phó nhằm giảm thiểu thiệt hại về người và của do thiên tai gây ra.

Hay như đối với Yên Bái là tỉnh miền núi có địa hình phân cắt mạnh, núi cao, sườn dốc, hệ thống sông ngòi dày đặc, ít mặt bằng để bố trí dân cư. Hiện toàn tỉnh có khoảng 70% dân cư đang sinh sống tại các sườn núi, chân đồi và ven các sông suối. Về mùa mưa lũ, đây là những nơi có nguy cơ TLĐĐ cao, có thể gây nhiều thiệt hại về người và tài sản.

Trong khuôn khổ của Đề án và kết quả phân vùng và đánh giá mức độ nguy cơ TLĐĐ đã xác định trên địa bàn tỉnh Yên Bái có 53 xã có nguy cơ TLĐĐ rất cao; 77 xã có nguy cơ TLĐĐ cao, 42 xã có nguy cơ TLĐĐ trung bình. Đây là căn cứ quan trọng quan trọng để chính quyền địa phương xây dụng kế hoạch phát triển kinh tế kinh tế, giao thông, sắp xếp dân cư. Đặc biệt, đó còn là bài toán cho địa phương thực hiện hiệu quả công tác phòng, chống, giảm thiểu thiệt hại do TLĐĐ gây ra trong mùa mưa bão.     
 

trượt lở đất đá làm ảnh hưởng kinh tế và đe dọa cuộc sống của người dân
Trượt lở đất đá làm ảnh hưởng kinh tế và đe dọa cuộc sống của người dân


Tại Sơn La, trên cơ sở tiếp nhận Đề án bản đồ hiện trạng TLĐĐ, UBND tỉnh đã phê duyệt Dự án “Rà soát, bổ sung quy hoạch tổng thể bố trí dân cư giai đoạn 2012-2015 và định hướng đến năm 2020”. Theo đó, dự kiến sẽ di dân ra khỏi vùng thiên tai 217 điểm với 3.299 hộ. Tới hết năm 2017, đã bố trí dân cư vùng bị ảnh hưởng thiên tai cho 2.157 hộ/3.299 hộ, bằng 65,4% so với quy hoạch được duyệt, chiếm 54,4% so với tổng số hộ đã sắp xếp. Hiện nay, tỉnh Sơn La đang tiếp tục rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch bố trí, sắp xếp, ổn định dân cư đến năm 2020, định hướng 2025, với 2.337 hộ dân cần di chuyển ra khỏi vùng thiên tai.

Cũng theo công tác điều tra thực hiện Đề án, tỉnh Sơn La đã ghi nhận khoảng 1.791 vị trí có biểu hiện TLĐĐ, 1.694 vị trí được xác định đã và đang xảy ra TLĐĐ từ khảo sát thực địa. Đề án còn ghi nhận được 97 vị trí đã xảy ra các tai biến địa chất liên quan trên địa bàn tỉnh Sơn La, gồm 57 vị trí lũ quét, lũ ống và 40 vị trí xói lở bờ sông, suối. 

Ông Cầm Bun Păn, Chi cục phó Chi cục Thủy lợi tỉnh Sơn La cho biết: Việc chuyển giao Bản đồ phân vùng cảnh báo nguy cơ TLĐĐ có ý nghĩa quan trọng đối với tỉnh Sơn La. Trên cơ sở các khu vực được cảnh báo, tỉnh Sơn La sẽ tiếp tục rà soát, bổ sung quy hoạch để sắp xếp, ổn định dân cư vùng thiên tai, nhằm giảm thiểu thiệt hại do thiên tai tới mức thấp nhất.          

là một trong nhiều tỉnh thường xuyên xảy ra hiện tượng Sạt lở đất đá
Các tỉnh Tây Bắc được phân vùng cảnh báo thường xuyên xảy ra hiện tượng sạt lở đất đá


Ngay sau khi được tập huấn, bàn giao, Sở TN&MT các địa phương đã công bố công khai, rộng rãi nội dung sản phẩm của Đề án đến các đơn vị liên quan, các huyện, thị, và các xã đã được phân vùng, cảnh báo nguy cơ TLĐĐ cao.  Bộ sản phẩm này cũng là cơ sở để các địa phương điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất ở các cấp. Đồng thời, Bộ sản phẩm này là cơ sở để các địa phương và các cơ quan chức năng tiếp tục điều tra phân vùng những khu vực có nguy cơ TLĐĐ cao hơn để có quy hoạch chi tiết phân bổ dân cư hợp lý.

Để nâng cao hiệu quả của Bộ sản phẩm này, các cơ quan chức năng sẽ tiếp tục điều tra, xây dựng bản đồ chi tiết ở khu vực có nguy cơ cao TLĐĐ ở tỷ lệ lớn hơn. Theo ông Bùi Châu Tuấn – Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Điện Biên, cho biết: Bộ Tài nguyên và Môi trường nên hỗ trợ địa phương xây dựng bản đồ chi tiết hơn để khoanh vùng xác định cụ thể, rõ hơn được bản, thôn, điểm nào hay khu vực nào có nguy cơ TLĐĐ cao, để tăng tính khả thi cao hơn trong công tác cảnh báo, dự báo di chuyển các hộ dân. Đặc biệt tại các vị trí có nguy cơ xảy ra TLĐĐ rất cao và cao trong bản đồ phân vùng cảnh báo TLĐĐ khu vực tỉnh Điện Biên, để cảnh báo cho nhân dân chủ động các biện pháp ứng phó, phòng, tránh và giảm thiểu thiệt hại, kịp thời cảnh báo cho nhân dân phòng, tránh và giảm nhẹ hậu quả do trượt lở đất đá gây ra trong mùa mưa bão năm 2018 và các năm tiếp theo.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bản đồ phân vùng cảnh báo nguy cơ trượt lở đất đá: Dự báo nguy hiểm, giảm bớt nỗi lo cho vùng Tây Bắc
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO