Bài 2: "Ăn" vào "kho" trầm tích

10/09/2015 00:00

(TN&MT) - Nói về sự suy giảm trầm tích mịn lơ lửng ở vùng rìa châu thổ Cửu Long, GS.TS. Hubert Loisel - Giám đốc khoa học, Trung tâm nghiên cứu khoa học trái đất, Cố vấn Viễn thám cho Viện Công nghệ Vũ trụ Trường Đại học Littoral, Lille (Cộng hòa Pháp), khẳng định: “Xu hướng này thể hiện rõ trong mùa lũ. Nguyên nhân chính là vì mức độ xả ra từ các cửa sông Mê Kông”.

Liên quan đến vấn đề này, nhà khoa học sinh trưởng tại đồng bằng sông Cửu Long, PGS.TS. Dương Văn Ni – Giám đốc Trung tâm thực nghiệm đa dạng sinh học Hòa An (Đại học Cần Thơ), ghi nhận vào mùa mưa (khoảng từ tháng 7 đến tháng 10 hàng năm) một số thành phần nhỏ trong trầm tích phù sa, như: thịt, sét, vật liệu hữu cơ chưa phân hủy và các chất hòa tan trong nước tuy vẫn còn về đồng bằng sông Cửu Long nhưng bị tống hết ra biển mà không thể bồi lắng cho rìa châu thổ vì rừng ngập mặn ven biển còn quá ít.

Mặc dù các thành phần này cũng không phản ánh xu hướng bù lấp gia tăng dưới lòng các dòng chính và luồng lạch hệ thống sông Cửu Long.

Trượt đất bờ sông phổ biến…

Một kết quả khảo sát của Trung tâm nghiên cứu chỉnh trị sông và phòng chống thiên tai (Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam), cho biết 7 năm trước lòng dẫn sông Tiền, sông Hậu đã bị hạ thấp từ 1m đến 1,8m. Thông số này phản ánh xu hướng suy giảm trầm tích dưới lòng sông, đồng thời cũng liên quan trực tiếp đến hiện tượng trượt đất, sạt lở đang diễn ra ít nhất là tại 245 điểm trầm trọng có chiều dài khoảng 250km trên toàn hệ thống dòng chính và luồng lạch của sông Cửu Long.

Hiện trường sạt lở bất thường trong giữa mùa khô tại tỉnh Hậu Giang.
Hiện trường sạt lở bất thường trong giữa mùa khô tại tỉnh Hậu Giang.

Trên thực tế, từ đầu năm nay, tình hình sạt lở tiếp diễn phức tạp ngay trong mùa khô và đang gia tăng vào mùa mưa bão. Sạt lở xảy ra tại những khu vực cửa sông Cửu Long có nhiều ưu thế tích tụ trầm tích cát như cửa Trần Đề, Cổ Chiên…, luật bồi tụ tại nhiều cù lao ở tỉnh Sóc Trăng, Trà Vinh, Bến Tre,… bị đảo ngược. Nhiều vụ sạt lở lớn, liên tục xảy ra ven bờ dòng chính và hệ thống luồng lạch vùng ruột châu thổ thuộc các địa phương Vĩnh Long, Cần Thơ, Hậu Giang, Tiền Giang - riêng Tiền Giang có tới 150 điểm sạt lở lớn ven bờ 15 tuyến luồng lạch sông Tiền, với 40 điểm nguy hiểm, dài hơn 2,6km. Ở đầu nguồn, các tỉnh An Giang, Đồng Tháp nạn trượt đất, sạt lở bờ sông càng phức tạp, nguy hiểm - nhất là Đồng Tháp, địa bàn có cả hai dòng (sông Tiền, sông Hậu) chảy qua, hiện có 40 xã, phường, thị trấn thuộc 9 huyện, thị, thành phố nguy cơ sạt lở cao, với 100 điểm sạt lở, chiều dài trên 170km và khoảng 5.000 hộ bị ảnh hưởng. Một tháng gần đây, Đồng Tháp đã liên tiếp xả ra 3 vụ sạt lở, trầm trọng nhất là vụ sạt lở tại phường 11, TP.Cao Lãnh, kéo dài 50m, xâm thực 5m, gây thiệt hại 15 tỉ đồng.

Theo số liệu chưa được cập nhật, ước tính toàn vùng đồng bằng sông Cửu Long có trên 11.000 hộ lâm vào nguy cơ mất nhà, hàng trăm ha đất ở, đất sản xuất, ao nuôi thủy sản bị cuốn đi, có những khu dân cư, những cù lao, những vạt rừng thiên nhiên và không ít xã đứng trước nguy cơ “xóa sổ” vì sạt lở. Chỉ tính vài năm nay, ngay trong vùng ruột châu thổ đã có ít nhất 3 vụ sạt lở bờ ven sông bất ngờ, khiến 5 người thiệt mạng. Trong đó, 4 người ở TP.Cần Thơ thiệt mạng trong 2 vụ sạt lở luồng lạch hệ thống sông Hậu, 1 người ở tỉnh Tiền Giang cùng gia đình đi nuôi cá tại TP.Vĩnh Long bị thiệt mạng trong 1 vụ sạt lở bờ sông Tiền.

Lòng sông bị hạ thấp cụ bộ vì khai thác cát…

Qua so sánh hình thái động lực các luồng lạch và phân tích số liệu khảo sát độ sâu của sông trong thời gian 10 năm gần đây, các chuyên gia tổ chức WWF ghi nhận hệ thống luồng lạch của sông Tiền có 59% bị xói mòn, khoảng 90 triệu m3 vật chất bị mất; sông Hậu có 70% bị xói mòn, 110 triệu m3 vật chất bị mất. Hiện tượng này không có sự tương quan nào với năng lượng dòng chảy mà nguyên nhân chính là do khai thác cát.

Ghi nhận tại hiện trường các trọng điểm trượt đất, sạt lở cho thấy cung trượt rất lớn do chiều ngang lòng sông (từ bờ đến giữa dòng) có độ dốc lớn, nhiều vị trí có hố sâu, nước xoáy, tạo hàm ếch âm sâu vào bờ. Đơn cử, hiện trường vụ sạt lở 100m bờ sông Hậu (ở khóm Bình Thới 1, phường Bình Khánh, TP.Long Xuyên, tỉnh An Giang), có các hố xoáy sâu dưới lòng sông, chính quyền địa phương đã phải dùng nhiều bao chứa tới 60.000m3 cát thả xuống để lấp lại. Dưới lòng sông Tiền, tại “điểm nóng” sạt lở (thuộc xã Phú Thuận B, huyện Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp), vị trí gần bờ có nhiều hố sâu trên 26m - gấp đôi độ sâu vốn có của lòng sông và theo kết luận của Sở TN&MT tỉnh Đồng Tháp là do “cát tặc” đục khoét, tác động trực tiếp đến kết cấu vùng bờ hình thành từ trầm tích bồi lắng, chưa khít chặt, dẫn đến trượt đất.

Xói lở bờ biển huyện Duyên Hải, tỉnh Trà Vinh.
Xói lở bờ biển huyện Duyên Hải, tỉnh Trà Vinh.

Việc khai thác cát dẫn đến sạt lở gây thiệt hại cũng đã được Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam khẳng định từ kết quả điều tra hiện trường một vụ sạt lở 200m bờ sông Tiền, nhấn chìm 23 bè, 4 hầm nuôi cá, mất 8.000m2 đất tại khu vực đầu cồn An Bình (ấp An Long, xã An Bình, TP.Vĩnh Long). Tại hiện trường sự vụ, cơ quan này phát hiện cung trượt lớn và sâu (phạm vi sạt lở theo chiều ngang vào bờ 40m, sâu trên 10m) do bị hạ thấp cục bộ của dòng dẫn khiến cho phần đất mái bờ có tác dụng chống trượt bị mất đi và gây ra sạt lở; địa hình lòng sông tại đoạn này đã bị hạ thấp tới 8,55m do bị khai thác cát vượt chiều dày cho phép hơn 5m. Bằng chứng cụ thể là ngay sau khi vụ sạt lở xảy ra, gần đó, cơ quan chức năng phát hiện, bắt quả tang 3 sà lan của Công ty Cổ phần Vật liệu xây dựng Vĩnh Long (Công ty VMC) đang khai thác cát sai vị trí được cấp phép. Theo yêu cầu khởi kiện của các hộ bị hại, mới đây (5/2015), TAND tỉnh Vĩnh Long xử phúc thẩm, tuyên buộc Công ty VMC bồi thường cho hai hộ dân hơn 720 triệu đồng vì thiệt hại về tài sản của họ là do công ty này khai thác cát, gây hạ thấp cục bộ của lòng dẫn gây sạt lở đất, là nguyên nhân gây thiệt hại nhiều bè cá của người dân.

Không được bù lấp lại…

Tìm hiểu của chúng tôi, vị trí 3 sà lan Công ty VMC bị bắt quả tang thuộc phạm vi mỏ cát có trữ lượng 14 triệu m3 nhưng bị cấm khai thác vì gần cầu Mỹ Thuận. Tại khu vực này hàng năm cơ quan chức năng 2 tỉnh (Vĩnh Long – Tiền Giang) phát hiện, xử phạt khoảng 30 trường hợp khai thác cát vi phạm. Đây là một trong số nhiều “điểm nóng” khai thác cát trái phép dưới lòng sông Cửu Long.

Nhiều người thông thạo trong lĩnh vực khai thác cát vùng này cho biết các chủ mỏ cố tình điều phương tiện ra ngoài phạm vi được cấp phép, tiếp cận sát mé các cù lao, bờ sông để ‘săn’ cát thô, đều biết rõ vi phạm, bị xử phạt, thậm chí khởi tố, tịch thu phương tiện… nhưng vẫn ‘mạo hiểm’ vì các thân cát trong phạm vi mỏ được cấp phép đã khai thác đến lớp bùn đất và không được dòng chảy chuyển về bù lấp lại.

Số lượng cát khai thác trái phép ngoài tầm kiếm soát của cơ quan chức năng, chính quyền các địa phương, không thống kê được. Tuy nhiên, chỉ tính khối lượng khoảng 28,25 triệu m3/năm (chủ yếu là cát mịn lẫn bùn - cát đen) khai thác hợp pháp tại 8 tỉnh, thành gần dòng chính sông Cửu Long có trữ lượng cát thì hiện nay cũng đã ‘ăn thâm’ vào ‘kho’ trầm tích bồi tụ từ hàng chục, hàng trăm năm dưới lòng sông. PGS.TS. Đinh Công Sản, Phó Giám đốc Trung tâm nghiên cứu chỉnh trị sông và phòng chống thiên tai (Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam) khẳng định số lượng khai thác như vậy đã gấp 2 lần lượng cát mà dòng Mê Kông chuyển tải về châu thổ Cửu Long – chưa tính khối lượng khai thác ở Campuchia.

“Cùng với tình trạng xói lở bờ biển, trượt đất bờ sông Tiền, sông Hậu cùng hệ thống hệ thống luồng lạch của nó đã ngốn mất 500ha đất/1 năm. Diện tích sạt lở gần bằng diện tích xã Vĩnh Kim (H.Châu Thành, Tiền Giang) và gần bằng 1/4 diện tích xã Vĩnh Thới (H.Lai Vung, Đồng Tháp). Như vậy, cứ vài năm, khu vực này lại mất đi diện tích đất tương đương với diện tích trung bình của 1 xã trong vùng. Dự báo đến năm 2050 sẽ có khoảng 1 triệu người bị tác động trực tiếp bởi xói lở ven bờ và mất đất ở tại đồng bằng sông Cửu Long” - PGS.TS. Đào Trọng Tứ, Cố vấn Mạng lưới sông ngòi Việt Nam, cảnh báo.

Hùng Long

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bài 2: "Ăn" vào "kho" trầm tích
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO