Bài học đắt giá từ rừng Hòn Bồ Đà Lạt bị xâm hại

03/06/2016 00:00

Nằm ở cửa ngõ đông bắc vào thành phố, rừng Hòn Bồ Đà Lạt mấy tháng nay mất đi sự yên tĩnh bởi "lâm tặc" hoành hành, còn chính quyền địa phương cùng lực lượng...

 

Nằm ở cửa ngõ đông bắc vào thành phố, rừng Hòn Bồ Đà Lạt mấy tháng nay mất đi sự yên tĩnh bởi “lâm tặc” hoành hành, còn chính quyền địa phương cùng lực lượng chức năng phải ngày đêm lội rừng bảo vệ. Ngày 1/6, trưa nắng gắt, PV và ông Võ Văn Sang - Phó Chủ tịch UBND, kiêm Trưởng Ban lâm nghiệp phường 12 vào Hòn Bồ ghi nhận hàng chục cây thông cổ thụ gục ngã, rừng thông Hòn Bồ đang kêu cứu…

Nhiều ưu đãi  nhưng...  

Rừng Hòn Bồ là rừng phòng hộ môi trường cảnh quan, thuộc địa bàn phường 12, thành phố Đà Lạt. Theo Quyết định số 1094/QĐ-UBND ngày 5/5/2008 của UBND tỉnh Lâm Đồng, ngày 8/7/2008 Công ty (Cty) TNHH Trà Ngọc Duy chính thức trở thành “người sử dụng” trong 50 năm. Tháng 8/2009, Cty TNHH Trà Ngọc Duy hợp tác với 2 Cty tại thành phố Hồ Chí Minh là Cty cổ phần Đầu tư xây dựng - Xuất nhập khẩu Tiên Minh Phát và Cty cổ phần phụ tùng xe máy DNN và đổi thành Cty cổ phần Du lịch Thiên Đường Đà Lạt (gọi tắt là Cty Thiên Đường). Tổng diện tích được giao 83,7ha, tại khoảnh 5 và 7 tiểu khu 151. Trong đó, 63,4ha diện tích có rừng và 20,3 diện tích đất không có rừng. Mục tiêu của dự án là quản lý, bảo vệ rừng; trồng rừng; trồng cây thảo dược Atisô và kinh doanh du lịch. Tại văn bản thẩm định số 1997/TĐ-SNN ngày 28/9/2007 của Sở NN&PTNT Lâm Đồng: trên 84,20ha, tổng trữ lượng gỗ 2.132m3, gồm các loại thông: thành thục, gần thành thục, trung niên lớn,… và thông có tuổi ít nhất cũng trồng từ năm 2004. Đáng lưu ý đây là rừng phòng hộ xung yếu.  

Theo Giấy chứng nhận đầu tư số 42121000200 ngày 21/3/2008 do Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Hoàng Sĩ Sơn ký, căn cứ các văn bản pháp quy của Nhà nước, dự án này được hưởng các ưu đãi như: miễn thuế 2 năm và giảm 50% số thuế phải nộp trong 3 năm tiếp theo đối với thu nhập tăng thêm từ hoạt động trồng, chăm sóc rừng và miễn thuế 1 năm và giảm 50% số thuế phải nộp cho 4 năm tiếp theo đối với thu nhập tăng thêm từ các hoạt động xây dựng khu du lịch sinh thái và trồng cây thảo dược. Chưa hết, doanh nghiệp này còn được miễn tiền thuê đất trong 7 năm đối với diện tích rừng trồng, chăm sóc rừng và miễn tiền thuê đất trong 3 năm đối với diện tích đất thuê để trồng cây thảo dược và xây dựng khu du lịch sinh thái.  

Cũng theo Giấy chứng nhận đầu tư, dự án có trách nhiệm quản lý bảo vệ rừng (trên diện tích đất có rừng với trữ lượng gỗ lớn hơn hoặc bằng 50m3/ha với 30,7ha; trồng rừng (trên diện tích đất không có rừng 10,5ha; trồng cây Atisô (trên diện tích đất trống không có rừng) 10,3ha; kinh doanh du lịch 32,7ha. Tiến độ thực hiện dự án “đến hết năm 2011 hoàn thành các hạng mục đầu tư”. Tuy nhiên, đến năm 2016, theo báo cáo của Hạt Kiểm lâm Đà Lạt ngày 24/5, việc triển khai thực hiện dự án mới trồng được 6,4ha Atisô/10,3ha. Đáng lưu ý là có những nội dung chưa triển khai thực hiện như: trồng rừng, kinh doanh du lịch và quản lý bảo vệ rừng (QLBVR) chỉ hợp đồng 1 người (?).  

Rừng và đất rừng đã bị xâm hại 

Qua điều tra được biết từ năm 2009 đến năm 2013, Hạt Kiểm lâm Đà Lạt đã phát hiện và lập biên bản vi phạm hành chính đối với 6 trường hợp vi phạm chặt phá rừng xảy ra trên diện tích Cty Thiên Đường quản lý với số tiền xử phạt 51.910.000 đồng. Cùng đó, với tư cách là chủ rừng, Cty Thiên Đường đã 2 lần bị cơ quan chức năng xử lý vi phạm hành chính về hành vi khai thác rừng và hủy hoại đất lâm nghiệp trái phép với số tiền 45.100.000 đồng.  

Mới đây nhất, từ cuối tháng 3 đến ngày 17/5/2016, tình trạng phá rừng Hòn Bồ tiếp tục diễn ra. Qua kiểm tra, địa phương và cơ quan chức năng ghi nhận có 52 cây thông 3 lá (nhóm IV) bị cưa hạ trái phép (gồm 49 cây thuộc Cty Thiên Đường quản lý và 3 cây giáp ranh thuộc Ban Quản lý rừng Lâm Viên quản lý). Cây có đường kính gốc từ 30cm - 51cm, chiều dài trung bình 13m, độ tuổi thông lớn nhất đã trên 40 năm. Khối lượng thiệt hại quy ra gỗ tròn 38,565m3. Toàn bộ thân gỗ đã bị lấy ra khỏi hiện trường. Điều đáng nói là trong số thông bị chặt hạ trái phép có nhiều cây chỉ cách 2 nhà bảo vệ của Cty Thiên Đường mấy trăm mét (!) 

Ông Võ Văn Sang cho biết: Phường nhiều lần mời đại diện lãnh đạo Cty Thiên Đường họp bàn triển khai thực hiện công tác QLBVR nhưng hầu như đơn vị này chỉ cử nhân viên bảo vệ dự. Mặt khác, đơn vị này cũng ít khi có báo cáo tình hình để ngành chức năng và địa phương phối hợp hỗ trợ hướng dẫn, nhất là những diễn biến về tài nguyên rừng bị xâm hại. Nghĩa là, đơn vị được giao đất và rừng quản lý đã không có trách nhiệm hợp tác với ngành chức năng và chính quyền địa phương để thực hiện tốt trách nhiệm QLBV&PTR như quy định. 

Đơn cử, ngày 4/11/2014, đoàn kiểm tra liên ngành và UBND phường kiểm tra tiểu khu 151 với sự chứng kiến của ông Chủ tịch Hội đồng quản trị Cty Thiên Đường Phạm Nguyễn Ngọc Duy, trong đó biên bản ghi rõ: “Cty chưa xây dựng phương án QLBVR trên diện tích rừng làm dự án với tổng diện tích 84,2ha, chỉ hợp đồng với 1 nhân viên QLBVR nên lực lượng quá mỏng dẫn đến một số cây thông bị ken gốc và tác động như chặt đọt làm chết 35 cây thông”. Cty này cũng chưa hợp đồng thuê rừng; chưa chuyển đổi mục đích sử dụng đất từ đất lâm nghiệp sang đất trồng cây thảo dược Atisô  (mặc dù đã trồng 6,4ha); chưa thực hiện công tác trồng rừng và các hạng mục khác theo Giấy phép đầu tư xây dựng. Đoàn đã “yêu cầu Cty Thiên Đường tăng cường công tác QLBVR để phát hiện và ngăn chặn kịp thời tình trạng ken gốc làm chết cây thông và triển khai dự án theo đúng tiến độ và thời gian theo Giấy phép chứng nhận đầu tư”. 

Cần có chế tài xử lý nghiêm chủ dự án  

Ngày 1/6/2016, có mặt tại hiện trường thông bị cưa hạ, chúng tôi tìm gặp nhân viên bảo vệ QLBVR của Cty Thiên Đường thì được biết nhân viên này không có mặt. Một người đi xe máy rời khỏi rừng có tên là Nguyễn Quốc Vương được chúng tôi đề nghị dừng lại để phỏng vấn nhanh. Anh Vương cho biết: Anh là người trồng Atisô còn nhân viên QLBVR tên là Công… không có mặt. “Tụi con canh dùm, khi nào phát hiện thì báo cho ông Công ra”, anh Vương nói. Anh Vương làm 4 vườn Atisô, không thể đủ sức canh đến mấy chòi cho Cty nên dĩ nhiên là bất khả kháng. Hỏi tại sao những cây thông cổ thụ chỉ cách nhà bảo vệ vài trăm mét bị cắt hạ mà không biết? Trả lời: “Mấy đêm đó tụi cháu về hết, hôm sau vào mới biết”. Hỏi: “Sao không có ông Công ở lại?”. Trả lời: “Mấy khi ông ấy vào, vài ba ngày ông vào, chạy vòng vòng tí chứ hơn tám mươi mấy mẫu làm sao đi hết hả chú”.   

Phó Chủ tịch Võ Văn Sang cho biết thêm: Khi được báo tin thông bị chặt hạ, chính quyền địa phương đã liên tục yêu cầu Cty Thiên Đường bố trí thêm lực lượng để tăng cường công tác QLBVR, đồng thời phường huy động lực lượng cùng các ngành chức năng mật phục bắt đối tượng nhiều đêm. Vào 1 giờ 30 ngày 11/5/2016 kiểm lâm địa bàn và thành viên đội 12 Hạt Kiểm lâm phát hiện 4 đối tượng cưa hạ cây trái phép và tổ chức truy bắt. Do địa hình phức tạp, các đối tượng manh động, liều lĩnh chống trả và lao xe vào lực lượng truy bắt nên đã chạy thoát, để lại các tang vật vi phạm. Trong lúc đó, thời điểm xảy ra các vụ rừng thông bị chặt hạ trái phép, Cty Thiên Đường không báo cáo tình hình công tác QLBVR, không chuyển biên bản vi phạm cho Ban lâm nghiệp và UBND phường 12?!    

Như vậy là đã rõ, tuy Hạt Kiểm lâm Đà Lạt hàng năm đã triển khai xây dựng kế hoạch QLBV&PTR trên địa bàn, trong đó có tiểu khu 151; chính quyền địa phương Đà Lạt và phường 12 thường xuyên quan tâm đến công tác QLBVR, nhưng đơn vị chủ án là Cty Thiên Đường đã không không tuân thủ những quy định pháp quy kéo dài. Đây là nguyên nhân cơ bản nên rừng ở tiểu khu 151 bị xâm hại ngày thêm nghiêm trọng.        

Hiện, các cơ quan chức năng và địa phương Đà Lạt, phường 12 đang triển khai lực lượng vào cuộc điều tra, làm rõ trách nhiệm tổ chức, cá nhân có liên quan. Đồng thời, yêu cầu chủ dự án là Cty Thiên Đường trồng lại rừng trên những diện tích rừng bị khai thác trái phép và trên diện tích đất bị lấn chiếm trái phép.

Theo Báo Lâm Đồng

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bài học đắt giá từ rừng Hòn Bồ Đà Lạt bị xâm hại
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO