Bài dự thi “Cùng giữ màu xanh của biển” - Rừng của biển: Bài 1: Thương lắm những cánh rừng phòng hộ

Nguyễn Phương Trang (phường Nam Ngạn, TP. Thanh Hóa, tỉnh Thanh | 08/03/2022 11:19

(TN&MT) - Khi những “bức tường xanh” - “lá phổi xanh” không còn, người dân ven biển nơi đây phải trực tiếp hứng chịu nhiều trận bão tràn về làm vỡ đê, nước biển dâng, lũ lụt, hạn hán, xâm nhập mặn, với hình thái thời tiết ngày càng cực đoan hơn...

Ký ức rừng ven biển

Dọc theo tuyến đê biển cấp 1, đoạn từ Đa Lộc đi Hải Lộc (Hậu Lộc), Hoằng Trường, Hoằng Yến (Hoằng Hóa) những ngày đầu năm Nhâm Dần, những hàng phi lao cao vút phía trong đê vững chãi. Ngoài đê, những hàng sú vẹt, bần chua đang rướn mình tách khỏi bùn nước vươn cao, che chắn những đợt gió mùa cho bà con ngư dân. Xa xa dưới tán những cây bần, thấp thoáng những bóng người đang tìm những con cua, con cá, con tôm về gây giống.

Bất chợt, ký ức rừng xanh hiện về trong tôi. Đó là vào giữa những năm 80 của thế kỷ XIX, những ngày nghỉ thứ 7 và chủ nhật, tôi thường theo tàu của cha ra biển đánh cá. Nơi xuất phát là sông Lạch Trường, có những hôm vì thiếu nước ngọt, ra đến ngã ba sông Lạch Trường và Kênh De, chú thuyền trưởng cho dừng tàu, múc nước sông lên tàu để cho lắng đọng dự trữ lấy nước lấu cơm, rửa rau, vì theo quan niệm của chú, ngã ba sông là nơi nước sạch nhất, có những hôm tàu về đánh được nhiều cá, từ quần áo đến da thịt ai cũng được tẩm ướp “đậm đặc” mùi cá, chú lại cho dừng tàu ở ngã ba sông để mọi người tắm, giặt; tắm bằng nước sông tuy nước không ngọt như nước khe trên núi, nhưng cũng không mặn như nước biển...

t13.png

Ra đến cửa sông Lạch Trường, đi về phía Đông Bắc, qua đảo Nẹ là Cồn Thoi (Ninh Bình), nhìn về phía đất liền là cả một màu xanh những rặng cây sú, vẹt. Còn đi về phía Đông Nam là Lạch Hới (Sầm Sơn), Lạch Bạng (Tĩnh Gia - nay là Thị xã Nghi Sơn), những rặng phi lao cao vút, mặc dù tàu chúng tôi đánh cá xa đất liền khoảng 10 - 12 hải lý nhưng vẫn nhận ra bao phủ một màu xanh của rừng phủ lên ven biển, đất liền. Chiều đến, khi tàu đánh cá về đến cửa sông, hôm nào cũng thế, tôi lên mũi tàu ngồi ngắm những cánh rừng ngập mặn nở hoa, những bông sú, vẹt to, màu trắng; cũng là lúc những đàn cò trắng phau phau từ đâu ào ào bay về đậu trên ngọn những cây sú vẹt tạo nên bức tranh thủy mặc lung linh nơi sông nước.

Có những hôm tôi cùng với lũ bạn làng bơi qua sông sang rừng sú, vẹt, luồn sâu vào phía trong rừng, những cây sú đan xen nhau chằng chịt, có những cây cao hàng chục mét, dưới tán cây, chúng tôi cùng nhau tắm bùn, nô đùa, bắt cua, bắt cá, và đi tìm tổ cò để lấy trứng.

Trong ký ức của tôi, rừng sú vẹt là khu vườn cổ tích tuổi thơ, là nơi tôi vui chơi nô đùa cùng đám bạn bè thời chăn trâu, cắt cỏ. Nhưng với cha tôi, nơi đây còn là “tấm khiên” chở che cho tàu thuyền. Ông thường kể về trận bão số 6 (năm 1986), cũng nhờ tấm khiên đó mà nước biển không nhấn chìm ngôi làng chài nhỏ bé của tôi, trong khi những làng khác vùng ven biển bị nhấn chìm hoàn toàn.

Đến hệ lụy phá rừng phòng hộ

Những cánh rừng sú, vẹt, rừng bần có lẽ chỉ còn là những kỷ niệm đẹp. Khi con người “đang tâm” ra tay đốn hạ chúng. Đó là vào đầu những năm 1990, phong trào nuôi tôm công nghiệp, nuôi ngao nở rộ; đâu đâu cũng thấy ngư dân dùng từ “cải tạo đất” để nuôi trồng thủy sản. Để rồi những rặng phi lao, những rừng bần, rừng sú Đa Lộc (Hậu Lộc), Hoằng Yến, Hoằng Thanh, Hoằng Phụ (Hoằng Hóa), Quảng Tiến (Sầm Sơn), Quảng Xương, Nghi Sơn dần dần biến thành những đồng nuôi tôm công nghiệp. Khu bãi ngang từ Ngư Lộc đến Minh Lộc, Hải Lộc thì biến thành vô số những bãi nuôi ngao.

Trong câu chuyện với chúng tôi, ông Lê Văn Chín, 78 tuổi, ngư dân xã Minh Lộc nhìn xa xăm về phía biển nói: “Tôi sinh ra và lớn lên từ biển, 10 tuổi là tôi theo cha đi biển, mỗi lần đi biển, tôi phải lội bùn, đi qua hàng cây sú, vẹt mới ra đến tàu. Những năm tôi mới lớn, theo cha đi biển, bão và áp thấp nhiệt đới nhiều lắm, mặc dù lúc đó con đê này chưa được kè đang còn là đê đất nhưng đê không bao giờ bị vỡ vì có hàng sú, vẹt ngoài đê bảo vệ, trong đê lại có những rặng phi lao nữa. Những hôm biển động, gia đình tôi lại vào rừng sú, vẹt bắt cua, tôm, cá, cũng qua ngày được. Trong trận bão và áp thấp nhiệt đới năm 1996, vì không còn rừng phi lao và sú, vẹt ven biển bảo vệ, con đê này bị sóng đánh vỡ, nước tràn vào sâu trong làng, nhiều ruộng vườn của dân bị nhiễm mặn”.

Việc phá bỏ rừng phòng hộ ven biển để nuôi tôm, ngao đã vô hình dung đẩy nhanh quá trình biến đổi khí hậu làm cho mực nước biển dâng cao, hệ thống đê biển không thể chống chọi được dẫn đến nguy cơ vỡ đê trong các trận bão lớn; khả năng tiêu thoát nước ra biển giảm, kéo theo mực nước ở các con sông nội địa dâng cao kết hợp gia tăng dòng chảy lũ sẽ làm ngập úng hoa màu, nhà cửa; làm gia tăng tình trạng xâm nhập mặn của biển vào đất liền, gây khó khăn cho công tác cấp nước phục vụ sản xuất; nước biển dâng và triều cường mạnh khiến diện tích đất và rừng ngập mặn bị thu hẹp, ảnh hưởng không nhỏ đến công tác triển khai trồng, bảo vệ, chăm sóc rừng ngập mặn ven biển.

Xách chiếc rổ tre đi tìm cua, cá dọc theo sông Lạch Trường, bà Ngô Thị Họt, 70 tuổi, ở xã Hoằng Yến (Hoằng Hóa) cho biết: Vợ chồng bà không có nghề nghiệp ổn định, chỉ sáng ra dọc theo bờ sông này tìm bắt con cua, con cá, rồi nặn tìm hàu. Trước kia, dọc bờ sông còn rừng sú, vẹt, cứ sáng ra hai vợ chồng xách giỏ lụi hụi dưới tán rừng sú, vẹt buổi sáng là đầy giỏ vừa tôm, vừa cua, vừa cá mang ra chợ bán nuôi được ba mặt con khôn lớn, nay chúng đã có vợ, có chồng đàng hoàng. Nhưng từ khi họ phá rừng sú, vẹt này để nuôi tôm, thì đồng thời gia đình cũng mất luôn cái “cần câu cơm” này.

Cũng vì việc nuôi trồng thủy sản không có quy hoạch nên thường xuyên xảy ra tình trạng mất an ninh trật tự. Cùng với đó, do không có quy hoạch nên đại đa số các đồng nuôi tôm gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng từ thức ăn nuôi tôm công nghiệp với nhiều loại hóa chất khác nhau, hàng triệu khối nước đổ ra cửa sông mỗi năm, từ cửa sông chảy ra biển lại ảnh hưởng đến các đồng nuôi ngao. Cũng vì do lượng nước biển không đảm bảo, mật độ nuôi trồng dày nên có những năm hàng nghìn héc-ta ngao nuôi ở Hải Lộc, Minh Lộc bị mất trắng, ngao chết nằm phơi vỏ trắng hếu cả bờ biển, người nuôi ngao lao đao vì ngao.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bài dự thi “Cùng giữ màu xanh của biển” - Rừng của biển: Bài 1: Thương lắm những cánh rừng phòng hộ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO