Bài dự thi “Cùng giữ màu xanh của biển”: Hãy cứu lấy mẹ biển

Ngô Đức Quang  (xã Tịnh Khê, TP. Quảng Ngãi, tỉnh Quảng Ngãi)| 22/08/2022 09:30

(TN&MT) - Có một thứ tài sản thiêng liêng của đất nước đã trở thành chủ quyền bất khả xâm phạm. Đó chính là biển.

Việt Nam có đường bờ biển trải dài trên 3260km đi qua 28 tỉnh. Biển là bức tranh màu xanh xinh đẹp khi nơi đây có hơn 3.000 hòn đảo lớn nhỏ, hơn 1.000 bãi đá ngầm gần và xa bờ, có 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Đây cũng chính là ngôi nhà của khoảng 11.000 loài sinh vật cư trú.

Biển cho nguồn lợi thủy hải sản to lớn, đầy ắp ghe thuyền sau mỗi chuyến đi, cho dầu khí ở thềm lục địa và tiềm năng băng cháy đầy triển vọng tương lai. Vùng ven biển là tiềm năng quặng sa khoáng như titan, thiếc, mangan...

Biển cho gió mát thiên nhiên và biết bao bãi tắm đẹp đem lại nguồn thu du lịch. Mở ra con đường giao thương hàng hải quốc tế nhộn nhịp nối liền Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương. Biển cũng đem đến sự đa dạng sinh học và nguồn năng lượng tái tạo dồi dào. Tất cả góp sức lại biến thành ngành kinh tế quan trọng đóng góp tới 47 - 48% GDP cho đất nước.

a1.jpg

Lòng biển bao la và bao dung như lòng mẹ luôn âm thầm dâng hiến cho đời bao sản vật quý giá mà không đòi hỏi điều gì. Nhưng những đứa con đã vô tình khiến mẹ biển buồn và tức giận.

Bàn tay nào đẹp và trắng trẻo vô tư vứt rác nhựa tràn lan xuống biển gây ô nhiễm hệ sinh thái mà có hay. Những hàng phi lao, rừng phòng hộ ai phá bỏ để rồi những ngọn gió, cơn sóng đùng đùng tấn công vào bờ đe dọa cuộc sống của người dân xung quanh ai có thấy. Biến đổi khí hậu ngày một nghiêm trọng và chính con người phải trả giá đắt cho điều này. Có lẽ khi và chỉ khi có những thay đổi bằng hành động cụ thể may ra mới có thể xoa dịu cơn giận dữ của mẹ biển. Chúng ta phải làm gì bây giờ?

Cần những điều luật nghiêm khắc hơn: Điều không mấy vui vẻ khi Việt Nam nằm trong những quốc gia có lượng rác thải nhựa xả ra biển nhiều nhất trên thế giới, với khối lượng khoảng 0,28 - 0,73 triệu tấn/năm, tương đương 6% tổng lượng rác thải nhựa ra biển của thế giới. Nhưng rác thải nhựa lại chưa có chính sách cụ thể để thu gom và xử lý. Điều này cần quan tâm nhiều hơn bằng những điều luật gắn với thực tiễn. Chúng ta nên học bài học ở Hàn Quốc về quy định phân loại rác tại nguồn là việc quan trọng hàng đầu .

Thiết nghĩ cũng nên học Singapore - một đất nước sạch sẽ vì người dân nơi đây rất ý thức và quan trọng là họ xử phạt những hành vi vứt rác bừa bãi nơi công cộng khá nặng. Tại sao chúng ta không làm như họ? Mỗi địa phương thay vì nói nhiều bằng khẩu hiệu, văn bản, hãy áp dụng luật pháp thật nghiêm. Xử phạt nghiêm những cá nhân, cơ sở kinh doanh, nhà sản xuất thực phẩm ven biển, khách du lịch có hành vi gây ô nhiễm môi trường biển hay hủy hoại rừng phòng hộ và rừng ngập mặn. Đồng thời chỉ ra cho họ thấy tác hại của hành động xấu này và tuyên truyền không nên tái phạm một lần nữa. Tôi tin người dân sẽ nhận ra lỗi sai mà rút kinh nghiệm.

Tăng thuế bảo vệ môi trường và khuyến khích chuyển sang sản xuất bao bì thân thiện với môi trường nhiều hơn. Một khi giá bao bì tăng cao người dân sẽ hạn chế dùng và tiết kiệm bao nhiều hơn. Trích một phần nguồn thu thuế đầu tư vào việc hỗ trợ công nghệ xử lý rác thải.

Nguồn lợi thủy sản ven bờ đang bị cạn kiệt nghiêm trọng bởi việc đánh bắt tận diệt của ngư dân. Làm thế nào để vừa đánh bắt vừa bảo tồn lâu dài?

Cần tuyên truyền cho ngư dân và có những quy định nghiêm ngặt về số lượng và kích thước cá đánh bắt, loại cá và loại tàu cũng như thời gian đánh bắt. Khuyến cáo ngư dân giảm khai thác gần bờ và đẩy mạnh khai thác tại các vùng biển xa phù hợp với từng vùng biển và khả năng phục hồi hệ sinh thái. Sử dụng ngư cụ thân thiện môi trường và hạn chế đến mức tối đa việc ném ngư cụ xuống biển. Nếu ai cố tình vi phạm không còn cách nào khác là xử phạt để răn đe.

Hiện nay du lịch lặn ngắm san hô đang được khai thác bừa bãi mà những người làm du lịch lẫn du khách không được trang bị đầy đủ kiến thức về vai trò và tính nhạy cảm của san hô. Mọi hành động giẫm đạp, sờ chạm hay bẻ san hô cần có chế tài xử phạt thật nặng mới mong bảo vệ loài sinh vật quý hiếm này .

a2.jpg

Những giải pháp hữu ích: Các vùng nuôi trồng thủy sản ở Quảng Ninh hầu hết đều sử dụng phao xốp và một số phao không có nguồn gốc để lại hậu quả không hề nhỏ.

Độ bền của phao chỉ từ 2 - 3 năm. Những tác động khắc nghiệt của mưa bão cũng như sự ăn mòn của nước biển sẽ phá hỏng phao làm cho xốp bên trong bị vỡ nát tan rã thành từng mảng miếng thất thoát ra môi trường biển và trở thành rác trôi nổi khắp nơi. Điều này gây trở ngại cho việc thu gom dẫn đến mất mỹ quan khi nó trôi dạt vào bờ. Còn khi trên biển, nó là vũ khí giết chết các sinh vật vô tội, gây ô nhiễm môi trường nước và đặc biệt là ảnh hưởng đến di sản vịnh Hạ Long.

Tôi rất vui khi hay tin chính quyền địa phương quyết liệt vào cuộc tuyên truyền, hướng dẫn người dân thay phao xốp bằng nhựa HDPE. Thực sự là điều đáng hoan nghênh và cần tiếp tục hành động mạnh mẽ hơn để phao xốp trở thành "hàng hiếm" trên biển. Cần chỉ ra cho người dân hiểu rõ hơn nữa những ưu điểm của loại nhựa HDPE như độ bền chịu được va đập cao, không bị ăn mòn và thân thiện môi trường. Có thể hỗ trợ những hộ khó khăn về mặt tài chính để họ an tâm mua vật liệu thay thế.

Các tàu du lịch trên vịnh Hạ Long đặt thiết bị phân ly dầu nước. Tôi nghĩ đó cũng là một hướng đi tích cực và cần thực hiện tốt hơn nữa. Bởi lượng nước thải nhiễm dầu xả ra môi trường rất lớn gây ô nhiễm không thua gì phao xốp. Với thiết bị này, dầu sẽ được tách ra khỏi nước ngay trên các tàu du lịch để các tạp chất không ngấm vào nước, từ đó bảo vệ được hệ sinh thái nơi đây.

Phát triển công nghệ số với thiết bị hiện đại theo dõi sức khỏe môi trường biển. Cần nhiều hơn những trạm quan trắc dựa trên công nghệ IoT tiên tiến như ở vịnh Xuân Đài (thị xã Sông Cầu, Phú Yên) để giám sát chất lượng nguồn nước nuôi trồng thủy sản nhằm ứng phó kịp thời với những nguy cơ bất thường.

Tập trung nghiên cứu và ứng dụng vào thực tiễn việc nuôi trồng thâm canh trình độ cao tăng sản lượng và chất lượng hải sản theo hướng bền vững. Đầu tư nguồn nhân lực và ngân sách vào nghiên cứu phát triển lĩnh vực nuôi biển công nghiệp bằng công nghệ tiên tiến.

Tận dụng mạng xã hội để bảo vệ môi trường biển một cách có hiệu quả. Có thể lập những fanpage vừa đăng bài tuyên truyền vừa tiếp nhận thông tin về rác thải biển để xử lý kịp thời.

Ý thức vẫn là quan trọng: Mọi giải pháp trên giấy tờ để đi vào thực tiễn cần rất nhiều thời gian và nguồn tài chính. Trong khi chờ đợi những điều này thành hiện thực, tôi nghĩ, ý thức người dân ngay lúc này là vô cùng quan trọng.

Cần lắm những trái tim có tình yêu với biển như anh Chiến Lê - nhà sáng lập Trung tâm Cứu hộ Sinh vật biển SASA tại Việt Nam. Vì vẻ đẹp và lợi ích kinh tế của đất nước, vì tương lai thân thiện của con cháu chúng ta. Mỗi người dân văn minh hãy thực hiện những hành động văn minh để cứu lấy mẹ biển trước khi quá muộn màng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bài dự thi “Cùng giữ màu xanh của biển”: Hãy cứu lấy mẹ biển
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO