Một lần tình cờ tôi còn nhìn thấy cái dáng cao to khềnh khàng của ông chạy đuổi theo những bịch rác đang bị những con sóng trêu đùa nổi lềnh phềnh trên biển. Ông gom tất cả những thứ rác nhặt được trên biển bỏ vào một cái túi thật to, để trên bãi cát, cách xa con sóng. Sau khi tắm biển trở về, hai tay ông xách hai bịch bỏ vào thùng rác bên đường. Ông là Paul - người đàn ông Quốc tịch Anh - hiện đang sinh sống và làm việc tại Nha Trang.
Nhặt rác là để bảo vệ chính mình
“Tôi đi nhiều nước trên thế giới và tắm ở rất nhiều, rất nhiều bãi biển nhưng biển ở Việt Nam vẫn là đẹp và bãi biển Nha Trang thì thật tuyệt vời, rất ít nơi nào có được. Nước biển sạch, trong xanh thoai thoải, không có những hộc sâu, nước ngầm xoáy như nhiều biển trên thế giới. Lần đầu tiên được ngắm nhìn biển Nha Trang từ trên máy bay, tôi đã không cưỡng lại được lòng mình, chỉ còn biết thốt lên hai từ tuyệt tác. Nhưng rồi đến khi nhìn thấy trên bãi biển xinh đẹp này người ta lại có thể vô tư xả rác thì tôi thấy buồn vô hạn. Thật tiếc. Chẳng khác nào nàng hoa hậu mà trên mặt lại mọc đầy những chiếc mụn trứng cá” - Paul bắt đầu câu chuyện với tôi như thế.
Năm 2018, lần đầu tiên Paul đến Nha Trang, ông đã không ngừng thốt lên những lời khen “Tuyệt vời, một bãi biển tuyệt đẹp. Quá tuyệt vời” và thầm trách mình sao đến giờ này mới biết đến Nha Trang. Ngay từ lần đầu nhìn thấy Nha Trang, Paul đã muốn gắn bó cuộc đời mình với mảnh đất này. “Nó vừa lạ, vừa quen như duyên tiền định từ muôn kiếp nào. À, quên giới thiệu, vợ tôi chính gốc là người Nha Trang. Tôi đã bảo mình nhất định thuộc về mảnh đất này mà” - Paul giải thích thêm về những điều vừa nói.
Những ngày đầu tiên thấy Paul sáng nào ra tắm biển, khi trở về cũng hai tay hai bịch rác, mọi người trong gia đình vợ không khỏi bật cười bảo Paul “Dã tràng xe cát Biển Đông”, nhiều người không ngại ngần nói thẳng rằng sẽ chẳng thay đổi được gì đâu khi một người nhặt và trăm người cứ vô tư xả rác. “Nhưng nếu mình không làm thì chẳng thể thay đổi được ai. Muốn thay đổi được nhận thức của người khác thì không chỉ nói mà còn phải làm, bằng những hành động, việc làm cụ thể. Ngay như các em bên nhà vợ, lần đầu tiên thấy tôi mang bịch rác về nhà đã lăn ra cười nhưng lần sau thì thấy bình thường, lần sau nữa thì thấy hơi… ngứa ngáy tay chân và không thể không nhặt khi thấy rác. Việc thay đổi nhận thức là cả một quá trình. Cô nhìn kìa, đâu chỉ có mình tôi biết nhặt rác”.
Tôi nhìn theo hướng tay Paul. Trên bãi biển, đã có thêm vài ba người dân đi tắm biển cũng nhặt rác gom vào để trên bãi cát như Paul.
Chị Linh, bà xã của Paul không giấu sự tự hào khi kể về chồng mình. “Làm sạch cho biển dường như là đam mê bất tận của Paul, không chỉ ở Nha Trang mà bất kể nơi đâu mà Paul đặt chân đến, việc đầu tiên là ngó nghiêng xem biển có bị rác “bu bám, làm phiền”. Có những hôm người thật mệt, trước khi ra biển Paul đã hứa với vợ là chỉ đi dạo hóng gió biển, sẽ không chăm chăm nhặt rác như thường ngày nữa. Dù đã có chủ đích từ trước nhưng khi thấy rác không nhặt không được. Ngày nào đi biển cũng thấy Paul hôm túi lớn, lúc túi nhỏ đầy rác là rác. Lúc đầu nhìn thấy cả nhà mắc cười, thấy ngộ ngộ hay hay nhưng lâu dần lại thấy quen, rồi thương lúc nào không biết. Từ khi thương Paul, không chỉ chị Linh mà cả nhà chị Linh cũng bị ảnh hưởng bởi lối sống xanh, sạch của Paul. “Người ta chỉ là người “dạo chơi” trên đất nước mình mà còn lo lắng, giữ gìn để bãi biển mình xanh, sạch, đẹp. Lý nào biển nhà mình, mình lại xả rác. Nghĩ cũng xấu hổ thiệt chứ”.
Paul tiếp lời vợ: “Xả rác, đó là một hành động vô cùng xấu xí, ở nước Paul chẳng ai làm thế bao giờ. Paul ngạc nhiên quá đỗi khi mọi người có thể vô tư xả rác nơi công cộng. Nói người không được, mình làm luôn, để rồi người ta nhìn thấy biết mình phải làm gì”. Rồi như để chứng minh cho lời nói của mình là chuẩn xác, Paul bước tới nhặt chiếc hộp xốp đựng cá viên chiên của một đôi bạn trẻ vừa vứt lại trên bãi cát. Sau thoáng ngạc nhiên, hai bạn trẻ quay trở lại đứng trước mặt Paul lí nhí cất lời xin lỗi, cầm lại hộp xốp trên tay Paul tìm thùng rác bỏ vào.
Tôi hỏi sao lại thích làm việc này, Paul trả lời gọn ghẽ “Nhặt rác nói là để bảo vệ môi trường nhưng chính là bảo vệ cho mình đấy thôi”.
Lan tỏa điều bình dị
Hình ảnh một ông Tây sáng nào cũng “lê la” trên bãi biển nhặt rác, khiến nhiều người chú ý rồi giật mình nhìn lại chính bản thân mình.
Không nói đâu xa, tôi chỉ là một du khách đến Nha Trang du lịch, một tuần đi tắm biển, bảy ngày tôi đều gặp Paul nhặt rác, chính điều đó đã khiến cho cô con gái của tôi không khỏi tò mò. Cháu kéo tay tôi đi sát theo sau Paul để xem ông Tây nhặt rác mang đi đâu và để làm gì. Khi thấy tôi nói chuyện với Paul và được tôi giải thích thêm ý nghĩa việc nhặt rác của Paul, con gái đã tự giác nhặt rác bỏ vào đúng nơi quy định. Sáng, chiều tắm biển cũng chăm chăm gom rác để mang bỏ vào thùng. “Ông Tây là khách, người ta đến nước mình chơi, nhà cửa đã không sạch sẽ, lại để người ta phải nhặt rác ngay trên biển của mình, con thấy thật xấu hổ mẹ ơi”. Hành động nhặt rác của Paul và tâm sự của đứa con gái nhỏ khiến tôi ngẫm ngợi. Nhiều người cũng chung suy nghĩ như tôi.
“Lúc đầu thấy tui sáng nào cũng ra biển nhặt rác mang đi bỏ thùng. Mấy người nhìn thấy bảo tôi làm màu. Nhưng thấy “ông Tây” nhặt rác, mình dân Nha Trang cũng thấy mắc cỡ. Vậy là làm thôi” - đó là suy nghĩ của anh Nguyễn Minh - trú tại 158/4 Nguyễn Đình Chiểu, Nha Trang.
Vậy là làm thôi. Nói thì thật đơn giản nhưng để thực hiện nó không giản đơn chút nào. Cái tâm lý ngại ngần, sợ mình trở nên khác biệt trong mắt người khác đã cản ngăn con người ta không dám là mình.
Khi tôi ngỏ ý muốn chụp một tấm ảnh để minh họa cho bài viết của mình, Paul nhất định không cho tôi chụp. Với Paul đó là chuyện rất bình thường “Không chỉ ở Nha Trang, mà bất kỳ nơi nào, thấy rác là tôi đều nhặt. Nhặt rác là chuyện bình thường mà bất kỳ ai cũng có thể làm được” Paul nói.
Anh Nguyễn Minh cũng nhất nhất lắc đầu từ chối việc chụp ảnh “Người ta là khách đến chơi mà còn muốn giữ biển nhà mình xanh - sạch - đẹp. Mình chủ nhà tại sao không? Cô đừng khen, tôi ngại lắm. Giữ gìn môi trường biển xanh sạch không chỉ thu hút khách đến Nha Trang ngày càng đông, mình có thêm thu nhập ngày hôm nay mà còn vì tương lai cho mai sau”.
Cứ thế, người ta thấy ngày càng có thêm nhiều người miệt mài tìm nhặt rác trên bãi biển Nha Trang, như một chuyện bình thường hằng ngày, mặc dù vẫn còn đó nhiều ánh mắt ngạc nhiên nhìn theo, nhưng không phủ nhận, cái nhìn ấy mang đầy thiện chí, và từ việc chỉ đứng nhìn, họ đã tự nguyện đi nhặt rác.