(TN&MT) - Dốc Mây nằm ở xã Trường Sơn, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình tiếp giáp với biên giới 2 nước Việt- Lào. Nơi được biết đến là vùng xa xôi, hẻo lánh và tách biệt với bên ngoài. Cuộc sống của người dân nơi đây vẫn gặp rất nhiều khó khắn, họ đang phải đối diện với điều kiện không điện, không đường, không nước và không y tế.
Vượt rừng vào Bản Dốc Mây
Để đến được với người dân bản, chúng tôi phải lên kế hoạch cụ thể từng chi tiết nhỏ nhất. Xuất phát từ TP. Đồng Hới lên xã Trường Sơn (hơn 60km), vào đường Hồ Chí Minh Đông rồi theo đường tỉnh 563 để lên đường Hồ Chí Minh Tây. Từ đây, chạy theo phía Tây-Nam khoảng 20km đến trung tâm xã Trường Sơn.
Chúng tôi lên đường từ lúc mờ sáng, người mang một ba lô, gùi hàng sau lưng đi xe máy về thôn Long Sơn. Từ đây xe máy được gửi lại nhà dân và bắt đầu cuộc hành trình đi bộ lội suối, luồn rừng 20km vào Dốc Mây.
Dẫn đường chúng tôi là Thượng úy Hồ Manh - Đồn Biên phòng Làng Mô, anh là người Vân Kiều và đã gắn bó với người dân ở đây hơn 3 năm và một trong những người ra vào Dốc Mây nhiều nhất. Hồ Manh đi đường nhanh hơn, nên chúng tôi bị bỏ lại phía sau. Mỗi lần như thế, Hồ Manh phải dừng lại đợi 10-15 phút, nếu không thấy thì Hồ Manh vừa quay lại vừa gọi liên tục để tìm chúng tôi.
Giáp mặt đầu tiên là những đồi núi dẫn vào dòng suối Biệt Kích. Suối Biệt Kích là tên địa phương đặt theo sự kiện trong kịch sử chống Mỹ, quân và dân ta đã bắt sống 1 tên và tiêu diệt 1 tên biệt kích Mỹ sống và hoạt động động trong hang đá bên dòng suối này. Men theo các phiến đá chúng tôi tìm hướng thuận lợi nhất để đi về phía trước. Dấu chân trên đá bị những trận mưa rừng xóa sạch, tất cả như lần đầu có người đặt chân đến.Vừa đi, chúng tôi vừa thay đổi các gùi hàng cho nhau để đỡ mệt. Nước mang theo cũng dần hết, bây giờ chúng phải lấy nước suối để thay thế.
Đến Dốc Sơn Gù chúng tôi ra khỏi lối mòn, mò mẫm trong rừng, bởi từ đây vào bản mới có con đường mở dang dở để thi công dự án điện mặt trời cho bản Dốc Mây sắp tới. Đường mới mở bắt đầu từ đường Hồ Chí Minh Tây rẽ vào từ ngoài Bản Rình Rình. Đường công vụ này xa và chỉ có các loại ô tô gầm cao 3 cầu mới vào được. Các phương tiện khác thì không thể qua lại được trên con đường này.
Là nơi tách biệt và chưa có đường giao thông với bên ngoài, nên việc giao lưu, buôn bán của người dân Bản Dốc Mây không có. Các cán bộ Biên phòng và thầy, cô giáo cắm bản, hay cán bộ xã mới là những người luồn rừng, vượt đá núi cheo leo nhiều nhất để mang con chữ và văn hóa pháp luật đến cho bà con.
Sau gần 6 giờ đồng hồ băng rừng, vượt suối, cuối cùng chúng tôi cũng đến được Bản Dốc Mây. Những ngôi nhà sàn bằng gỗ, lợp mái tôn thành hai 2 dãy chính quay mặt vào nhau, được dựng cách nhau chừng vài chục mét của dân bản dần hiện ra trước mắt chúng tôi.
Cuộc sống “bốn không” của người dân Dốc Mây
Bản Dốc Mây có 19 hộ dân với 99 nhân khẩu sống quây quần trên một diện tích nhỏ, lọt thỏm giữa hai dãy núi sừng sững, bên con suối nhỏ gập ghềnh đá thác. Người dân Bản là dân tộc Vân Kiều trước đây sinh sống ở khu vực các xã Mỹ Thủy, Lệ Ninh (huyện Lệ Thủy). Năm 1947, khi Pháp xâm lược Việt Nam, các trận càn quét của lính lê dương đã giết hại nhiều người, nên các già làng đã ngồi lại và bàn việc đưa dân chạy vào rừng. Một nhánh đi về rừng phía tây Ngân Thủy (Lệ Thủy), một nhánh theo sông Long Đại lên vùng này với vùng Thượng Trạch (Bố Trạch) và một nhánh đi xa hơn là sang bên Lào.
Vì là vùng tách biệt với bên ngoài nên hiện nay người dân Bản phải đối mặt với cuộc sống thiếu thốn nhiều thứ từ đường đi, điện, nước sinh hoạt và về y tế.
Để có điện sáng 4 hộ dân ở đây đã làm đập trên suối Dốc Mây ngăn suối tích nước rồi mua máy về lắp hút nước về dùng. Nước suối nhỏ, cạn nên ban ngày họ đóng đập tích nước, ban đêm xả nước để phát điện. Còn những hộ khác do không có điều kiện nên tối đến mang đèn pin sang để xin nạp điện nhờ.
Người dân trong Bản chủ yếu chăn nuôi trâu, bò, gà, lợn và trồng ngô để sinh sống. Trâu và bò được thả vào rừng, thành từng đàn, tối lại đuổi về chuồng. Do đường đi lại xa và trắc trở nên trâu, bò, lợn, gà nuôi ra hầu như chỉ để phục vụ cuộc sống và trong các dịp tết và lễ, nộp phạt, đặc biệt là để cúng “chữa bệnh”.
Nói chuyện với chúng tôi, anh Hồ Văn Lương kể: “Nuôi gà, nuôi heo cũng được nhiều, không mang ra ngoài để bán được. Nuôi heo chủ yếu để chữa bệnh thôi. Ở trong này không có thuốc như ngoài kia nên phải cúng. Những bệnh như đau bụng, trẻ con ốm…là do ma làm hết. Khi đi rừng, làm rẫy về bị ốm đau cũng do ma quậy phá, nên phải làm lễ cúng ma. Cúng thì mình tùy theo bệnh và do ma nhà hay ma xứ quậy. Nếu ma nhà thì ma do tổ tiên những người đã chết làm thì mình cúng trong nhà mình, sau đó mời anh em đến uống rượu. Còn nếu ma xứ thì mình phải cúng ngoài sân nhà cộng đồng, rồi mời cả bản ăn uống. Nếu cúng ma không khỏi thì nhờ người gùi bệnh nhân ra bệnh viện”.
Ở Dốc Mây y tế vẫn chưa có, do đó không có thuốc men, nên nhiều người bị ốm đau không thuốc để chữa trị. Người dân bản Dốc Mây vẫn giữ phong tục đời xưa, tổ chức cũng khi có người đau ốm nếu không khỏi thì lúc đó mới khiêng qua rừng đi bệnh viện.
Dân Bản Dốc Mây cũng đề ra những quy định, khi bị vi phạm, nếu vi phạm thay vì nộp tiền phạt thì người dân được dùng lợn, gà nộp phạt theo quy định của Bản. Sau đó, lợn, gà này sẽ được mổ thịt mời dân Bản ăn uống. Ngoài ra nhà nào nhiều nhiều con lợn thì tết chung nhau làm một con để ăn tết vui hơn.
Dù cuộc sống tự cung, tự cấp, thiếu thốn đủ đường, từ điện, đường, y tế nhưng dân bản lại rất siêng năng chăm chỉ. “Người dân ở đây không phá rừng, họ được Bộ đội Biên phòng dạy chữ vào buổi tối, không phát rẫy mới nữa mà làm rẫy cố định luôn. Trên rẫy trồng nhiều thứ như lúa, ngô, bín (bầu, bí) ớt, chuối khoai lang, mía.. và cả tự trồng thuốc lá hút. Năm nay mưa nhiều rẫy đốt không được, nhưng nhà nào cũng có gạo ăn, có nhà gạo năm trước đang còn chưa ăn hết”, anh Hồ Thùa- phó bản cho biết.
Điều đặc biệt là ở trong điều kiện khó khăn, thiếu thốn nhưng người dân đa số biết đọc, biết viết thành thạo. Tất cả người dân bản từ trẻ nhỏ cho đến người già đều tham gia học tại lớp xóa mù chữ, các lớp học từ lớp 1 đến lớp 9. Mỗi lần dạy học như vậy diễn ra 15 ngày liên tục và có 2 giáo viên ở trung tâm xã vào dạy chữ cho người dân. Còn vào mùa hè thì việc dạy chữ lại là các đồng chí Biên phòng thay phiên nhau dạy chữ cho người dân trong bản.
Người dân bản Dốc Mây luôn hy vọng Nhà nước, các cấp ngành hỗ trợ mở con đường, hoàn thành dự án điện mặt trời để người dân được thoát khỏi cạnh cô lập. Trên đường về thiếu tá Biên phòng Hồ Tiến Dũng, tâm sự với chúng tôi: “Khi có được con đường thì động lực sẽ khác, người dân sẽ thay đổi cách làm kinh tế, thoát khỏi tự cung tự cấp là cộc sống sẽ khác, và việc đảm bảo ổn định an ninh lương thực và gìn giữ biên giới của đất nước cũng được cũng cố vững chắc thêm. Người dân luôn khát khao được đi ra bên ngoài, thoát khỏi cảnh nghèo khó”.