Bản đồ năng lượng toàn cầu thay đổ

19/06/2013 00:00

Mỹ có lẽ là bên hưởng lợi chính từ hướng phát triển này, nhờ các hình thức sản xuất khí đốt tự nhiên rẻ nhất thế giới và chi phí vận chuyển thấp do cơ sở hạ tầng phát triển. Kết hợp giữa tăng sản lượng trong nước với giảm mức cầu do hiệu suất năng lượng cao hơn, Mỹ không chỉ sẽ có khả năng tự cung tự cấp, mà còn là nước xuất khẩu năng lượng lớn trong tương lai.

Không nên coi thường lợi ích kinh tế mà Mỹ tích lũy từ hướng phát triển này. Sản lượng cao hơn tăng thu nhập Chính phủ, giảm tỉ lệ thất nghiệp dẫn đến cán cân thương mại cân đối hơn và Mỹ có thể tăng nhập khẩu nhiều hơn, kể cả từ châu Á. Mặt khác, chi phí năng lượng trong nước rẻ hơn kết hợp với những tiến bộ công nghệ khác mà Mỹ dẫn đầu như là in 3D, trong khi chi phí nhân công cao ở một số trung tâm gia công hiện nay như Trung Quốc, giúp Mỹ chiếm lợi thế thu hút sản phẩm nước ngoài.

Cho dù nhiều nước tiếp tục khám phá và khai thác những nguồn dự trữ đặc biệt, phần lớn vẫn đi sau Mỹ về khả năng trích xuất, cơ sở hạ tầng vận chuyển,... Úc nổi tiếng với nguồn methane trong vỉa than, vừa rẻ vừa dễ trích xuất, có khả năng cạnh tranh hơn nguồn khí đốt đá phiến của Mỹ. Ngoài ra, Úc còn có lợi thế xuất khẩu do ở cạnh các thị trường châu Á, nơi dự kiến sẽ chiếm tỉ trọng lớn trong mức tăng nhu cầu năng lượng vài thập niên tới.

Trung Quốc có các nguồn dự trữ khí đốt đá phiến lớn, nhưng khó tiếp cận hơn Mỹ và đang thiếu công nghệ trích xuất cần thiết để đưa lượng khí đốt này ra thị trường. Có dự đoán là các công ty Trung Quốc như Sinopec và tập đoàn Dầu khí ngoài khơi quốc gia Trung Quốc (CNOOC) gần đây đầu tư vào thị trường năng lượng nước ngoài có thể là, hay ít nhất là một phần, nỗ lực có được công nghệ để khai thác nguồn dự trữ trong nước.

Trong khi giải quyết những hạn chế về công nghệ, các yếu tố địa chính trị cũng ngăn cản tiềm năng của Trung Quốc. Một điểm yếu đáng chú ý là nguồn cung nước không đủ sẽ hạn chế năng suất trích xuất khí đá phiến do qui trình này cần lượng nước rất lớn.

Nước Nga vốn lệ thuộc xuất khẩu năng lượng để thúc đẩy kinh tế và tạo ảnh hưởng ở các nước tiêu dùng đói năng lượng ở châu Âu và châu Á. Những thay đổi trên thị trường năng lượng thế giới sẽ ngày càng gây khó cho Nga. Sản lượng khí đốt của Nga đã chịu chi phí sản xuất cao hơn và Moscow sẽ khó thu nhiều lợi nhuận trong những năm tới, khi mà giá có thể giảm đi ở châu Âu nhờ nhập từ Mỹ và châu Á có nguồn cung từ Úc.

Những thay đổi địa chính trị đi kèm thay đổi trên thị trường năng lượng có thể mang nhiều sắc thái. Nếu các xu hướng khai thác và trích xuất năng lượng tiếp diễn, Mỹ sẽ chọn ít dính líu đến Trung Đông. Tuy nhiên, do phần lớn năng lượng được giao dịch trên thị trường mở, các nhà làm chính sách của Mỹ không thể bảo vệ dân Mỹ tránh giá năng lượng cao hơn sau những can thiệp vào nguồn cung ở vịnh Ba Tư. Vả lại, khí đốt tự nhiên tuy đầy rẫy ở Mỹ nhưng không thể thay thế hoàn toàn dầu mỏ. Washington có lẽ vẫn can thiệp vào Trung Đông trong chừng mức nào đó, trong khi nước Nga có thể ít nhu cầu can thiệp vào Trung Á hơn, cho dù Nga hiện đang mua nhiều khí đốt với giá rẻ từ Trung Á và xuất khẩu sang châu Âu với giá cao.

Cũng cần ghi nhận rằng sự thay đổi nguồn cung năng lượng có khả năng hủy hoại an ninh của châu Á-Thái Bình Dương, nhất là nếu Mỹ giảm hiện diện ở Trung Đông. Theo IEA, nhu cầu tiêu thụ năng lượng của Trung Quốc sẽ tăng lện khoảng 60% vào 2035. Ấn Độ hiện là nước tiêu thụ năng lượng lớn thứ năm thế giới, và nhu cầu sẽ tăng gấp đôi trong cùng kỳ.

Và nếu Nhật tiếp tục hạn chế năng lượng hạt nhân, Nhật cũng sẽ phải lệ thuộc nguồn năng lượng nước ngoài để đáp ứng nhu cầu.

Khả năng thiếu nguồn năng lượng của Nhật, Trung Quốc và Ấn Độ có thể buộc họ tìm những biện pháp mạnh mẽ hơn để bảo đảm nguồn cung từ Trung Đông, hứa hẹn đẩy căng thẳng tăng lên ở khu vực này. Ngoài ra, căng thẳng và cạnh tranh trong khai thác và quyền khai thác năng lượng ở Biển Đông và Biển Hoa Đông có thể giảm đi, một khi giá năng lượng thế giới rẻ đi, và hoạt động khai thác ở đây trở nên phi kinh tế và ít giá trị.

Võ Phương

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bản đồ năng lượng toàn cầu thay đổ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO