Bài dự thi “Cùng giữ màu xanh của biển” - Cuộc chạy đua với biển - Bài 2: Biển tiến, bãi lùi

Công Bắc (Xuân Thủy - Cầu Giấy - Hà Nội)| 22/08/2022 09:24

(TN&MT) - Nơi bãi bồi đất biển thuộc xã Hải Lý, huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định có nhà thờ đổ sừng sững trước biển cũng đang ngày ngày bị sóng biển “ăn mòn” từng tấc đất vốn là sinh kế của những ngư dân làng chài nơi đây. Mỗi năm, biển càng tiến càng sâu, bãi bồi ngày một thu hẹp, cuộc sống của người dân làm nghề chài lưới vốn đã cực khổ nay lại gặp trăm nghìn khó khăn trước những biến động của biển cả.

“Miệng sóng ăn mòn” từng tấc đất quai đê

Theo Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Nam Định, các hiện tượng nước biển dâng, xâm nhập mặn, bão, ngập lụt sau bão, xói lở bờ biển, suy giảm đa dạng sinh học là những vấn đề lớn về biến đổi khí hậu mà Nam Định đã và đang gặp phải. Trong một số các tài liệu trước đây cho thấy, tại Nam Định, nếu mực nước biển dâng 50cm thì diện tích bị ngập sẽ là 26% diện tích toàn tỉnh, nếu mực nước biển dâng 60cm thì diện tích bị ngập sẽ là 32,5% diện tích toàn tỉnh, nếu mực nước biển dâng 100cm thì diện tích bị ngập sẽ là 58% diện tích toàn tỉnh.

Những tác động của các hiện tượng nước biển dâng, xâm nhập mặn, xói lở bờ biển tại dọc 20km bờ biển thuộc xã Hải Lý, huyện Hải Hậu trong những năm trở lại đây là minh chứng rõ nét nhất cho những tác động mà biến đổi khí hậu gây ra tại tỉnh Nam Định.

anh-1.jpg
anh-2.jpg

Trong giai đoạn từ 1930 - 1965, tốc độ xói lở đạt 22m/năm tại hai xã Hải Lý và Hải Chính, trong đó đoạn bờ tại xã Hải Lý bị xói mạnh nhất với tốc độ xói trung bình là 21m/năm.

Hải Lý những thế kỷ trước nằm trong phần tiến nhanh ra biển của châu thổ sông Hồng. Từ thế kỷ XVIII, người dân làng chài thuộc xã Hải Lý đã tiến hành công cuộc khai hoang mở đất, quai đê, lấn biển với một vùng bãi bồi rộng lớn có diện tích hàng chục nghìn héc ta. Tuy nhiên Hải Lý lại nằm giữa vùng đứt gãy của sông Hồng và sông Chảy, với sự biến đổi địa chất của vùng biển cửa sông Hồng nên vùng bờ biển Hải Lý bị xói lở nhanh từ thế kỷ XX. Tốc độ mài mòn lên tới 15m/năm. Do nằm trong vùng biển lấn bãi thoải nên đê biển hiện nay nhiều vị trí trên bãi biển Hải Lý đã sát ra bờ biển, nhiều khúc đê phải lùi vào đất liền 2 - 3 lần; sóng vỗ vào tận chân đê, có chỗ 2 - 3 hàng đê đề phòng vỡ đê.

anh-3.jpg

Theo ghi nhận, người dân sinh sống dọc bờ biển Hải Lý, huyện Hải Hậu cho biết, nhiều năm trở lại đây, tình trạng biển lấn vào sâu khu vực bãi bồi đậu thuyền bè của ngư dân ngày một nhanh chóng. Nhiều gia đình ngư dân 3 - 4 lần phải di dời thuyền bè vào trong đất liền để khắc phục tình trạng đất biển lở do sóng cuốn. Bãi bồi ven biển ngày một thu hẹp, ngư dân không có chỗ đậu thuyền khiến việc làm ăn xưa nay gắn với biển trở nên khó khăn.

Cùng với đó, theo ông Vũ Viết Văn – nguyên Chủ tịch UBND xã Hải Lý: “Xã Hải Lý với 3,3km bờ biển chịu ảnh hưởng lớn bởi xâm thực, mỗi năm có khoảng 10 - 15m đất bị biển lấn. Tình hình nước biển dâng ảnh hưởng sâu rộng đến quá trình sản xuất của người dân tại địa phương”. Cũng theo ông Văn, nhiều hộ gia đình làm nghề đánh bắt thủy hải sản gần bờ lâm vào tình trạng khó khăn về kinh tế khi kế sinh nhai trên bãi bồi bị biển cuốn đi. Đây thực sự là vấn đề đáng lo ngại mà chính quyền địa phương hết sức quan tâm và đang tìm kiếm hướng giải quyết với cách biện pháp, kế hoạch lâu dài có thể thể áp dụng.

Đất bãi ngày một thu hẹp. Biển càng tiến sâu. Bãi bồi càng mòn đi nhanh chóng. Mỗi một năm trôi đi là từng ấy phần đất, phần cát của bãi biển Hải Lý nằm sâu dưới lòng biển. Mỗi phần đất trôi đi là bấy nhiêu nỗi đau đáu của người dân xã Hải Lý trước những biến đổi của khí hậu ngày một diễn ra nhanh chóng và có xu hướng lan rộng. Rồi mai đây, những bãi bồi chen chúc thuyền bè neo đậu, cảnh nhộn nhịp, tấp nập người bán kẻ mua mẻ tôm, thùng cá của những người ngư dân sau một đêm đi biển sẽ chỉ còn trong ký ức?

“Năm chìm, bảy nổi, chín cái bấp bênh”

Người dân xứ đạo ven biển Xương Điền ngày xưa nghèo lắm. Đi biển, đánh cá, quây đồng, làm muối quanh năm chẳng đủ ăn. Lại thêm, cuộc xâm lấn của biển ngày một dữ dội và “thần tốc”, đe dọa sinh kế của ngư dân.

anh-4.png

“Năm chìm, bảy nổi, chín cái bấp bênh” đó là lời tâm sự của người ngư dân Đoàn Văn Thìn khi mỗi năm qua đi biển lại ăn sâu vào đất liền đến vài ba mét. Trong đôi mắt của người ngư dân ấy như chứa đựng cả muôn nỗi lo lắng cho tương lai của những bãi bồi dọc con đê Hải Lý kia có còn đủ sức bám trụ cho thuyền bè neo đậu trước những con sóng dữ đang chực chờ xâm lấn.

Hơn 10 năm gắn bó với nghề chài lưới, coi biển là nhà, anh Thìn là người chứng kiến rõ nhất sự thay đổi của những bãi bồi mỗi lần nước biển dâng. Anh Thìn thấp thỏm: “Trước kia bãi biển nằm ngoài nhà thờ tầm mấy chục mét, mỗi một năm nước biển lại xâm nhập vào tầm vài chục mét, mất đi vài chục mét bãi. Mỗi lần triều cường, nước lớn về thì coi như ảnh hưởng đến toàn bộ anh em đánh bắt, đất bãi không có mà để cắm biển, đậu thuyền. Cứ như vậy khéo khi là mất cả nghề”.

Vốn liếng của những ngư dân trên bãi biển Hải Lý là những chiếc thuyền thúng và mấy tấm lưới đã có nhiều sợi vá. Nhà nào điều kiện lắm, đi biển mới có thuyền gỗ đóng, ấy vậy mà thuyền cũng phòng phành, chẳng mấy chắc chắn. Ngư dân xã Hải Lý bảo, chỉ dám đánh bắt cá gần bờ, thuyền bè nhỏ bé sao chống nổi sóng dữ mà dám ra khơi xa. Giăng lưới gần bờ thì chỉ được con tôm, con cá nhỏ… ăn còn chả đủ lấy đâu ra để đầu tư thuyền bè cỡ lớn, chạy máy hiện đại.

Bên bãi cát dài. Sóng vẫn vỗ vào bờ bọt tung trắng xóa. Chiếc thuyền thúng đan vẫn dập dềnh nơi mép biển. Có một cặp vợ chồng người ngư dân vẫn đang cần mẫn gỡ những con cua, con tôm, con cá chỉ to nhỉnh hơn đầu ngón tay cái vẫn còn mắc trên lưới.

anh-6.png

“Kéo cả đêm mà được có ít con tôm với vài ba con cá, chán quá mẹ nó nhỉ”. Vừa gỡ mấy con cua bám chặt bằng càng nhỏ đầy gai vào tấm lưới đã nhiều miếng vá, vợ chồng anh Thìn - chị Tám vừa to nhỏ với nhau chuyện biển, chuyện nhà. Không hỏi cũng biết, hai vợ chồng người ngư dân ấy có lẽ đang phải vật lộn từng ngày để lo toan cuộc sống khó khăn đủ bề.

Ngày được có vài ba trăm ngàn, thu nhập cũng chỉ đủ sống. Biển đẹp thì đi, biển động lại nghỉ, nghỉ là không có thu nhập” - chị Tám bộc bạch. Với tần suất 4 - 6 cơn bão/ 1 năm chưa kể thời gian nước cường dâng cao, biển động lớn thì sẽ có bao nhiêu ngày, bao tháng người ngư dân không thể ra khơi, không có thu nhập.

Rồi thì cuộc sống của người ngư dân sẽ ra sao? Họ sẽ làm gì nếu như một ngày kia không thể ra khơi? Bao nỗi nhọc nhằn lại đè nặng lên đôi vai nhỏ bé của những người ngư dân kham khổ trước cuộc chạy đua với biển…

Bài 3: Bài toán thích ứng với biến đổi khí hậu

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bài dự thi “Cùng giữ màu xanh của biển” - Cuộc chạy đua với biển - Bài 2: Biển tiến, bãi lùi
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO