Bài 3 – “BOT đường Hồ Chí Minh, phí chồng phí”: BOT hay trái phiếu Chính phủ?

27/02/2014 00:00

(TN&MT) - Lãnh đạo các tỉnh Tây Nguyên cho rằng cần phải chuyển đổi nhiều dự án hợp đồng BOT trên đường Hồ Chí Minh (HCM) sang hình thức trái phiếu Chính phủ để...

   
(TN&MT) - Tây Nguyên là vùng đất có điều kiện kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn, trong khi lại không có loại hình giao thông vận tải đường biển và đường sắt. Vì thế, giao thông đường bộ đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy sự phát triển của vùng. Nhiều lãnh đạo các tỉnh Tây Nguyên cho rằng cần phải chuyển đổi nhiều dự án hợp đồng BOT (xây dựng – kinh doanh - chuyển giao) trên đường Hồ Chí Minh (HCM) sang hình thức trái phiếu Chính phủ (TPCP) để giảm chi phí vận tải và từ đó khuyến khích được doanh nghiệp đầu tư lên vùng đất này.
   
   
Chịu hết nổi BOT
   
  Tuyến đường HCM đi qua tỉnh Bình Phước dài khoảng 113km nhưng lại có tới 3 dự án đầu tư theo hợp đồng BOT triển khai trên cung đường này. Ông Hồ Văn Hữu, Giám đốc Sở GT-VT Bình Phước, cho biết: Trong thời gian qua, chủ đầu tư 3 dự án này gặp khó khăn về tài chính nên thi công cầm chừng, làm mất an toàn giao thông và gây ô nhiễm môi trường. Chịu hết nổi trước cảnh thi công ì ạch và gây khốn khổ cho người dân của các dự án BOT, vào ngày 19-6-2013, UBND tỉnh Bình Phước đã có công văn đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho chuyển hình thức đầu tư hợp đồng BOT sang sử dụng vốn TPCP 2 dự án đoạn Cây Chanh - Cầu 38 (dài 33,8km, do Công ty Đức Phú làm chủ đầu tư) và đoạn Đồng Xoài - Chơn Thành (dài 24km, Công ty Cổ phần BOT quốc lộ 14 Đồng Xoài - Chơn Thành làm chủ đầu tư). Đến ngày 9-9-2013, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý chuyển đổi từ đầu tư theo hình thức BOT sang thực hiện bằng nguồn vốn TPCP hai dự án nói trên và chuyển về Bộ GT-VT quản lý.
   
   
  Tuyến đường HCM đi qua tỉnh Đắk Nông dài 153km cũng có tới 2 dự án đầu tư theo hình thức hợp đồng BOT nhưng sẽ có 3 trạm thu phí, trong đó dự án BOT (đoạn từ huyện Đắk Song đến huyện Đắk Rlấp) dài 60km của Công ty Cổ phần BOT và BT Đức Long Đắk Nông được phép đặt 2 trạm thu phí hoàn vốn. Ông Lê Diễn, Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông, chia sẻ: “Đắk Nông là một tỉnh mới tái lập, cơ sở hạ tầng kỹ thuật còn nhiều yếu kém, trình độ phát triển kinh tế - xã hội còn thấp và đời sống người dân còn nhiều khó khăn. Với chiều dài 153km nhưng lại đặt 3 trạm thu phí sẽ ảnh hưởng lớn đến sự phát triển kinh tế của địa phương, không khuyến khích được các nhà đầu tư vào khu vực để khai thác tiềm năng và lợi thế của tỉnh”. Để tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của địa phương, vào tháng 1 và tháng 9-2013, UBND tỉnh Đắk Nông đã có công văn đề nghị Bộ GT-VT chuyển việc đầu tư hợp đồng BOT sang hình thức sử dụng vốn TPCP đoạn quốc lộ 14 dài 32 km từ cầu 14 (huyện Cư Jút) đến xã Đắk R’la (huyện Đắk Mil). Nhưng đến nay, Bộ GT-VT vẫn chưa chấp thuận đề nghị trên của UBND tỉnh Đắk Nông.
   
   
Làm BOT trước, mua lại sau?
   
  Tại hội nghị tổng kết công tác năm 2013 của Ban Chỉ đạo Tây Nguyên được tổ chức tại TP.Buôn Ma Thuột vào ngày 17-1 vừa qua, hầu hết lãnh đạo các tỉnh Tây Nguyên đều than phiền về tiến độ thi công các dự án BOT trên tuyến đường HCM và đề xuất chuyển bớt các dự án BOT sang hình thức TPCP để tạo động lực cho Tây Nguyên phát triển. Ông Trần Việt Hùng, Phó Trưởng ban thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nguyên, cho rằng: Tây Nguyên không có đường sắt và đường biển, đường hàng không lại bị hạn chế, vì thế đường bộ chiếm vai trò quan trọng trong sự phát triển của vùng. Khi làm 5 dự án BOT trên đoạn đường HCM sẽ có 5 trạm thu phí mọc lên, từ đó sẽ “đội” chi phí vận tải qua đây và gây khó khăn cho sự phát triển kinh tế - xã hội của vùng. Vì thế, ông Hùng đề nghị Chính phủ bỏ tiền ngân sách Nhà nước mua lại các dự án BOT sau 5 - 10 năm đi vào hoạt động.
   
   
  Ông Hà Ban, Bí thư Tỉnh uỷ Kon Tum, cũng cho rằng nên dùng hình thức đầu tư nguồn vốn TPCP thay cho hình thức đầu tư BOT trên các tuyến quốc lộ qua địa bàn Tây Nguyên. “Ai cũng biết Tây Nguyên là vùng đất khó khăn và chủ yếu vận chuyển bằng đường bộ, vì thế chúng ta nên làm đường quốc lộ qua đây bằng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ mới thúc đẩy kinh tế - xã hội nơi đây phát triển. Tây Nguyên có những đặc thù riêng, bởi vậy Chính phủ cần có những chính sách ưu tiên riêng để phát triển khu vực này”, ông Hà Ban đề xuất.
   
   
  Báo cáo tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ GT-VT Nguyễn Ngọc Đông cho biết: “Nguồn vốn trái phiếu Chính phủ đầu tư cải tạo, nâng cấp đường HCM giai đoạn 2013-2016 chỉ có 10.000 tỷ đồng, vì thế không đủ vốn ngân sách Nhà nước để làm tuyến đường này hoàn toàn bằng hình thức thức trái phiếu Chính phủ. Trong khi đó, chúng ta đã kí hợp đồng BOT với chủ đầu tư nên phải để họ tiếp tục thi công hoàn thành những dự án dở dang”. Theo ông Đông, Bộ GTVT cũng đã nhận được nhiều ý kiến của địa phương về việc tăng chí phí vận tải qua tuyến đường này khi làm 5 dự án BOT. Nhưng trước mắt vẫn phải làm BOT tuyến đường HCM qua Tây Nguyên để hoàn thành dự án đúng tiến độ Chính phủ đã đề ra. Sau khi có nguồn vốn mới, Bộ GT-VT sẽ kiến nghị những giải pháp thay thế các dự án các dự án BOT để giảm chi phí vận tải cho khu vực Tây Nguyên.
   
  Bài & ảnh: Lê Phước – Văn Trần
   
         
  
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bài 3 – “BOT đường Hồ Chí Minh, phí chồng phí”: BOT hay trái phiếu Chính phủ?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO