Bài 2: Thủy điện Bản Rạ (Trùng Khánh, Cao Bằng): Chậm đền bù thiệt hại cho người dân

11/05/2017 00:00

(TN&MT) - Từ năm 2012, sau khi Thủy điện Bản Rạ (Công ty Cổ phần Thủy điện Đông Bắc, gọp tắt là Công ty Đông Bắc) đi vào hoạt động, hòa vào lưới điện quốc gia đã góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Song, bên cạnh những kết quả đó, còn nhiều vấn đề gây bức xúc với người dân, nhất là trong việc chậm chi trả đền bù cho họ…

5 năm chưa đề bù xong!

Theo tìm hiểu của phóng viên, ngày 23/1/2008, Công ty Đông Bắc đã có Giấy cam kết với UBND huyện Trùng Khánh và xã Đàm Thủy là trong quá trình thi công cũng như khi hoàn thành Thủy điện sẽ không làm ảnh hưởng đến tưới tiêu khu vực lân cận. Nếu hộ nào bị ảnh hưởng sẽ có trách nhiệm đền bù sản lượng mỗi năm một vụ với năng suất cao nhất trong vùng.

Tuy vậy, bắt đầu từ năm 2012 tới nay, 6 xóm Bản Dít, Đồng Tâm Bản Rạ, Bản Mom, Bản Gun Khuổi Ky, Cô Muông, Bản Giốc (xã Đàm Thủy) có rất nhiều hộ gia định bị ảnh hưởng hoa mầu do thiếu nước sản xuất. Xã, huyện đã kê danh sách và Công ty nhất trí chi trả đền bù. Song, tới nay, một số hộ dân mới chỉ nhận được đền bù năm 2012. Ông Nông Đình Lai (81 tuổi), xóm Bản Giốc, Đàm Thủy cho biết: Gia đình ông là một trong những hộ bị ảnh hưởng không có nước sản xuất nông nghiệp và được xã xác nhận, có tên trong danh sách được đền bù thiệt hại 2012 - 2014 nhưng tới nay mới chỉ nhận được đền bù năm 2012.

Chung hoàn cảnh với gia đình ông Lai, chị Mạc Thị Biếc, Bản Mom cho hay, 80% diện tích đất nông nghiệp của gia đình không đủ nước sản xuất, 20% còn lại do ở khu vực khác mới có nước. Không chỉ riêng ra đình chị, xóm Bản Mom còn 11 hộ gia đình không đủ nước sản xuất. Ngoài ra, nước sinh hoạt của người dân Bản Mon cũng không đủ do hoạt động của Thủy điện.

Thủy điện Bản Rạ (Công ty Cổ phần Thủy điện Đông Bắc)
Thủy điện Bản Rạ (Công ty Cổ phần Thủy điện Đông Bắc)

Lý giải nguyên nhân việc thiếu nước sản xuất và sinh hoạt theo phản ánh của người dân, ông Nông Đình Trực, Phó Chủ tịch xã Đàm Thủy cho biết, trước đây, người dân lấy nước tại các kênh, rãnh trong khu vực. Từ khi Thủy điện Bản Rạ khởi công đã thu gom các nguồn nước này và hệ thống kênh dẫn nước đào rất sâu so với diện tích đất sản xuất nông nghiệp dẫn tới hiện tượng thiếu nước sản xuất và sinh hoạt tại một số xóm trên địa bàn.

Khẳng định ảnh hưởng của Thủy điện Bản Rạ tới sản xuất của người dân ở xã Đàm Thủy, ông Mông Văn Lục, Chủ tịch UBND huyện Trùng Khánh khẳng định, Nhà máy Thủy điện Bản Rạ của Công ty Đông Bắc trong quá trình vận hành khai thác đã gây thiệt hại hoa màu cho người dân tại một số xóm của xã Đàm Thủy gây bức xúc dư luận. Cụ thể, đã làm hư hỏng hệ thống mương thủy lợi, tưới tiêu, cầu dân sinh vào xóm Bản Mom… Tuy vậy, Công ty chưa tích cực phối hợp giải quyết các vấn đề này.

“Qua phản ánh của nhân dân, các ý kiến, kiến nghị của cử tri tại các kỳ họp HĐND huyện, UBND huyện đã nhiều lần mời Công ty Đông Bắc đến làm việc và có văn bản yêu cầu họ khắc phục những ảnh hưởng và đền bù thiệt hại hoa màu do Nhà máy thủy điện Bản Rạ gây ra, nhưng tới nay, vẫn chưa được giải quyết dứt điểm”, ông Lục nói.

Nhà máy Thuỷ điện Bản Rạ sử dụng nước trên sông Quây Sơn, xã Đàm Thủy, huyện Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng. Công trình được khởi công từ năm 2007 với tổng mức đầu tư khoảng hơn 500 tỷ đồng với công suất lắp máy là 18MW. Sản lượng điện phát lên hàng năm ước tính 70 triệu kWh.

Cũng theo ông Lục, theo thống kê từ năm 2012 đến năm 2014, công ty phải bồi thường cho người dân gần 1 tỷ 300 triệu. Song, đến tháng 7/2016, Công ty đã chi trả đền bù năm 2012 cho 198 hộ với số tiền gần 445 triệu đồng, số còn lại công ty hiện vẫn chưa hoàn trả.

Bên cạnh đó, khi thi công Nhà máy thủy điện Bản Rạ, năm 2008, công ty đã phá dỡ cầu vào xóm Bản Mom (xã Đàm Thủy), đến năm 2009 – 2010 đã thi công hoàn trả để phục vụ nhu cầu đi lại của nhân dân. Song khi thi công cây cầu không đảm bảo dẫn tới gây nguy hiểm khi đi lại.

“Đơn vị đã không tuân thủ các quy định kỹ thuật, bản vẽ thiết kế được cấp có thẩm quyền phê duyệt, dẫn tới khi đi vào sử dụng có hiện tượng độ võng tại điểm giữa nhịp từ 40 – 50cm xuất hiện nhiều vết nứt, tại dầm bản bê tông bị bong, bật, lộ cốt thép chịu lực rất nguy hiểm cho người và phương tiện giao thông tham gia giao thông trên tuyến”, ông Lục chia sẻ.

Doanh nghiệp nói gì?

Bà Trịnh Huyền Trang, Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Thủy điện Đông Bắc cho biết, khi xây dựng các kênh dẫn nước phục vụ sản xuất nông nghiệp cho người dân, Công ty không tính tới khu vực có nhiều hệ thống cát – tơ ngầm dẫn tới nước cấp không đủ để người dân sản xuất.

Để đảm bảo lượng nước tưới tiêu cho người dân một cách lâu dài, năm 2015, công ty đã xây dựng 6/8 tuyến kênh dẫn nước để phục vụ sản xuất nông nghiệp cho người dân xã Đàm Thủy. Còn 2 tuyến hiện tại Công ty đã chuẩn bị đầy đủ vật liệu nhưng người dân không đồng tình, chưa cho xây dựng.

Khi được hỏi về việc chậm chi trả đền bù cho người dân năm 2012 - 2014 và xây dựng lại cây cầu Bản Mom, bà Trang cho biết, từ khi Thủy điện Bản Rạ đi vào hoạt động đến nay, Công ty vẫn đang còn nợ Ngân hàng, do đó, phải xây dựng kế hoạch trả dần. Theo dự kiến, năm nay, công ty sẽ cố gắng xây dựng lại cây cầu Bản Mom; năm 2018 sẽ phấn đấu trả đủ tiền đền bù cho người dân.

Rõ ràng việc Công ty Đông Bắc cố tình trì hoãn việc trả tiền đền bù hoa màu cho người dân dù bằng bất cứ lý do gì cũng là không đủ, không đúng cam kết với chính quyền huyện Trùng Khánh, xã Đàm Thủy và những người dân bị ảnh hưởng. Dẫn lời ông Mông Văn Lục, Chủ tịch UBND huyện Trùng Khánh: “Khu vực xã Đàm Thủy là khu vực phên dậu, biên giới của nước ta với Trung Quốc. Do đó việc ổn định xã hội là vấn đề hết sức quan trọng. Tuy vậy, việc Công ty Đông Bắc chậm chi trả tiền đền bù cho người dân gây bức xúc dư luận có ảnh hưởng tới an ninh – trật tự khu vực”.

Bài & ảnh: Trường Giang

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bài 2: Thủy điện Bản Rạ (Trùng Khánh, Cao Bằng): Chậm đền bù thiệt hại cho người dân
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO