Tôi ước mơ một lần đặt chân đến đảo Cồn Cỏ anh hùng và ước mơ đó đã thành hiện thực. Hưởng ứng cuộc vận động "Vì nghĩa tình biên giới, hải đảo" do Tỉnh đoàn Quảng Trị phối hợp với Sở GD & ĐT Quảng Trị triển khai, vừa qua, Đoàn cán bộ Đoàn Trường THPT TX. Quảng Trị, trong đó có tôi đã có chuyến công tác, tham quan, học tập và tặng quà cho cán bộ, chiến sỹ tại Tiểu đoàn hỗn hợp thuộc Ban Chỉ huy quân sự huyện đảo Cồn Cỏ - tỉnh Quảng Trị.
Để có một chuyến ra thăm đảo Cồn Cỏ, chúng tôi đã trải qua một hành trình không mấy dễ dàng. Cái khoảnh khắc mong chờ được đặt chân lên đảo cứ dào dạt trong lòng. Nhiều người nói vui rằng chưa đặt chân lên đảo Cồn Cỏ thì chưa được coi là đã đến Quảng Trị. Từ cảng cá Cửa Tùng, huyện Vĩnh Linh, tàu chở đoàn chúng tôi ra đảo. Tôi đã chứng kiến tận mắt biển đảo Cồn Cỏ, thấy biển trời bao la, chủ quyền của Tổ quốc Việt Nam thân yêu. Tàu vừa cập bến, chúng tôi đã được cán bộ, chiến sỹ Tiểu đoàn hỗn hợp thuộc Ban chỉ huy quân sự huyện đảo Cồn Cỏ chờ đón. Những cái tay bắt, mặt mừng đã thể hiện sự quý mến, gắn bó tình cảm quân dân.
Có thể nói, Cồn Cỏ đã đổi thay và phát triển rất nhanh về cơ sở hạ tầng, điện, đường, số lượng thanh niên lập nghiệp ra đảo ngày càng tăng. Sau 17 năm thành lập huyện đảo Cồn Cỏ theo Nghị định số 174/2004/NĐ-CP ngày 1/10/2004, thời điểm đó, có 46 thanh niên tình nguyện ra đảo lập nghiệp, xây dựng vùng kinh tế mới, nên đảo có tên gọi “Đảo Thanh niên”. Ánh sáng điện làm cho Cồn Cỏ rạng rỡ thêm giữa tĩnh mịch bốn bề sóng nước. Trạm viễn thông Cồn Cỏ với cột phát sóng vi ba cũng đã mọc lên. Những con đường láng xi măng phẳng phiu chạy ngang dọc dưới bóng cây xanh mát, ôm lấy trường học, trụ sở các cơ quan dân chính đảng. Rồi hệ thống phát thanh truyền hình huyện đảo ra đời đã kịp thời dẫn tin trong nước, tin địa phương. Nhà văn hóa thanh niên huyện đảo thường tổ chức những cuộc giao lưu giữa tuổi trẻ lập nghiệp với những người lính đảo. Rồi tiếng tập hát của cô giáo trẻ và tiếng bi bô tập nói của các cháu Trường mầm non - tiểu học Hoa Phong Ba vang vọng mãi giữa biển xanh rì rào sóng vỗ.
Đi một vòng quanh đảo, chúng tôi rất ngỡ ngàng khi được nhìn thấy những cánh rừng còn nguyên sinh với nhiều cây quý lạ. Bàng vuông, phong ba, dừa và các loại cây trái được bàn tay chiến sỹ đảo chăm trồng. Những tảng đá lớn, những bãi san hô tuyệt đẹp mà chúng tôi không thể bỏ qua và ghi lại những khoảnh khắc tuyệt diệu ấy. Chỉ thế thôi cũng cảm nhận được sự kỳ diệu của thiên nhiên và con người nơi đây.
Hòa vào nhịp sống, mỗi người đều có thể tận hưởng sâu sắc nhịp sống vùng biển. Những con tàu lớn luôn tấp nập vươn khơi trên biển, cảnh thuyền về tấp nập mang theo hương vị của biển, sự ồn ào của chợ phiên buổi sáng với những mẹt cá tươi ngon trải rộng là những gì tôi bắt gặp và khám phá ở huyện đảo Cồn Cỏ. Mặc dù ngư dân rất bận bịu với công việc của mình nhưng nếu bạn bắt chuyện, họ sẵn sàng hồ hởi chia sẻ những câu chuyện cần lao trong đời của họ, nghe họ cười và kể cho bạn nghe về cuộc sống lênh đênh trên biển bỗng thấy tình yêu dành cho mảnh đất này thêm sâu đậm.
Đời sống của người dân chủ yếu dựa vào nghề đánh bắt hải sản gần bờ và xa bờ. Đối với họ, mỗi chuyến ra khơi thường mang theo nhiều hy vọng đem về nhiều lộc biển. Và mỗi chuyến tàu về luôn là sự mong đợi của người thân. Do vậy, bến cảng không chỉ là bến đậu, mà còn là bến đợi người thân từ mênh mông sóng biển trở về. Mẻ lưới ít hay nhiều với họ cũng bình thường trong cuộc mưu sinh vất vả. Mớ cá mớ tôm nho nhỏ mỗi ngày mà tích cóp từng tháng, từng năm đã mang lại cho cư dân huyện đảo này một cuộc sống ổn định hơn, thậm chí làm giàu từ biển. Không chỉ là cuộc mưu sinh hàng ngày, mà nghề đi biển còn là tình cảm bền chặt của người con huyện đảo Cồn Cỏ gắn liền với biển. Việc vươn khơi bám biển của những ngư dân huyện đảo Cồn Cỏ càng khẳng định chủ quyền biển đảo Việt Nam. Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam.
Và sau những chuyến đi biển, vào mỗi buổi sáng hải sản từ những tàu cá lại đổ về cảng cá đảo Cồn Cỏ, mang theo từng mẻ cá, mực, tôm, cua tươi ngon. Bình minh trên cảng cá Cồn Cỏ thật nhộn nhịp. Khi mặt trời ló rạng, chợ cá cảng Cồn Cỏ họp từ sáng tinh mơ luôn ồn ào, tấp nập người mua, người bán. Từ trên cao nhìn xuống, những con tàu đang nối đuôi nhau cập cảng trên khoang chở nặng tôm cá. "Lộc biển" mang về đảo Cồn Cỏ chủ yếu là loại cá nhỏ và trung bình như cá nục, cá sòng, cá thu..., nhưng cũng có tàu chuyển lên những sọt cá, mực lớn. Cảng cá đảo Cồn Cỏ sinh động và tấp nập là thế, nơi đó chỉ nghe lao xao tiếng nói cười của người mua kẻ bán hòa cùng tiếng sóng biển trong ánh bình minh đón chào một ngày mới.
Với những thế mạnh về cảnh sắc được thiên nhiên ban tặng, trầm tích các nền văn hóa phong phú, Cồn Cỏ đang ngày càng trở mình vươn lên, là miền đất hứa của du lịch Quảng Trị. Có rất nhiều danh lam thắng cảnh đẹp làm say đắm bao người. Tháng 4/2017, UBND tỉnh Quảng Trị đã có quyết định phê duyệt, công nhận tuyến du lịch đảo Cồn Cỏ. Đến thăm đảo Cồn Cỏ, du khách sẽ có dịp chiêm ngưỡng những vẻ đẹp hoang sơ của rừng già. Hệ thống rừng ở đảo Cồn Cỏ với nhiều loại cây đã sống lâu năm, xen giữa rừng là rất nhiều chuối rừng và nhiều loại cây dây leo khác, trong đó có một số là cây dược liệu, tạo nên một sự phong phú đa dạng về hệ sinh thái. Dọc bờ biển là những hàng cây phong ba, vươn mình trong sóng gió. Đặc biệt, rừng và hệ sinh thái ở đây được chính quyền, người dân và bộ đội trên đảo hết sức ý thức giữ gìn. Vì thế, đặt chan lên Cồn Cỏ, có cảm giác như phố thị đang ở đâu đó rất xa, chỉ có những rừng cây và những lối dẫn vào huyền bí như trong truyện cổ tích.
Cồn Cỏ là đảo tiền tiêu bảo vệ, giữ vững chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Chính vì thế dấu ấn về đảo Cồn Cỏ là khúc ca vang vọng tinh thần bất tử của người lính đảo. Một chuyến đi đã để lại trong tôi nhiều khoảnh khắc đáng nhớ và đặc biệt hơn tôi đã tận mắt chứng kiến chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc, bởi Cồn Cỏ là hòn đảo được xây dựng từ máu xương của các thế hệ cha ông. Có đến Cồn Cỏ mới thấy những gì mà chúng tôi làm quá nhỏ bé so với những chiến sĩ đang ngày đêm canh giữ bảo vệ biển đảo của Tổ quốc thân yêu, bảo vệ từng hòn đá, từng nắm đất xây đảo thấm đẫm bao mồ hôi, nước mắt và cả máu của người lính trên đảo này.
Dấu ấn về Cồn Cỏ không chỉ có biển xanh, cát trắng mà còn là khúc ca vang vọng tinh thần bất tử của người lính đảo. Với tất cả tình cảm với quê hương mình, tôi xin mời bạn ghé thăm đảo Cồn Cỏ dù chỉ một lần, để chứng kiến vể đẹp nguyên sơ của đảo nhỏ tiền tiêu; và lắng nghe trái tim mình đập những nhịp đập rộn ràng trước biển. Lúc đó bạn sẽ không ngạc nhiên khi trước đây, nhà thơ Chế Lan Viên đã từng thổn thức thốt lên “Tổ quốc bao giờ đẹp thế này chăng?”.