Bài dự thi "Cùng giữ màu xanh của biển" - Thở đi nào biển ơi! - Bài 2: Nghe máy ép rác đầu tiên “kể chuyện”

Bài và ảnh: MAI LỮ (Báo Nhân dân)| 23/03/2021 11:38

(TN&MT) - Bên cạnh tinh thần, trách nhiệm cao nhất của quân và dân nơi biển, đảo, vẫn cần thêm nhiều giải pháp cho vấn đề xử lý rác thải. Trong những chuyến công tác ra Trường Sa, chúng tôi đã gặp những kỹ sư đầy nhiệt huyết, luôn đau đáu về vấn đề rác thải nơi biển, đảo. Sau bao miệt mài, trăn trở, họ đã chế tạo được máy xử lý rác thải, đưa sản phẩm ứng dụng tại đảo xa.

Kịp thời ứng cứu đảo xa

Trong các điểm đảo thuộc Quần đảo Trường Sa, Song Tử Tây khá đặc biệt bởi hệ sinh thái phong phú như ở đất liền. Khách đến thăm đảo sẽ gặp đàn bò vàng khỏe mạnh, khi đủng đỉnh bước trên bờ cát trắng, lúc ung dung nằm cạnh tán cây phong ba. Đó đây, có đàn cò trắng đang kiếm mồi vụt bay trắng xóa như vệt mây trời, rồi tiếng loài chim cuốc vọng ra từ một lùm cây, giữa đảo xa mà cảm giác như quê hương mình vậy!

Chúng tôi hỏi một chiến sĩ trẻ: “Đảo ta dạo này có gì mới không?”, chiến sĩ hào hứng đáp: “Chúng tôi mới có thêm một đồng đội, đó là C-Sea!”. Tất cả cùng “ồ” lên: “Ai mà tên lạ thế?”. Thì ra, đó là chiếc máy ép rác đặt thí điểm tại đảo vào năm 2019 với “nhiệm vụ” tái chế rác thải nhựa, rác thải rắn, được chế tạo bởi kỹ sư Trần Vũ Thành, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Tuổi trẻ vì biển đảo quê hương. Người kỹ sư này đã 9 lần đến với Trường Sa, Nhà giàn DK1. Ý tưởng về chiếc máy ép rác bắt đầu từ những chuyến hải trình, chứng kiến cảnh mặt biển xanh như ngọc, bãi cát trải dài mộng mơ tràn ngập túi ni lông, vỏ chai nhựa; khẩu phần ăn và sinh hoạt tại chỗ của bộ đội cũng sử dụng nhiều đồ hộp, chai nhựa…

Bộ đội Hải quân tiếp nhận C-Sea tại đảo Song Tử Tây

Kỹ sư Trần Thành xác định, về giải pháp công nghệ thì không khó nhưng để có thiết kế phù hợp môi trường biển đảo, sử dụng những vật liệu chống ăn mòn, chịu được môi trường mặn, dễ dàng vận hành, bảo trì, sửa chữa thật không dễ dàng. Do nguồn điện trên các đảo và Nhà giàn cần tiết kiệm ở mức tối đa nên nhà sáng chế đã áp dụng hai giải pháp: Phiên bản 1 dùng điện tiết kiệm năng lượng, tiêu thụ điện 2,2kW/giờ, mỗi khối rác ép mất 5 phút, tiêu thụ khoảng 185W; Phiên bản 2 dùng kích tay thủy lực, không dùng điện nhằm tiết kiệm năng lượng. Bên cạnh đó, vì môi trường khí hậu khắc nghiệt rất dễ làm hư hỏng, ăn mòn thiết bị làm bằng kim loại nên máy ép rác C-Sea được làm bằng thép không gỉ, các linh kiện khác cũng lựa chọn loại chịu được muối mặn, những phần bảng điện được bảo vệ bằng hộp kín, toàn bộ thiết bị được sơn chống gỉ nhiều lớp. Trọng lượng máy cũng được tính cho phù hợp nhất nhằm đáp ứng điều kiện vận chuyển nhiều lần để tới các đảo, Nhà giàn bằng sức người mà chưa có thiết bị hỗ trợ vận chuyển. Vì thế, máy ép rác được thiết kế tối ưu, sử dụng vật liệu nhẹ. Máy C-Sea TT1, cấp cho các đảo nổi có trọng lượng 250 kg hoàn toàn phù hợp với điều kiện vận chuyển. Sau các lần thử nghiệm thực tế, lực ép tối ưu từ “chiến sĩ mới” đạt 8 - 10 tấn. 5 m3 rác sau 10 phút ép máy, thể tích giảm còn 1 m3, định dạng hình chữ nhật rất dễ dàng, gọn gàng cho việc lưu trữ và vận chuyển vào đất liền.

Trao đổi cùng chúng tôi, anh Thành chia sẻ, anh và các cộng sự đã cơ bản hoàn thành việc chế tạo các phiên bản máy C-Sea tiên tiến, công suất cao, thiết kế gọn nhẹ hơn, sẽ tiếp tục đặt tại các đảo, đặc biệt là đảo chìm trong thời gian tới. Cụ thể, máy  C-Sea TT2 thiết kế riêng cho các đảo chìm có trọng lượng khoảng 150 kg, thiết kế đơn giản tối ưu, chỉ với 3 nút bấm, tạo điều kiện cho bộ đội trên các đảo, nhà giàn dễ dàng tiếp cận và sử dụng. Ngoài ra, đi kèm theo máy ép rác, anh và cộng sự cũng cung cấp số lượng lớn bao tải phân loại và dây buộc. Theo đó, phế liệu sắt sẽ đựng trong bao màu nâu, phế liệu nhựa sẽ đựng trong bao màu xanh. Khối rác sau khi về đất liền rất thuận tiện trong việc bán và thu về phần kinh phí nhỏ. Để bảo đảm vệ sinh trong điều kiện lưu trữ lâu trên đảo, dự án còn cung cấp chế phẩm vi sinh xử lý vi khuẩn Mediapag-20 để phun lên bề mặt, nhằm diệt khuẩn.

Chế phẩm này được Câu lạc bộ Tuổi trẻ vì biển đảo quê hương ứng dụng thành công tại khu tăng gia trên các đảo thuộc Quần đảo Trường Sa từ năm 2017.

Máy cần… “đồng đội”!

Tính đến thời điểm hiện tại, qua khảo sát thực tế của chúng tôi, ở Quần đảo Trường Sa và các Nhà giàn DK1 mới chỉ có đảo Song Tử Tây được lắp đặt máy ép rác. Dù chiếc máy hoạt động hiệu quả, giúp tiết kiệm thời gian, công sức, bảo vệ môi trường hiệu quả, nhưng số lượng quá ít so với môi trường biển, đảo đang cấp thiết đòi hỏi xử lý rác hàng ngày. Chia sẻ thực tế trên, kỹ sư Trần Vũ Thành cho biết, toàn bộ kinh phí sản xuất một chiếc máy khoảng 90 triệu đồng. Anh và các cộng sự hoàn toàn có thể sản xuất số lượng lớn, phiên bản đa dạng, nhưng để đưa được máy đến với đảo xa vẫn còn nhiều khó khăn, trở ngại.

Chuyển C-SEA ra đảo

Từ năm 2020 đến nay, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, anh Thành nói riêng và các đồng nghiệp, đối tác nói chung chưa tham gia được chuyến công tác Trường Sa nào để mang máy ra đảo. Bên cạnh đó, kỹ sư Trần Vũ Thành mong muốn thực hiện một dự án dài hơi, lắp đủ máy ép rác cho 33 điểm đảo thuộc Quần đảo Trường Sa và 15 Nhà giàn DK1. Cụ thể, 10 đảo nổi cần 3 máy/đảo; 23 đảo chìm cần 1 máy/đảo và 15 Nhà giàn mỗi nhà 1 máy. Như vậy, cần khoảng 68 máy ép rác mới đáp ứng nhu cầu. Trong điều kiện thuận lợi nhất, nên lắp đặt cùng lúc tại các điểm đảo và Nhà giàn để bảo đảm đồng bộ trong vận hành, bảo dưỡng. Với mức tổng kinh phí toàn dự án khoảng 7,5 tỷ đồng, ở giới hạn một cá nhân hoặc câu lạc bộ nhỏ, chưa thể trang trải được. Trước đó, ngoài chiếc máy ép rác cho đảo Song Tử Tây, kỹ sư Trần Vũ Thành đã nhiều lần tặng Quần đảo Trường Sa những chiếc máy lọc nước biển thành nước ngọt do chính anh sáng chế và đoạt Giải thưởng sáng tạo Khoa học Công nghệ Việt Nam Vifotec 2017.

Kỹ sư Trần Vũ Thành là một trong số nhiều tri thức trẻ luôn dành tâm huyết và tri thức hướng về biển, đảo bằng những hoạt động thiết thực. Anh cho biết, sau khi công trình máy lọc nước biển thành nước ngọt mang lại hiệu quả thiết thực ở Quần đảo Trường Sa, nhiều tổ chức, đơn vị đã phối hợp với đơn vị sản xuất để mua máy giá gốc, tặng cho biển, đảo. Đối với dự án bảo vệ môi trường mới này, nếu có sự chung tay, góp sức thì vấn đề bảo vệ môi trường biển ở nơi tiền tiêu của Tổ quốc sẽ diễn ra sôi nổi, hiệu quả và đạt tiến độ ổn định hơn. Vì  vậy, anh mong muốn các tổ chức, cá nhân “xin đừng thờ ơ trước dự án mang tên: Máy ép rác tặng đảo xa”.

Theo kế hoạch, kỹ sư Trần Vũ Thành vẫn quyết tâm thực hiện dự án tặng máy ép rác cho 33 điểm đảo và 15 Nhà giàn dù khó xác định cụ thể về tiến độ. “Tôi đã từng hình dung ra hình ảnh: Mỗi chiều cuối tuần bộ đội trên các điểm đảo vừa thu gom rác, vừa ép rác bằng tay, cho ra những khối sắt, nhựa vuông vức. Một công đôi việc, vừa tập thể dục, vừa bảo vệ môi trường biển. Sau này những khối rác vuông vắn kia được bán, thu lại một khoản tiền trang bị thêm cho bộ đội những cuốn sách, dụng cụ thể thao, nâng cao đời sống tinh thần và sức khỏe. Đó là những hình cảnh rất vui và đẹp”, anh Thành chia sẻ.

Bài 3: Bao giờ  cho hết thờ ơ?

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bài dự thi "Cùng giữ màu xanh của biển" - Thở đi nào biển ơi! - Bài 2: Nghe máy ép rác đầu tiên “kể chuyện”
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO