Quy trình xử lý hết sức đơn giản: Rác được thu gom, chở về đây đổ, để khô rồi đốt, sau đó gạt xuống vực, huyện chưa thực hiện được phân loại hay chôn lấp do thiếu kinh phí |
Bãi rác gây ô nhiễm nhiều năm
Dù đứng rất xa, trên đường Hồ Chí Minh nhưng chúng tôi vẫn phải đeo khẩu trang vì không chịu nổi mùi hôi thối bốc lên từ bãi rác. Chúng tôi tìm vào làng Đông Lốc, xã Đắk Man nằm gần bãi rác, chia sẻ với chúng tôi, chị Y Ba chia sẻ, không riêng gì mình đâu, mà cả làng đều bức xúc vì bãi rác. Những lúc thời tiết nắng nóng thì mùi hôi thối tăng gấp nhiều lần và bay xa hơn. Nhiều năm nay, từ khi huyện làm bãi rác, cuộc sống của cả làng khổ sở lắm, cả làng ai cũng không ưng cái bụng nhưng biết kêu cứu ở đâu. Ngày cũng như đêm, mùi hôi thối lan khắp nơi; ruồi nhặng nhiều lắm, từng đàn từng đàn bay vào làng, cảnh rùi đậu trên bãi rác rồi vào mỗi bữa ăn lại bám vào thức ăn của gia đình là chuyện hàng ngày của mỗi gia đình nơi đây.
“Những ngày nắng nóng, người ta đốt rác càng đáng sợ hơn. Nằm ngủ mà cũng phải đeo khẩu trang, ăn bữa cơm phải chui trong mùng, uống miếng nước cũng không được, lo ngại nhất là người già yếu và trẻ con bị bệnh tật về sau. Còn mùa mưa thì nước rò rỉ từ bãi rác chảy xuống suối đen ngòm, chẳng ai dám lấy nước, phải đi lên tận đầu nguồn của con suối để lấy nước. Dân làng mong chính quyền sớm có biện pháp xử lý, không để kéo dài thêm nữa”- chị Y Ba lo lắng.
Theo chân người dẫn đường, chúng tôi vào bãi rác, đúng lúc một chiếc xe chở đầy rác ì ạch vượt dốc rồi bò vão bãi đổ. Những đàn ruồi nhặng lớn bị động bay vù vù, không gian đặc quánh bởi mùi hôi và khói. Theo quan sát của chúng tôi, bãi rác được xây dựng trên sườn đồi cao, bên dưới là vực sâu. Dù trong thiết kế, bãi rác phải lót vải địa chống thấm và các hố thu nước rỉ rác cũng như hệ thống xử lý nước rỉ rác, nhưng trên thực tế hoàn toàn không tồn tại các hạng mục này.
Theo như Đội Quản lý và dịch vụ công cộng huyện Đăk Glei (đơn vị quản lý, sử dụng bãi rác) cho biết, dự án đầu tư xây dựng bãi rác huyện Đăk Glei tại xã Đăk Pét (giáp thôn Đông Lốc, xã Đăk Man) do Phòng Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) làm chủ đầu tư, được UBND tỉnh phê duyệt Báo cáo đánh giá tác động môi trường tại Quyết định số 1207/QĐ-UBND ngày 07/11/2007; hoàn thành và đưa vào sử dụng năm 2008, với diện tích khoảng 6.000m2.
Cho đến năm 2012, UBND huyện tiếp tục đầu tư thêm 1,2 tỷ đồng mở rộng đường vào bãi rác, làm bãi đậu xe, xây bờ kè chắn rác và mở rộng hố chứa rác. Hiện tại, mỗi ngày, bãi rác tiếp nhận khoảng 6 tấn rác thải thu gom trên địa bàn thị trấn Đăk Glei.
Chính quyền nói gì?
Trao đổi với chúng tôi, ông Từ Anh Dũng- Đội trưởng Đội Quản lý và dịch vụ công cộng huyện Đăk Glei cho hay, tiếng là bãi chôn lấp, xử lý rác nhưng trên thực tế, quy trình xử lý hết sức... đơn giản: Rác được thu gom, chở về đây đổ, để khô rồi đốt, sau đó gạt xuống vực, huyện chưa thực hiện được phân loại hay chôn lấp do thiếu kinh phí.
Con suối chảy phía dưới, chảy qua chân bãi rác này là đầu nguồn cung cấp nước sinh hoạt cho người dân xã Đăk Pét và thị trấn Đăk Glei |
Nguy hại dễ nhận ra nhất là do rác thải không được phân loại, cũng như xử lý không đúng cách, nên khi phân huỷ gây ra mùi hôi thối. Từ đó tạo môi trường thuận lợi cho vi khuẩn phát triển, làm ô nhiễm không khí, nguồn nước… Ngoài ra, bãi chứa rác là nơi phát sinh chuột, ruồi, muỗi, gián và các loại vi trùng gây nhiều chứng bệnh truyền nhiễm, làm mất vệ sinh môi trường, làm cho đời sống người dân nơi đây bị đảo lộn.
Cũng theo ông Dũng, trong những năm qua, bãi rác này không được thực hiện chương trình giám sát môi trường định kỳ theo quy định. Bên cạnh đó, lẽ ra cần phải phun xịt chế phẩm vi sinh để xử lý mùi hôi, diệt ruồi, muỗi, nhưng do vấn đề kinh phí nên cũng... bỏ qua.
Rùng mình khi được biết con suối chảy phía dưới, chảy qua chân bãi rác này là đầu nguồn cung cấp nước sinh hoạt cho người dân xã Đăk Pét và thị trấn Đăk Glei... Không khó để nhận ra, do bãi rác nằm trên sườn đồi có độ dốc lớn, nên chỉ cần có mưa lớn là rác thải sẽ bị cuốn trôi xuống suối, chảy về sông Pô Kô- nguồn cung cấp nước sinh hoạt chính cho cư dân xã Đăk Pét và thị trấn Đăk Glei.
Nhưng mối đe dọa nghiêm trọng nhất ở đây vẫn là nước rỉ rác. Về nguyên tắc, nước rỉ từ bãi rác phải được gom tập trung lại ở hố chứa, bố trí hệ thống xử lý trước khi thải ra môi trường. Tuy nhiên, do bãi rác không được xây dựng hệ thống chống thấm, hệ thống xử lý nước rỉ rác theo báo cáo đánh giá tác động môi trường đã được phê duyệt, toàn bộ nước rỉ rác đều chảy trực tiếp ra môi trường bên ngoài.
Bà Đặng Thị Phương Thủy- Phó Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ Môi trường (thuộc Sở TN&MT tỉnh Kon Tum) cho rằng, đây là một nguy cơ dẫn đến ô nhiễm nguồn nước nghiêm trọng. Nước rỉ rác được hình thành do sự rò rỉ nước mưa thấm vào trong bãi rác hoặc do độ ẩm sẵn có của rác thải nên rất độc hại, chứa nhiều chất ô nhiễm, các vi trùng, vi khuẩn gây bệnh... Nếu thấm vào đất, sẽ gây ô nhiễm trầm trọng nguồn nước ngầm, nếu chảy vào sông suối sẽ hủy hoại môi trường thủy sinh ở khu vực đó, gây ô nhiễm nguồn nước ở hạ lưu.
Mới đây, Sở TN&MT tỉnh Kon Tum phối hợp với Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường (Công an tỉnh Kon Tum) tiến hành kiểm tra thực tế công tác bảo vệ môi trường tại bãi rác và kết luận có nhiều tồn tại liên quan đến môi trường cần được khẩn trương giải quyết.
Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, ông Trương Đạt- Phó Giám đốc Sở TN&MT cho biết, để hạn chế ô nhiễm môi trường tại bãi rác, UBND huyện Đăk Glei cần chỉ đạo Đội Quản lý và dịch vụ môi trường huyện Đăk Glei không đốt rác khi chưa phân loại trong bãi rác; khẩn trương phục hồi các hố thu nước rỉ rác, có biện pháp xử lý kịp thời nhằm tránh ô nhiễm nguồn nước; tiến hành ngay việc phun chế phẩm vi sinh khử mùi, diệt côn trùng tại khu vực đổ rác. Về lâu dài, huyện Đăk Glei cần đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng bãi rác mới.
Bài & ảnh:Võ Hà - Lê Anh