Bài dự thi “Cùng giữ màu xanh của biển”: Xanh để nâng vị thế Cát Bà

Hoàng Hòa| 24/05/2022 10:43

(TN&MT) - Không phải ngẫu nhiên Cát Bà trở thành điểm đến lý tưởng của du khách miền Bắc dịp nghỉ lễ năm nay. “Trái ngọt” đó đến từ nỗ lực bảo vệ môi trường, cảnh quan thiên nhiên vì sự phát triển bền vững cho ngành du lịch của huyện Cát Hải nói riêng và TP. Hải Phòng nói chung.

Du lịch giữ chân du khách

Được kết nối với Hà Nội bằng Quốc lộ 5 và Đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng; kết nối trung tâm thành phố Hải Phòng với các tỉnh ven biển phía Bắc và Vịnh Hạ Long - Di sản Thế giới qua Quốc lộ số 10, lại thêm tuyến đường hàng không, đường biển, Cát Bà đang là điểm đến hết sức thuận tiện cho du khách các tỉnh miền Bắc. Đặc biệt, trước khi đặt chân đến một vùng nước trời núi non thơ mộng, du khách còn có cơ hội ngắm nhìn cây cầu vượt biển dài nhất Đông Nam Á nối liền Đình Vũ và đảo Cát Hải cũng như trải nghiệm hệ thống cáp treo dài 18km đưa khách từ Cát Hải sang Cát Bà...

Khác với nhiều khu du lịch trên cả nước vốn ít điểm vui chơi, khám phá cho du khách nghỉ dưỡng lâu dài, Cát Bà mang đến một hệ sinh thái biển rộng tới 345km2 cùng 388 hòn đảo và rất nhiều bãi biển đẹp miên man với làn nước xanh trong như ngọc và bờ cát trải dài uốn quanh những dãy núi thấp cao kỳ vĩ. Những ngọn núi đá vôi được kiến tạo từ khoảng 18.000 năm trước tạo thành quần thể đảo lớn đảo nhỏ muôn hình vạn trạng. Và trong những địa tầng ấy, hiện còn lưu giữ những dấu tích gắn với 77 địa điểm khảo cổ, điển hình là Di chỉ Cái Bèo (thị trấn Cát Bà). Thiên nhiên hoàn mỹ nơi đây như lời mời gọi, khơi nguồn sáng tạo và đam mê trải nghiệm.

cat-ba-1.jpg

Đến với Cát Bà, du khách có thể thoải mái lựa chọn giữa hàng loạt loại hình du lịch hấp dẫn như du lịch sinh thái rừng, tìm hiểu hệ động thực vật rừng nguyên sinh với các loài linh trưởng đặc hữu hoặc tìm hiểu một số loài côn trùng, bò sát và một số loài thú ăn đêm; khám phá hệ sinh thái vịnh, tùng, áng tại vịnh Lan Hạ, động Trung Trang, động Thiên Long kết hợp lặn ngắm san hô, câu cá, tắm biển, leo núi; du lịch cộng đồng, trải nghiệm cuộc sống của người dân địa phương và ngư dân trên biển...

Đã tới đây nhiều lần nhưng gia đình anh Vũ Tuấn Anh và chị Đàm Ánh Ngọc vẫn không khỏi ấn tượng về nỗ lực của ngành du lịch địa phương trong việc bảo vệ cảnh quan thiên thiên và môi trường sinh thái biển Cát Bà.

“Gần như năm nào vào dịp nghỉ lễ 30/4 - 1/5, chúng tôi cũng đặt phòng ở Cát Bà. Dù là dịp lễ khá đông du khách đến du lịch nhưng những nơi chúng tôi đến vẫn luôn được giữ gìn sạch sẽ, tạo cho chúng tôi cảm giác khá thoải mái, dễ chịu và thư thái. Có thể nói đây là nỗ lực rất lớn của người dân và chính quyền địa phương để giữ cho Cát Bà trở thành điểm đến lý tưởng ở miền Bắc” - anh Tuấn Anh chia sẻ.

Cũng đến Cát Bà trong những ngày đầu tháng 5, chị Trần Thị Minh Nguyệt lại tìm thấy lý do gắn bó với nơi đây bởi sự hoang sơ được bảo tồn gần như trọn vẹn, điều mà theo chị, chưa nhiều địa điểm du lịch trên cả nước có thể thực hiện tốt đến như vậy.

“Du lịch có trách nhiệm là du lịch gắn liền với việc bảo tồn cảnh quan thiên nhiên, môi trường, đặc biệt là những nơi có hệ sinh thái biển đa dạng và kỳ vĩ như Cát Bà. Đây cũng là yếu tố quyết định giúp Cát Bà không chỉ giữ chân du khách Việt mà còn là điểm đến ngày càng được du khách quốc tế quan tâm” - chị Nguyệt chia sẻ.

Bảo vệ môi trường vì tương lai bền vững

Không phải ngẫu nhiên, Cát Bà lại nhận được nhiều lời khen tặng đến từ những du khách trải nghiệm thực tế sản phẩm du lịch biển tại Việt Nam đến vậy. Cũng không phải ngẫu nhiên, du lịch biển Cát Bà lại có thể níu chân khách lâu như thế.

Nếu chỉ có “biển xanh, cát trắng, nắng vàng”, hẳn du lịch Cát Bà khó có thể cạnh tranh với nhiều bãi biển đẹp trải dài từ Bắc vào Nam như Trà Cổ (Quảng Ninh), Lăng Cô (Thừa Thiên - Huế), Nha Trang (Khánh Hòa), Vũng Tàu (Bà Rịa - Vũng Tàu)… những địa danh đã nổi tiếng từ lâu trên bản đồ Việt Nam và được rất nhiều du khách quốc tế biết đến.

Điểm khác biệt của Cát Bà không chỉ đến từ sự chú trọng đầu tư, phát triển cơ sở hạ tầng, nâng cấp trải nghiệm vui chơi, mua sắm, dịch vụ… mà còn ở chính yếu tố cốt lõi là việc bảo vệ hệ sinh thái biển, mang lại cảm giác trở về trọn vẹn với thiên nhiên trong lành cho du khách. Đây cũng là yếu tố then chốt tạo ra sự độc đáo và đặc biệt mà không nhiều điểm du lịch ở Việt Nam có thể làm được.

Nỗ lực bảo vệ thiên nhiên môi trường ở Cát Bà được chính quyền địa phương hiện thực hóa bằng những hành động thiết thực nhất. Trong đó, phải kể đến việc triển khai một lượng lớn nguồn nhân lực thường xuyên, liên tục phục vụ việc thu gom, vớt rác quanh các vịnh thuộc đảo Cát Bà. Chỉ tính riêng 2 vịnh Bến Bèo và Lan Hạ, số lượng rác thải được thu gom mỗi ngày đã vào khoảng 10m2.

cat-ba.jpg

Ngoài ra, mỗi tuần một lần, các cán bộ, người lao động của Ban Quản lý Vịnh Cát Bà cũng tập trung thu gom rác thải tại khu vực giáp ranh với Vịnh Hạ Long như Vạn Tà, Trà Báu, Gia Luận… đặc biệt là những nơi có lượng tàu lưu trú qua đêm đông như Trà Báu, Thoi Quý… Nỗ lực trên đã giúp khu vực đảo Cát Bà luôn được giữ gìn vệ sinh sạch sẽ, tạo sự thoải mái, an tâm hoàn toàn cho du khách đến tham quan, nghỉ dưỡng.

Bên cạnh đó, chính quyền thành phố Hải Phòng cũng đã triển khai chương trình giám sát đa dạng sinh học trên đảo Cát Bà thông qua việc tập huấn, hỗ trợ kỹ thuật, thiết bị và phân bổ ngân sách cho địa phương nhằm cung cấp những dữ liệu, nguồn thông tin quan trọng để đưa ra các biện pháp quản lý, bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học tốt nhất cho Cát Bà.

Ông Nguyễn Lê Phúc - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch cho rằng: “Cần có sự định hướng, hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng sản phẩm du lịch Cát Bà hấp dẫn, phát triển du lịch nghỉ dưỡng biển, du lịch kết hợp hội nghị, hội thảo, triển lãm, tổ chức sự kiện, khen thưởng… (MICE), du lịch golf, du lịch cộng đồng - sinh thái nông nghiệp, du lịch văn hóa - lịch sử, văn hóa nghệ thuật và ẩm thực trên cơ sở liên kết các doanh nghiệp lữ hành, khách sạn, vận chuyển và các điểm tham quan; quan tâm phát triển một số mô hình kinh tế mới trong lĩnh vực du lịch như kinh tế chia sẻ, kinh tế du lịch ban đêm…”

Chia sẻ quan điểm này, ông Phạm Hà - Chủ tịch Lux Group gợi ý, Cát Bà cần đẩy mạnh liên kết vùng trong phát triển du lịch bền vững: “Du lịch Cát Bà cần nắm bắt xu hướng liên kết các vùng du lịch trong tiến trình phát triển chung. Với lợi thế sở hữu vịnh Lan Hạ, một trong những vịnh biển đẹp nhất thế giới, du lịch Cát Bà có thể liên kết cùng vịnh Hạ Long và khu vực Bái Tử Long để tạo nên những điểm đến chung về mặt địa lý, địa hình du lịch”.

Có thể nói, với những lợi thế tuyệt vời về cảnh quan thiên nhiên khi là nơi duy nhất ở Việt Nam sở hữu tới 4 danh hiệu quốc gia và quốc tế gồm Vườn Quốc gia Cát Bà, Khu bảo tồn biển, Khu dự trữ sinh quyển thế giới và Top 10 vịnh đẹp nhất thế giới, Cát Bà hoàn toàn có thể hướng tới việc phát triển du lịch sinh thái bền vững với các biện pháp căn cơ và lâu dài.

Điều này không chỉ góp phần thúc đẩy vị thế của Cát Bà trên bản đồ du lịch Việt Nam và thế giới mà còn giúp “hòn ngọc xanh” này có thể được UNESCO công nhận là Di sản Thiên nhiên Thế giới trong năm 2022. Chính sự quyết liệt trong hành động của chính quyền và người dân địa phương sẽ quyết định liệu Cát Bà có xứng đáng được vinh danh hay không!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bài dự thi “Cùng giữ màu xanh của biển”: Xanh để nâng vị thế Cát Bà
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO