Bài dự thi “Cùng giữ màu xanh của biển”: Hồi sinh rừng ngập mặn Đồng Rui - Bài 1: Những ký ức về rừng

Bài và ảnh: Phạm Hoạch (Yên Thanh, Uông Bí, Quảng Ninh)| 21/10/2021 12:39

(TN&MT) - Những năm 1990 của thế kỷ trước, người dân từ các xã vùng cao của huyện Tiên Yên như Đại Dực, Đại Thành, Hà Lâu... di cư theo chủ trương của Nhà nước tới vùng đất mới Đồng Rui.

Dẫu không biết nghề biển, chỉ chăm chú với việc làm nông, bù lại đất đai màu mỡ, nguồn nước phong phú dồi dào, năm hai vụ lúa đủ cho cuộc sống ấm no. Tuy chưa biết phát huy lợi thế từ nguồn hải sản phong phú để làm giàu, nhưng người dân đã tranh thủ đánh bắt các sản tự nhiên để cải thiện cuộc sống.

Thiên nhiên ban tặng

Chính thu, chúng tôi đi trong rừng trang huyện Tiên Yên (Quảng Ninh) xanh ngút tầm mắt. Đây là những cánh rừng ngập mặn mà người dân ven sông, biển sống gửi nhờ rừng che chắn khỏi sóng, gió mưa bão. Rừng ngập mặn Tiên Yên không chỉ giúp cân bằng hệ sinh thái mà còn là nơi trú ngụ của nhiều loài thủy sản tôm, cá, cua, ngán, là nguồn sinh của người dân các xã Đồng Rui, Hải Lạng, Đông Ngũ,...

Cái nắng của những ngày chớm thu gắt và oi ả, nhưng khi vào ruột rừng, không khí trở nên mát mẻ, những cánh rừng với các loại cây sú, vẹt, trang, đước ken dày đặc và cao quá đầu người, phía dưới là bùn với nhiều loài thủy sản sinh sôi, nảy nở. Đứng dưới tán rừng xanh mát, thi thoảng chúng tôi lại nghe thấy tiếng gọi nhau í ới của những người dân khai thác thủy sản trong những cánh rừng.

Rừng ngập mặn che chắn bão gió, nuôi dưỡng tôm, cá tạo sinh kế cho người dân Đồng Rui

Đồng Rui là xã đảo thuộc huyện Tiên Yên với diện tích tự nhiên hơn 4.974ha, trong đó, rừng ngập mặn đã chiếm 2.844ha, bằng 57% diện tích của xã. Trung tâm xã cách huyện lỵ 23km về phía Nam. Phía Tây giáp huyện Ba Chẽ, phía Đông giáp huyện Vân Đồn và phía Bắc giáp xã Hải Lạng. Xã đảo này nằm kẹp giữa hai con sông là sông Voi Lớn và sông Ba Chẽ, địa hình tương đối bằng phẳng. Vị trí của Đồng Rui là vùng bồi tụ ven biển bị ngăn cách bởi đồi núi chạy sát biển, có địa hình thấp thoải dần ra biển, thường có độ cao từ 1,5 - 3m.

Về mặt địa lý, có thể Đồng Rui được hình thành nên bởi sự bồi đắp từ hai dòng sông Ba Chẽ và sông Voi Lớn tải phù sa bồi thành vùng đất màu mỡ, phì nhiêu lý tưởng đã tạo nên những khu rừng ngập mặn đặc trưng với các loài cây: Sú, đước, trang, bần, vẹt, mắm là những loài cây chịu mặn, chịu nước. Rừng ngập mặn xã Đồng Rui trước đây với tổng diện tích khoảng 3.000ha, được coi là hệ sinh thái rừng ngập mặn điển hình của khu vực phía Bắc Việt Nam.

Rừng có hệ sinh thái phong phú các loài cây và là nơi tập trung cư trú của các loài động vật. Sự đa dạng sinh học ở đây có đến hàng trăm loài. Vì vậy, nơi đây còn được các nhà khoa học, các chuyên gia nghiên cứu đánh giá là địa phương có diện tích rừng ngập mặn phong phú đa dạng nhất, nhì miền Bắc.

Tiếp chúng tôi, bên ấm trà nóng, Phó Bí thư Đảng ủy xã Đồng Rui, ông Nguyễn Quốc Trưởng chia sẻ, trước đây, địa phương cũng đã trồng một số diện tích rừng ngập mặn. Đến sau năm 1997 trở lại đây, đã trồng trên những diện tích một số vị trí đất trống và chủ yếu là diện tích đầm nuôi tôm bỏ hoang, với những giống cây trang, đước, vẹt nên rừng phát triển rất tốt, góp phần vào việc phòng hộ chống xói lở, rửa trôi của bãi triều, chống bão, lũ, nước dâng, triều cường.

Nhờ sự màu mỡ từ hai nguồn cung cấp của dòng sông Mông Dương và sông Voi Lớn mà rừng ngập mặn ở đây quanh năm xanh tốt. Cây già bao bọc cây non phân mầm, đẻ nhánh tạo môi sinh thuận lợi làm nên sự tương tác luân chuyển tuần hoàn cho sự sống của nhiều loài động vật nương sống nhờ rừng.

Rừng ngập mặn làm cái nôi, khi con tôm, con cá bột được sinh ra, chúng nương dưới bóng rừng qua tuổi ấu trùng để trưởng thành mà ra với biển cả. Rừng cũng làm nơi những loài chim di trú từ phương Bắc bay về tránh đông như két, ngỗng trời, chim xanh và là nơi sinh tồn của các loài chim bản địa như cò, diệc, bồ nông, vạc. Rừng làm giá thể, là nơi che chở cho các loài nhuyễn thể sinh tồn.

Đặc biệt hơn cả là rừng gập mặn ở đây có hai loài đặc sản là ngán và cua. Trong đó, phải kể tới con ngán là loài nhuyễn thể chỉ sống trong bùn mặn, chứa nhiều những dưỡng chất. Loài hải sản quý hiếm này dọc bờ biển miền Bắc chỉ riêng vùng Quảng Ninh mới có.

Rừng yêu người mà người chẳng yêu rừng

Gần trưa, khi tôi ngỏ ý muốn đi một vòng quanh xã, anh Trưởng liền bấm máy gọi cho anh Nguyễn Thế Kiên, Trưởng thôn Hạ đến chở tôi đi. Thôn Hạ tập trung nhiều nhất diện tích rừng ngập mặn của xã, cũng là thôn có nhiều gia đình làm nghề đi biển đánh bắt thủy sản. Đi trên tuyến đê bao biển, xa xa là những cánh rừng ngập mặn xanh ngút tầm mắt, anh Kiên tâm sự, trước đây nhiều hộ gia đình khi được giao đất liền chặt phá rừng để nuôi tôm, những vạt rừng sú, trang cao lút đầu người bị chặt trắng để làm củi đun. Cũng may, nhờ các cấp chính quyền sớm vào cuộc bảo vệ những cánh rừng ngập mặn, đồng thời vận động bà con trong xã trồng mới hàng trăm ha rừng.

Được mẹ thiên nhiên ưu ái là vậy, nhưng chính con người với mục đích phát triển kinh tế “nóng” đã đắp đầm nuôi cua, nuôi tôm, khiến hàng nghìn ha rừng ngập mặn ở xã Đồng Rui bị tàn phá không thương tiếc. Đó là câu chuyện buồn diễn ra năm 1990 của thế kỷ trước - lúc phong trào nuôi thủy sản nở rộ, người người nuôi tôm, nhà nhà nuôi cua xuất khẩu.

Du khách thích thú khi được trải nghiệm bắt ốc dưới tán rừng ngập mặn ở xã Đồng Rui

Ngay khi được chính quyền cấp đất, một số người dân đắp đầm nuôi thủy sản, do ý thức của người dân chưa cao, chưa nhận thức đầy đủ và thấy rõ được ý nghĩa vai trò và tầm quan trọng của rừng ngập mặn đối với đời sống cộng đồng dân cư nên dẫn tới hàng ngàn ha rừng ngập mặn bị tàn phá vào các mục đích khác nhau như: đắp đầm nuôi tôm, nuôi cua, chặt cây làm củi đun, đẽo vỏ cây để nhuộm lưới chài, muối hải sản, đã làm cho môi trường bị ô nhiễm, bãi triều tan hoang, đất đai bị sóng biển đánh sạt, nguồn lợi hải sản bị cạn kiệt.

Và rồi hậu quả của việc tàn phá rừng ngập mặn - vành đai xanh chống chọi với những cơn bão, gió đã khiến con người phải gánh chịu. Đó là trận bão năm 2008 khiến hơn 1 cây số đê ngăn mặn xã Đồng Rui bị vỡ, người dân ở các thôn nháo nhào chạy lũ, hàng trăm ô đầm nuôi thủy sản bị nước mặt tràn vào, hàng chục ha ruộng lúa bị ngập trắng, nước mặn nhiễm vào đất nên phải mất mấy năm “thau chua rửa mặn” mới gieo trồng lại được.

Trận bão đi qua để lại hậu quả nặng nề, làm cho cuộc sống của người dân trong xã bị đảo lộn, nhiều gia đình lâm vào cảnh “túng quẫn” do nước ngập trắng ao, đầm cuốn đi hàng chục tấn tôm, cá, ruộng lúa, hoa màu héo úa. Đến lúc này, người dân mới thấy được hậu quả của việc tàn phá “bức tường xanh” rừng ngập mặn đã bao bọc bảo vệ họ bao đời nay.

Bài 2: Rừng đã vui trở lại

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bài dự thi “Cùng giữ màu xanh của biển”: Hồi sinh rừng ngập mặn Đồng Rui - Bài 1: Những ký ức về rừng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO