Bạch Thông (Bắc Kạn): Phấn đấu đạt mục tiêu giảm nghèo để về đích nông thôn mới
(TN&MT) - Đối với mỗi địa phương, giảm nghèo là một trong những mục tiêu quan trọng để góp phần xây dựng thành công nông thôn mới. Nhận thức rõ điều này, năm 2023, huyện Bạch Thông (tỉnh Bắc Kạn) phấn đấu có thêm xã Lục Bình và Vi Hương về đích xây dựng nông thôn mới, trong đó tập trung thực hiện mục tiêu giảm nghèo tại hai xã này.
Triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) xây dựng nông thôn mới năm 2023, tỉnh Bắc Kạn đặt mục tiêu có thêm 17 xã đạt chuẩn nông thôn mới. Đối với cấp huyện, tỉnh tập trung xây dựng, phấn đấu đưa Chợ Đồn và Bạch Thông về đích xây dựng nông thôn mới.
Để thực hiện mục tiêu này, huyện Bạch Thông đặt ra mục tiêu giảm từ 2 - 2,5% hộ nghèo theo chuẩn đa chiều. Ngay từ đầu năm nay, huyện đã chỉ đạo UBND các xã, thị trấn xây dựng kế hoạch giảm nghèo, đặc biệt là đối với những xã nằm trong lộ trình về đích xây dựng nông thôn mới và nông thôn mới nâng cao.
Trong đó, huyện phân tích rõ các nguyên nhân nghèo và khả năng thoát nghèo của hộ, xác định rõ chỉ tiêu, địa chỉ cụ thể, đề ra giải pháp hỗ trợ phù hợp; tăng cường phối hợp với các ngành thành viên Ban Chỉ đạo, các tổ chức đoàn thể tuyên truyền, vận động, triển khai thực hiện có hiệu quả các chính sách giảm nghèo chung, lồng ghép các chương trình đặc thù thực hiện chương trình giảm nghèo, tư vấn, giúp đỡ hộ nghèo vươn lên thoát nghèo.
Theo kế hoạch, xã Lục Bình (huyện Bạch Thông) đang tập trung nguồn lực để về đích xây dựng nông thôn mới trong năm nay. Tuy nhiên, huyện còn gặp nhiều khó khăn dẫn đến việc thực hiện tiêu chí về tỷ lệ hộ nghèo chưa đạt. Cụ thể, đến cuối năm 2022, tỷ lệ hộ nghèo của xã vẫn còn 27,85%, so với quy định cần giảm thêm gần 15%. Để hoàn thành nhiệm vụ khó khăn này, cấp ủy, chính quyền địa phương đã họp bàn và quyết tâm thực hiện với những giải pháp cụ thể.
Theo đó, xã Lục Bình đã rà soát lại toàn bộ số hộ nghèo, cận nghèo, đánh giá những hộ nào có khả năng và mong muốn thoát nghèo để dồn lực hỗ trợ thông qua mô hình, dự án cụ thể; đồng thời giao nhiệm vụ cho từng ban, ngành, đoàn thể và từng cán bộ, đảng viên giúp đỡ hộ nghèo, cận nghèo vươn lên. Xã cho các hộ nghèo, cận nghèo và hộ mới thoát nghèo đăng ký tham gia mô hình chăn nuôi trâu sinh sản. Tham gia mô hình này, các hộ dân sẽ được hỗ trợ 80% kinh phí mua con giống, được hỗ trợ kỹ thuật, thức ăn, phần còn lại do người dân tự đối ứng.
Bên cạnh đó, xã tập trung các nguồn lực xây dựng kết cấu hạ tầng, thực hiện các mô hình liên kết theo chuỗi sản xuất, tạo điều kiện cho người dân nâng cao thu nhập, giảm nghèo nhanh và bền vững.
Tương tự, tại xã Vi Hương, xã đặt nhiệm vụ giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 24,08% năm 2022 xuống còn dưới 13% trong năm nay, vì vậy, xã đã và đang nỗ lực thực hiện để góp phần xây dựng thành công xã nông thôn mới vào cuối năm 2023.
Theo Ban chỉ đạo Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới xã Vi Hương, ngay từ đầu năm, xã đã tích cực thực hiện các công việc, xây dựng chi tiết kế hoạch cụ thể các nội dung của tiêu chí không phụ thuộc nguồn lực, trong đó có thu nhập, hộ nghèo, từ đó tập trung chỉ đạo nhân dân liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, góp phần nâng cao thu nhập.
Hơn nữa, xã chú trọng phát huy lợi thế của địa phương là sản xuất nông, lâm nghiệp, tranh thủ nguồn vốn hỗ trợ từ các chương trình để triển khai thực hiện các mô hình phát triển kinh tế, cụ thể là dự án chăn nuôi lợn đen bản địa với hơn 200 hộ tham gia, tập trung cho các hộ phấn đấu thoát nghèo trong năm nay.
Chung sức đưa Vi Hương về đích nông thôn mới trong năm nay, Hợp tác xã Thiên An, thôn Nà Ít, xã Vi Hương cũng đã nỗ lực nâng cao chất lượng, số lượng sản phẩm để tăng mức thu nhập cho người dân địa phương; tích cực quảng bá rộng rãi sản phẩm trong nước và quốc tế để tìm kiếm cơ hội hợp tác, mở rộng thị trường.
Nhận thấy địa phương có nguồn nguyên liệu, có các bài thuốc cổ truyền của đồng bào dân tộc Dao, Hợp tác xã Thiên An đã nghiên cứu sản xuất ra các sản phẩm như gối thảo dược, thảo dược tắm cho phụ nữ sau sinh và trẻ em… Năm 2022, doanh thu của Hợp tác xã Thiên An đạt hơn 1 tỷ đồng, tạo việc làm ổn định cho 15 lao động là phụ nữ dân tộc Dao, với mức thu nhập trung bình 4 triệu đồng/tháng.
Nhờ sự nỗ lực trên, kinh tế nông thôn chuyển dịch theo hướng tăng dần, các sản phẩm thế mạnh của xã được quan tâm xây dựng nâng cao chất lượng, hiệu quả năng suất.
Để đạt được mục tiêu về đích xây dựng nông thôn mới, tỉnh Bắc Kạn chỉ đạo các địa phương, đối với xã trong kế hoạch đạt chuẩn năm 2023, các huyện, thành phố ưu tiên dành nguồn lực đầu tư; đẩy mạnh phát triển sản xuất, bảo vệ môi trường... Mong rằng với những kế hoạch triển khai cụ thể, chi tiết đến từng huyện, xã, thôn, Bắc Kạn sẽ đạt nhiều thành tựu trong xây dựng nông thôn mới.
Tỉnh Bắc Kạn phấn đấu xây dựng thành công 17 xã nông thôn mới năm 2023, bao gồm 11 xã trong lộ trình phấn đấu đạt chuẩn năm 2023: Xã Lục Bình, Vi Hương, huyện Bạch Thông; xã Đức Vân, huyện Ngân Sơn; xã Quảng Khê, huyện Ba Bể; xã Bằng Lãng, Lương Bằng, Đồng Lạc, Nam Cường, huyện Chợ Đồn; xã Thanh Vận, huyện Chợ Mới; xã Văn Lang, Liêm Thủy, huyện Na Rì và 06 xã chưa đạt chuẩn trong lộ trình phấn đấu năm 2022: Xã Tân Tú, huyện Bạch Thông; xã Bằng Vân, huyện Ngân Sơn; xã Mỹ Phương, huyện Ba Bể; xã Côn Minh, Trần Phú, huyện Na Rì; xã Bộc Bố, huyện Pác Nặm. Các xã còn lại phấn đấu hoàn thành thêm ít nhất 1 tiêu chí so với năm 2022; số tiêu chí bình quân mỗi xã: 14 tiêu chí/xã.