Chuyện gần 50 tình nguyện viên nhặt rác ở Côn Đảo không chỉ thể hiện ý thức trách nhiệm bảo vệ môi trường sống và không gian sinh tồn của biển đảo, mà còn chuyển thông điệp sống xanh đến triệu triệu người dân đất Việt cùng chung tay bảo vệ môi trường biển đảo từ trái tim mình.
Những ý tưởng đẹp gặp nhau
Chiều cuối tuần, bãi biển khu vực Cầu Tàu lịch sử 914 Côn Đảo tấp nập khách du lịch. Lẫn trong “biển người” ấy, có hai người cặm cụi nhặt rác thải, đó là Nguyễn Văn Thắng và Nguyễn Thị Thu Cúc - cặp vợ chồng trẻ tuổi thế hệ 8x đã thầm lặng nhặt rác thải biển ở Côn Đảo suốt 5 năm qua.
Tôi tình cờ gặp họ trong một chương trình tuyên truyền về bảo vệ môi trường do huyện đảo Côn Đảo tổ chức. Khi được hỏi cơ duyên nào đưa họ đến với công việc này, Thắng vui vẻ trả lời: “Vợ chồng tôi nhặt rác đã 5 năm nay, việc này là do chúng tôi hoàn toàn tự nguyện và đó cũng là niềm vui mỗi ngày”.
Quân và dân Côn Đảo chung tay nhặt rác làm sạch bãi biển |
Trải lòng mình về việc nhặt rác tự nguyện, anh Thắng trầm tư: nhiều năm qua, Côn Đảo như cái túi đựng rác tổng hợp. Rác từ rừng xả ra, từ biển dạt vào, rác từ khách du lịch và rác thải ra biển trực tiếp từ các tàu thuyền đánh cá ngoài vịnh. “Vợ chồng tôi nhặt rác với mong muốn làm cho biển sạch hơn, để mời gọi khách đến du lịch nhiều hơn chứ không công sá gì. Chúng tôi làm hoàn toàn tự nguyện và không đòi hỏi gì cả” - anh Thắng chia sẻ.
Hơn 10 năm trở lại đây, Côn Đảo là “tâm điểm” của phản ánh về nạn xả rác bừa bãi và những bãi rác “khổng lồ”. Một thời rác ở Bãi Nhát rất “tăm tiếng” vì ô nhiễm môi trường và gây phản cảm mỗi khi khách du lịch đi qua đoạn đường từ cảng Bến Đầm về trung tâm huyện đảo Côn Đảo. Theo thống kê thường niên, mỗi năm có hơn 900 mét khối rác thải từ đại dương dạt vào bãi biển Côn Đảo, trong đó tập trung ở Cầu Tàu lịch sử 914 và đảo Hòn Bà - một hòn đảo nguyên sinh trong quần thể đảo Côn Lôn.
Trước “nguy cơ” ô nhiễm nặng ngày càng lớn, lãnh đạo Côn Đảo đã đề xuất với UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho di dời núi rác khổng lồ ở Bãi Nhát về đất liền vào giữa năm 2019 đến hết quý 1/2020. Tuy chưa triệt để nhưng việc di chuyển này đã tốn kém đến hàng chục tỷ đồng cho việc thuê tàu biển bốc, dỡ chở về đất liền, phân loại và xử lý. Chia sẻ thêm về cơ duyên đưa họ đến công việc này, chị Cúc tâm sự: “Đó là một buổi chiều khoảng 5 năm trước. Lúc đó vợ chồng tôi mới từ đất liền chuyển đến Côn Đảo công tác. Tôi chứng kiến bãi biển Cầu Tàu lịch sử 914 rất nhiều rác thải. Rác kẹt trong những ghềnh đá nhọn. Rác “vắt vẻo” trên những cành cây khô sát mép nước. Lúc đó có một người phụ nữ bóc bánh ăn, ném luôn vỏ bánh xuống bờ biển. Nhìn thấy “xót” quá, tự dưng trong lòng chợt nảy ra một ý tưởng, tôi bàn với chồng cứ mỗi chiều sẽ dành ra một khoảng thời gian đi dọc bờ biển nhặt rác. Được sự động viên của chính quyền và sự đồng tình của chồng, công việc cứ thế ngấm dần thành thói quen, ngày nào không đi được là bứt rứt lắm”.
Ước mơ chưa bao giờ vơi cạn
Hành động đẹp của vợ chồng anh Thắng, chị Cúc không chỉ lan tỏa đến người dân Côn Đảo, mà còn “cộng sinh” đến khách du lịch trong và ngoài nước mỗi khi chọn Côn Đảo làm điểm đến trong hành trình du lịch.
Chị Nguyễn Thị Nga là một trong những người hai năm trước từng nghi ngờ, cười cợt khi thấy anh Thắng, chị Cúc mỗi chiều ra nhặt rác. Nhưng nay cũng chính chị Nga là người vận động ba người bạn của chị tham gia công việc này. Bởì chị nhận ra việc làm ấy không chỉ giúp biển Côn Đảo sạch hơn, mà còn góp phần “hút” khách từ đất liền đến thăm Côn Đảo. Chị Nga trải lòng: “Từ chỗ nghi ngờ lòng tốt của hai người, đến giờ chứng kiến họ miệt mài đóng góp công sức, tui thấy thật sự xúc động. Thoạt đầu tui cũng không đi nhặt rác đâu, nhưng ngẫm nghĩ họ từ xa tới còn nhặt được huống hồ mình là dân địa phương ở đây. Vậy là tui theo vợ chồng họ đi nhặt. Vừa nhặt rác, vừa tập thể dục rèn luyện sức khỏe. Nhóm của tui từ đầu có ba người, giờ hơn chục người. Nếu rác ở xa, chúng tôi đi xe máy đến đó nhặt rồi gom gọn, giao cho công nhân môi trường xử lý”.
Người dân Côn Đảo tham gia nhặt rác ở đảo Hòn Bà |
Tham gia tình nguyện viên nhặt rác ở Nhóm 4, anh Thái Đức Thọ, kiểm lâm viên Trạm Kiểm lâm Hòn Bà, Ban Quản lý Vườn Quốc gia Côn Đảo không nhớ bao lần bàn chân toạc máu do hà xén khi len chân giữa gềnh đá nhọn hoắt và trơn trượt để nhặt rác thải nhựa. Dẫu sau mỗi buổi nặng bao tải rác trên vai, chân mỏi gối chùn, nhưng trong lòng anh Thọ thấy vui vẻ nhẹ nhõm vô cùng: “Bây giờ bãi biển Côn Đảo sạch sẽ hơn là một phần nhờ vào công sức của các nhóm tình nguyện viên. Vợ chồng anh Thắng và chị Cúc là hai người “khai sinh” ra các nhóm tình nguyện này. Tới đây không chỉ 50 người, mà cả trăm người dân cũng tham gia nhặt rác. Để bãi biển Côn Đảo không còn rác thải, không còn mùi hôi thối, ứ đọng nhiễm bẩn nữa” - anh Thọ cho hay.
Hiện nay ở Côn Đảo có 4 nhóm nhặt rác thải với gần 50 tình nguyện viên. Họ là người dân, thanh niên, học sinh địa phương và cả bộ đội Hải quân Trạm ra-đa 585 đóng quân ở đây. Chiến sĩ Nguyễn Văn Kha - một trong nhiều tình nguyện viên khoác áo lính tham gia nhặt rác ở đảo Hòn Bà chia sẻ: “Với người lính chúng tôi, đóng góp công sức cùng nhân dân vừa là trách nhiệm trong hoạt động dân vận, vừa là “mệnh lệnh không lời” từ trái tim người lính với mong muốn lan tỏa thông điệp sống xanh đến đồng đội và cộng đồng. Càng vui hơn khi những đóng góp của chúng tôi đã góp sức chia sẻ khó khăn cho những người lính ngoài hải đảo, Nhà giàn xa xôi trước vấn nạn rác cập đảo, quấn chân Nhà giàn; nhiều bàn tay góp lại, nhiều trái tim chung nhịp đập, thể hiện tinh thần bảo vệ đại dương xanh từ trái tim”.
Vậy là, từ đảo đến Nhà giàn; từ đảo, Nhà giàn đến đất liền; từ đất liền ra biển đảo, một công cuộc làm xanh, sạch biển đã và đang diễn ra bền bỉ để vươn tới ước mơ "sống xanh với đại dương”. Ước mơ ấy chưa bao giờ vơi cạn trong trái tim những người lính biển và nhân dân.