Theo đó, Bamboo Airways sẽ được phép thực hiện các chuyến bay thẳng không nối chuyến bằng máy bay thân rộng Boeing 787-9 Dreamliner, giữa các sân bay lớn của Việt Nam như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh tới tất cả các cảng hàng không quốc tế tại Mỹ, bao gồm một số sân bay trọng điểm đặt tại thành phố Los Angeles hay San Francisco mà Bamboo Airways đang xem xét cho những đường bay nền móng đầu tiên. Điều kiện này cũng cho mở ra cơ hội hợp tác dưới hình thức liên danh giữa Bamboo Airways và các đối tác uy tín tại Mỹ.
Bamboo Airways sẽ được phép thực hiện các chuyến bay thẳng không nối chuyến bằng máy bay thân rộng Boeing 787-9 Dreamliner tới Mỹ |
Theo ông Nguyễn Ngọc Trọng – Phó Tổng giám đốc Bamboo Airways, đây là bước tiến quan trọng trong lộ trình xúc tiến đường bay của Hãng trong thời gian tới. Sau khi nhận được Giấy phép từ Bộ Giao thông vận tải của Mỹ, Hãng sẽ tiếp tục triển khai các thủ tục đệ trình xin cấp phép từ Cục Hàng không Liên bang Mỹ (FAA), Tổ chức an ninh vận tải Mỹ (TSA) và các cơ quan chức năng liên quan của Mỹ.
Song song với thủ tục cấp phép, Bamboo Airways đã chuẩn bị sẵn sàng về mặt phương tiện, thiết bị. Về nguồn lực đáp ứng yêu cầu khai thác, Hãng đang gấp rút xây dựng bộ máy nhân sự, huấn luyện phi công và đội bay, đào tạo kỹ càng và toàn diện về các yêu cầu, quy định liên quan đến an toàn, an ninh, những điều kiện pháp lý, bộ luật liên bang, tiểu bang, tình hình thị trường…, để chuẩn bị sẵn sàng mọi điều kiện khai thác.
Sự kiện Bamboo Airways được Bộ Giao thông vận tải Mỹ cấp phép bay đến Mỹ đã góp phần khẳng định năng lực điều hành, mức độ an toàn tuyệt đối và chất lượng dịch vụ ngang tầm chuẩn mực quốc tế của Bamboo Airways |
Các chuyên gia đánh giá tiềm năng thị trường hàng không giữa hai nước là rất lớn, với khoảng 700 nghìn lượt khách đi lại mỗi năm, trong khi chỉ cần khoảng 30 - 60 nghìn lượt khách/năm là có thể tính đến việc mở đường bay."Tùy theo tình hình hồi phục sau dịch bệnh tại Mỹ và điều kiện thị trường, nhanh nhất là vào cuối năm 2020, đầu năm 2021 chúng tôi sẽ khai thác đường bay thẳng tới Mỹ", ông Nguyễn Ngọc Trọng cho biết.
Về pháp lý, từ năm 2003, hai nước Việt Nam và Mỹ đã ký hiệp định về hàng không, cho phép các hãng hàng không hai nước mở đường bay thẳng với tần suất 1 chuyến/ngày, hoặc bay qua điểm dừng tại quốc gia thứ ba để tới Mỹ.
Năm 2010, Cục Hàng không Việt Nam đã rà soát, đánh giá lại hiệp định, kết luận không còn tồn tại giới hạn, trở ngại nào về nào về hành khách, tần suất bay,… để xin phép mở đường bay kết nối hai nước.
Và sau 10 năm nỗ lực, vào đầu năm 2019, Cục Hàng không Việt Nam đã đạt chứng chỉ CAT-1 của Mỹ. Đây là điều kiện tiên quyết để các hãng hàng không Việt Nam có thể đệ trình xin cấp phép bay tới Mỹ và liên danh với các hãng hàng không tại Mỹ. FAA sẽ tiếp tục đánh giá năng lực của từng hãng hàng không Việt Nam.
Sự kiện Bamboo Airways được Bộ Giao thông vận tải Mỹ cấp phép bay đến Mỹ đã góp phần khẳng định năng lực điều hành, mức độ an toàn tuyệt đối và chất lượng dịch vụ ngang tầm chuẩn mực quốc tế của Bamboo Airways nói riêng, và của hàng không Việt Nam nói chung.
Đánh giá cao nỗ lực của Bamboo Airways, lãnh đạo Cục Hàng không Việt Nam nhận định việc thiết lập đường bay trực tiếp giữa Việt Nam và Mỹ không chỉ mang tính thương mại, mà còn thể hiện năng lực của Hãng cũng như toàn ngành, đặc biệt góp phần thắt chặt mối quan hệ toàn diện giữa hai đất nước.