Bài học từ sự cố vỡ đập thuỷ điện bên Lào và giải pháp nhằm hạn chế tác động tới Việt Nam

26/07/2018 18:36

(TN&MT) - Khoảng 20h ngày 23 tháng 7 năm 2018 đã xảy ra sự cố vỡ đập thủy điện XePian XeNamnoy (tỉnh A-ta-pơ, Lào). Trả lời phóng viên báo chí trước sự cố vỡ đập, ông Lê Đức Trung – Chánh Văn phòng Ủy ban sông Mê Công Việt Nam cho biết: Theo nhận định ban đầu, sự cố vỡ đập thuỷ điện XePian XeNamnoy sẽ không gây tác động đáng kể tới đồng bằng sông Cửu Long của Việt Nam.  

IMG 9024
Ông Lê Đức Trung - Chánh Văn phòng Ủy ban sông Mê Công Việt Nam (hàng thứ nhất, ngoài cùng, bên phải)


PV: Từ sự cố vỡ đập thủy điện Xe Pian - Xe Namnoy tại Lào, Việt Nam có thể rút ra được bài học gì cho mình, thưa ông?
 

Ông Lê Đức Trung: Hồ chứa dù lớn hay nhỏ khi xảy ra sự cố vỡ đập thì đều gây thảm họa khó lường cho hạ du. Vì vậy, an toàn đập là vấn đề cần được đánh giá kỹ lưỡng kể từ khi khảo sát, thiết kế đến giai đoạn thi công và vận hành. Đa số các thảm họa vỡ đập hay xảy ra trong giai đoạn thi công, nên cần hết sức coi trọng các biện pháp an toàn cho công trình cho giai đoạn này cho tất cả các bước từ khâu biện pháp thi công, giám sát chất lượng công trình, quan trắc, dự báo lũ… cho đến chuẩn bị trước các giải pháp ứng phó với tình trạng khẩn cấp, đặc biệt là trong bối cảnh thời tiết nguy hiểm, cực đoan xuất hiện ngày càng nhiều.
 

Đối với Việt Nam, mặc dù vấn đề an toàn đập luôn được đặt lên hàng đầu tuy nhiên từ sự cố vỡ đập vừa xảy ra tại Lào cần thiết phải có các biện pháp tăng cường nhằm nâng cao an toàn hồ đập trong tất cả các giai đoạn từ thiết kế, thi công cho tới giai đoạn vận hành công trình, trong đó công tác kiểm tra, giám sát cần đặc biệt coi trọng.
 

Đối với lưu vực sông Mê Công, ngoài Hiệp định Hợp tác Phát triển Bền vững Lưu vực sông Mê Công năm 1995, Uỷ hội sông Mê Công quốc tế đã thông qua bộ Quy chế sử dụng nước, trong các nguyên tắc sử dụng nước công bằng và hợp lý, nguyên tắc trao đổi thông tin số liệu, nghĩa vụ thông báo và tham vấn… đối với các đề xuất sử dụng nước đã được quy định. Mới đây, Uỷ hội đã tiến hành tham vấn và thông qua Kế hoạch hành động thực hiện Tuyên bố chung Tham vấn trước Dự án thủy điện Pắc Beng, qua đó sẽ tăng cường về phối hợp trao đổi thông tin, quan trắc giám sát và xây dựng quy chế vận hành liên hồ cho tất cả các công trình thủy điện dòng chính. 
 

Hiện nay Uỷ hội sông Mê Công quốc tế đang cập nhật Hướng dẫn thiết kế cho các đập thủy điện dòng chính cho tất cả các lĩnh vực an toàn hồ, đập từ giai đoạn thiết kế cho đến giai đoạn thi công, vận hành công trình để giảm thiểu nguy cơ mất an toàn.
 

vo dap
Sự cố vỡ đập thủy điện XePian XeNamnoy (tỉnh A-ta-pơ, Lào) ngày 23/7/2018


PV: Cho tới nay, Việt Nam đã xây dựng kịch bản ứng phó với các tình huống vỡ đập hay chưa, thưa ông? Nếu có, theo đánh giá của ông, kịch bản ấy đã sát thực tế hay chưa?
 

Ông Lê Đức Trung: Việc xây dựng các kịch bản vỡ đập trên sông Mê Công là hết sức quan trọng. Trong thời gian tới, các kịch bản vỡ đập của các công trình trên dòng chính sông Mê Công, chẳng hạn như các tổ hợp nhiều đập thủy điện vỡ dây chuyền, sẽ được nghiên cứu một cách khoa học, kỹ lưỡng dựa trên các số liệu với cập nhật được thu thập từ các quốc gia phía thượng du nhằm đánh giá các tác động có thể xảy ra. Từ đó chúng ta sẽ xây dựng được cách kịch bản để ứng phó một cách chủ động. Để thực hiện điều này sẽ cần có sự hợp tác với các quốc gia thuộc Ủy hội sông Mê Công quốc tế, Trung Quốc và đặc biệt là các chuyên gia có kinh nghiệm trong và ngoài khu vực.
 

PV: Ông có thể cho biết nhận định về ảnh hưởng từ vụ vỡ đập tới khu vực Đồng bằng sông Cửu Long và giải pháp nhằm hạn chế tác động tới Việt Nam trong thời gian tới?
 

Ông Lê Đức Trung: Dự án thủy điện XePian XeNamnoy nằm trên sông Xenamnoy thuộc hai tỉnh Chăm pa-sắc và A-ta-pơ. Vị trí công trình cách dòng chính sông Mê Công ở Campuchia khoảng 200km và cách biên giới Việt Nam khoảng 650km. có tổng dung tích 1,1 tỷ m3, công suất lắp đặt là 410MW. Hồ chứa XePian XeNamnoy bắt đầu tích nước từ đầu năm 2018. Cho tới nay ước tính hồ đã tích được khoảng 500 triệu m3.
 

Theo ước tính của Ủy ban sông Mê Công Việt Nam trong trường hợp đập xả hết lượng nước 500 triệu m3 tích trong hồ về hạ du và sẽ làm mực nước ở Tân Châu - Châu Đốc tăng khoảng 5cm.
 

Vỡ đập phía thượng nguồn là hiểm họa không mong muốn và ngoài tầm kiểm soát của Việt Nam, do vậy để nhằm hạn chế tác động tới Việt Nam trong thời gian tới, chúng ta cần:
 

Thứ nhất, chủ động phối hợp với các Ủy ban sông Mê Công quốc gia trao đổi: i) Điều tiết dòng chảy, xả nước phục vụ mục tiêu phòng chống lũ-hạn ở hạ du; ii) Chia sẻ thông tin về vận hành các công trình thủy điện, sử dụng tiết kiệm hiệu quả và bền vững nguồn tài nguyên nước ở Hạ lưu vực sông Mê Công.
 

Thứ hai, xây dựng chương trình nghiên cứu, dự án về phòng chống lũ hạn và xây dựng các kịch bản vỡ đập, để chủ động có các giải pháp thích hợp khi có sự cố, thiên tai.
 

Thứ ba, tăng cường theo dõi, dự báo và cảnh báo diễn biến mưa và dòng chảy cho cả mùa khô và mùa lũ hàng năm trên Lưu vực sông Mê Công, thông quan việc tăng cường xây dựng, nâng cấp các trạm quan trắc, cảnh báo về dòng chảy trên các sông chính, các khu vực quan trọng.
 

Thứ tư, xây dựng hệ thống mô hình để kịp thời dự báo, cảnh báo cho người dân, chính quyền các địa phương khi có bất cứ các bất lợi nào
 

Ngoài ra, cần tăng cường thêm sự hiểu biết của người dân địa phương về các hiểm họa và phương pháp phòng chống thích hợp./.
 

Xin trân trọng cảm ơn ông!

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bài học từ sự cố vỡ đập thuỷ điện bên Lào và giải pháp nhằm hạn chế tác động tới Việt Nam
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO