Bài dự thi “Cùng giữ màu xanh của biển”: Cuộc chạy đua với biển - Bài 3: Bài toán thích ứng với biến đổi khí hậu

Công Bắc (Xuân Thủy - Cầu Giấy - Hà Nội)| 25/08/2022 00:43

(TN&MT) - Tỉnh Nam Định nói chung và huyện Hải Hậu nói riêng bước đầu đã thực hiện những giải pháp nhằm thích ứng với biến đổi khí hậu, giảm thiểu xuống mức thấp nhất những tác động trực tiếp của các hiện tượng xâm nhập mặn, xói mòn vùng bờ biển,… đang ngày một gia tăng, đặc biệt tại 20km dọc đường bờ biển thuộc Xã Hải Lý.

Rừng ngập mặn thưa thớt, rác ngập ngụa bãi bồi

Nhằm khắc phục những tình trạng xâm nhập mặn, xói mòn vùng ven biển do tác động của biến đổi khí hậu gây ra, huyện Hải Hậu nói chung cũng như xã Hải Lý nói riêng đã có những giải pháp kịp thời như: gia cố chắc chắn hệ thống bờ kè, trồng rừng phòng hộ, nâng cao ý thức của người dân trong việc bảo vệ môi trường ven biển,… Tuy nhiên trên thực tế những biện pháp này chưa thực sự phát huy hiệu quả, nhiều bất cập trong hoạt động triển khai khiến việc thích ứng với biến đổi khí hậu tại địa phương chưa bao giờ khó khăn như hiện nay.

anh-1.jpg

Rừng phòng hộ dọc bãi biển thuộc xa Hải Lý có độ phủ cây thưa thớt (Ảnh chụp từ vệ tinh)

Thực tế cho thấy, rừng ngập mặn ven biển tại tỉnh Nam Định bị suy giảm về cả diện tích và khả năng phòng hộ. Diện tích rừng ngập mặn ở khu vực Cồn Lu, Cồn Ngạn, Cồn Xanh, Cồn Mở và Vườn quốc gia Xuân Thủy đã và đang suy giảm. Điều này có tác động không nhỏ đến hiện tượng xói mòn, sạt lở đất ven biển. Đường bờ biển bị sóng biển lấn trung bình 10m/năm. Riêng đoạn từ xã Hải Lý - Hải Triều, huyện Hải Hậu hàng năm xói lở 10 - 20m.

anh-2.jpg

Rừng phòng hộ bảo vệ tuyến đê biển xã Hải Lý chủ yếu là các cây con

Theo ghi nhận tại khu vực rừng phòng hộ bảo vệ tuyến đê biển xã Hải Lý dọc khu vực nhà thờ đổ cho thấy, độ che phủ của rừng thưa thớt, nhiều khu vực bãi đầm lầy chỉ có một vài chỏm cây, để lộ rõ một vùng nước trũng mênh mông. Tỉ lệ các cây ngập mặn lâu năm ở khu vực này cũng chiếm tỉ lệ thấp, thay vào đó chủ yếu là cây nhỏ, cây mới trồng, chưa kể đến nhiều vị trí cây bị bật trơ gốc, cây héo đen hoặc chết do không được chăm sóc, ngập úng.

Cũng theo các ngư dân thường xuyên đánh bắt tại các bãi bồi quanh nhà thờ đổ cho biết, việc trồng rừng ngập mặn tại khu vực bãi Hải Lý với diện tích quá nhỏ chưa thể có khả năng chống lại thiên tai. Sau mỗi mùa bão tỉ lệ cây chết không được trồng mới khiến rừng ngày một thưa thớt. Chưa kể đến nhiều hộ gia đình còn chặt rừng nhằm mục đích đào ao nuôi tôm, khiến rừng đã thưa cây nay càng trơ trọc. Những biện pháp xử lý những trường hợp xâm hại rừng vẫn chỉ dừng lại ở bảng hiệu.

anh-3.png

Mặt khác, tình trạng ô nhiễm dọc bờ biển của xã Hải Lý đang ngày càng có xu hướng lan rộng. Một lượng lớn rác thải vương vãi khắp trên bãi, trên bờ, dưới nước, trong rừng. Rác xuất hiện ở khắp mọi nơi. Rác ở bờ đê bao biển, rác ở khu vực nuôi trồng thủy sản, rác bao lấy khu vực rừng phòng hộ,...

Vào những đợt thủy triều lên, nước biển dâng cao, một lượng lớn rác từ ngoài biển được tấp vào khu vực bờ bãi. Về điều này, anh Tạ Đình Đông - một ngư dân hơn 10 năm sống bằng nghề đi biển, cho hay: “Tôi ở đây thì thấy cứ bao giờ nước cường lên là rác từ ngoài biển lại được kéo vào khu vực bãi. Nước rút thì rác tụm lại bám vào quanh đê. Rác từ ngoài biển kéo vào chủ yếu là xốp khi đánh bắt không dùng tới thì lại vứt đi, nhiều người tích lại xốp ngoài biển nó thành nhiều”.

Trong một vài năm trở lại đây, khu di tích nhà thờ đổ trên bờ biển Hải Lý thu hút hàng trăm, nghìn lượt khách mỗi năm. Nhận thấy được tiềm năng kinh doanh dịch vụ du lịch, nhiều hộ dân ồ ạt tiến hành xây dựng các hệ thống nhà hàng, khu ăn uống quanh nhà thờ đổ, những quán nước, chòi ăn dọc các bãi cát ven biển. Do tập trung một lượng khách tham quan lớn mỗi ngày, rác thải đủ loại được xả vô tội vạ, nào vỏ chai lọ nhựa, nào túi nilon, rác vỏ hoa quả rải rác khắp ngóc ngách.

anh-4.jpg

Dọc bãi biển xã Hải Lý ngập ngụa rác, đi đâu cũng thấy rác

Nếu rác thải không được thu gom đến khu vực tập kết đúng quy định, một vấn đề lớn đặt ra đó là không chỉ người dân phải chịu ảnh hưởng mà hệ sinh thái ven biển và biển có nguy cơ bị đe dọa. Rác bao lấy khu vực rừng phòng hộ khiến các loại cây thông, cây phi lao chắn biển khó có thể phát triển được. Chưa kể, ô nhiễm môi trường biển cũng như khu vực quanh biển cũng là một trong những yếu tố đẩy nhanh quá trình biến đổi khí hậu với những hậu quả khó lường.

Những tín hiệu đáng mừng

Ông Nguyễn Khắc Hưng - nguyên Bí thư Tỉnh ủy Nam Định từng chia sẻ, công tác ứng phó với biến đổi khí hậu ở Nam Định còn không ít khó khăn, hạn chế. Nhận thức về việc chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu của một bộ phận cán bộ, nhân dân, doanh nghiệp còn thấp. Nhiệm vụ ứng phó với biến đổi khí hậu đòi hỏi đầu tư rất lớn nhưng nguồn kinh phí thực hiện còn hạn chế; chính sách để huy động nguồn lực từ cá nhân, doanh nghiệp trong nước và quốc tế chưa phát huy được hiệu quả. Công tác thực thi pháp luật về tài nguyên môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu chưa nghiêm; công tác thanh tra, kiểm tra chưa thường xuyên...

Trước những tác động của biến đổi khí hậu ngày một rõ rệt và gia tăng, ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động sinh hoạt, sản xuất của người dân, đặc biệt là khu dân cư ven biển. Người dân thấp thỏm, chính quyền cũng như “ngồi trên đống lửa”. Năm 1917, trong một cuộc phỏng vấn ông Vũ Viết Văn (khi đó ông đang giữ chức Chủ tịch UBND xã Hải Lý), ông bày tỏ: “Dân lo 1 thì chính quyền lo 10, không thể làm ngơ trước những ảnh hưởng ngày một nghiêm trọng của ô nhiễm môi trường và biến đổi khí hậu tác động đến với cuộc sống của người dân”.

Với trách nhiệm của chính quyền địa phương trong thực hiện các biện pháp nhằm ứng phó với các hiện tượng nước biển dâng, xói mòn ven biển, ông Văn chia sẻ: “địa phương cần làm tốt công tác tuyên truyền, trong đó cần làm tốt công tác bảo vệ môi trường, không làm bất cứ việc gì gây ra ô nhiễm môi trường để ảnh hưởng xấu đến biển. Ngoài ra địa phương còn thực hiện phương châm 4 tại chỗ để phòng chống thiên tai và ứng phó với biến đổi khí hậu...”.

Không chỉ dừng lại ở những biện pháp ứng phó, thích ứng với biến đổi khí hậu mang tính chất nhất thời ở địa phương, thời gian vừa qua, tỉnh Nam Định đã mạnh tay triển khai nhiều chương trình, kế hoạch có hiệu quả có thể kể đến như: Dự án “Phục hồi tài nguyên hệ sinh thái bị suy thoái vùng ven bờ tỉnh Nam Định ứng phó với biến đổi khí hậu”, “Kế hoạch xây dựng cơ sở dữ liệu, bản đồ nguy cơ ngập gây ra bởi nước biển dâng do bão và siêu bão”; rà soát, điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất giai đoạn 2011 - 2020, lập kế hoạch sử dụng đất kỳ cuối 2016 - 2020; đẩy mạnh công tác trồng rừng chắn sóng, giữ bãi,…

anh-5.jpg

Phối cảnh quy hoạch khu chứng tích Nhà thờ đổ trở thành Khu du lịch sinh thái cộng đồng kết hợp giáo dục về môi trường và biến đổi khí hậu (Nguồn: UBND huyện Hải Hậu)

Đặc biệt, tỉnh Nam Định, cụ thể là UBND huyện Hải Hậu đang triển khai chi tiết dự án quy hoạch Khu du lịch sinh thái nhà thờ đổ tại xã Hải Lý, trở thành điểm sáng về thích ứng với biến đổi khí hậu thông qua mô hình du lịch sinh thái cộng đồng kết hợp giáo dục về môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu. UBND tỉnh Nam Định cũng đang kêu gọi đầu tư khu bảo tồn chứng tích biến đổi khí hậu và du lịch sinh thái tại khu vực Nhà thờ đổ Văn Lý xã Hải Lý, với quy mô 55 ha; Khu du lịch sinh thái Vườn Quốc gia Xuân Thủy, Giao Thủy quy mô 2.000 ha); Khu du lịch Rạng Đông huyện Nghĩa Hưng quy mô 800 ha). Đây đều là những tín hiệu đáng mừng trong hoạt động thích ứng với biến đổi khí hậu một cách bền vững.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bài dự thi “Cùng giữ màu xanh của biển”: Cuộc chạy đua với biển - Bài 3: Bài toán thích ứng với biến đổi khí hậu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO