Xã hội

Bắc Kạn: Đa dạng hóa sinh kế để thoát nghèo

Mai Anh 27/03/2024 - 16:14

(TN&MT) - Tỉnh Bắc Kạn đặt mục tiêu đến hết năm 2024 giảm 1.890 hộ nghèo, đưa tỷ lệ hộ nghèo còn 19,65%, số hộ nghèo đến cuối năm còn 16.177 hộ. Đa dạng hoá sinh kế để giảm nghèo bền vững được cho là giải pháp hữu hiệu để thực hiện mục tiêu này.

Nhiều mô hình, dự án hỗ trợ sinh kế

Thời gian qua đã có hàng nghìn hộ nghèo, hộ cận nghèo được thụ hưởng nhiều mô hình hỗ trợ sinh kế, đây chính là đòn bẩy giúp người dân có ý chí, nghị lực vươn lên thoát nghèo.

Theo đó, tỉnh đã chỉ đạo các đơn vị, địa phương triển khai tốt công tác tuyên truyền, vận động người dân tham gia xây dựng các mô hình, dự án phát triển sản xuất liên kết gắn với tiêu thụ sản phẩm và chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” phù hợp với quy hoạch, kế hoạch, lợi thế của từng vùng, đảm bảo tỉ lệ tối thiểu 50% hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, người khuyết tật (không có sinh kế ổn định)… tham gia dự án.

Trong 3 năm thực hiện Chương trình (2021 - 2023), tỉnh đã triển khai 142 dự án hỗ trợ phát triển sản xuất về nông nghiệp, trong đó có 9 dự án liên kết theo chuỗi giá trị, 133 dự án hỗ trợ phát triển sản xuất cộng đồng, với 2.880 hộ tham gia các dự án, trong đó 1.504 hộ nghèo, 522 hộ cận nghèo, 140 hộ mới thoát nghèo và 714 hộ khác.

anh-1yt-e9fcc91dca45-1702454614624-1702454615757883206041-1702629036130-17026290362861965104600.jpg
Mô hình chăn nuôi trâu bò sinh sản ở thôn Bản Vay, xã Yên Thịnh (Chợ Đồn) mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân

Trung bình mỗi dự án liên kết chuỗi giá trị được đầu tư 1,4 tỉ đồng, dự án cộng đồng được đầu tư 300 triệu đồng. Các dự án triển khai đảm bảo quy trình, đối tượng tham gia theo quy định; mức hỗ trợ đầu tư bình quân cho một hộ tham gia dự án từ ngân sách Nhà nước theo từng dự án và thời gian thực hiện khoảng từ 14 - 40 triệu đồng.

Thu nhập bình quân của hộ tham gia dự án cộng đồng trong thời gian qua cũng tăng lên đáng kể như dự án chăn nuôi lợn thịt bản địa tăng khoảng 9 - 10 triệu/hộ/chu kỳ sản xuất (khoảng 6 tháng); dự án trồng cây dong riềng tăng khoảng 12 - 15 triệu/ha/chu kỳ sản xuất (8 tháng).

Từ các dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, người dân làm quen với hình thức phát triển sản xuất tập thể, tổ hợp tác, nhóm hộ, liên kết, đối ứng, ràng buộc trách nhiệm lẫn nhau, cùng đóng góp lao động, quyền lợi, tạo việc làm, tăng thu nhập cho hộ gia đình.

Hiệu quả từ hoạt động đa dạng hóa sinh kế ở huyện Ngân Sơn

Cũng như nhiều huyện ở tỉnh Bắc Kạn, huyện Ngân Sơn đã triển khai nhiều dự án đa dạng hóa sinh kế, góp phần giúp người dân thoát nghèo. Huyện Ngân Sơn là một trong những huyện nghèo nhất cả nước theo Nghị quyết số 30a của Chính phủ.

Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025, huyện được phân bổ hơn 139 tỷ đồng bao gồm vốn đầu tư và vốn sự nghiệp. Từ nguồn vốn này, huyện đã hỗ trợ người có khả năng lao động thuộc hộ nghèo, cận nghèo nâng cao năng lực sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp, đổi mới phương thức, kỹ thuật sản xuất.

Tính đến cuối năm 2023, huyện đã thực hiện 24 dự án đa dạng hóa sinh kế thuộc Dự án 2 với 410 hộ tham gia các dự án, trong đó hộ nghèo tham gia là 291 hộ, hộ cận nghèo tham gia 56 hộ, hộ mới thoát nghèo 17 hộ. Có 7 dự án hỗ trợ phát triển sản xuất với 112 hộ tham gia, trong đó có 95 hộ nghèo, 9 hộ cận nghèo, 2 hộ mới thoát nghèo. Tỷ lệ hộ nghèo tham gia vào các dự án là 331 hộ, bằng 9,3%; hộ cận nghèo tham gia là 65 hộ, bằng 7,1%.

dao-tao-nghe-2592.jpg
Xã Dương Quang, TP. Bắc Kạn tổ chức lớp đào tạo nghề cho người dân

Công tác hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế trên địa bàn huyện đã huy động được sự tham gia tích cực của người dân, đặc biệt là hộ nghèo, góp phần chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao, tăng thu nhập cho nhiều hộ gia đình.

Có thể thấy, cùng với nỗ lực quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị và nhân dân các dân tộc trong tỉnh, qua 3 năm triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025, công tác giảm nghèo của tỉnh đã đạt được kết quả quan trọng, tỷ lệ hộ nghèo đa chiều giảm 2,66% so với đầu kỳ (giảm từ 27,37% xuống còn 24,71%), đạt mục tiêu kế hoạch đề ra.

Xác định được cốt lõi của việc giảm nghèo là giúp người nghèo biết cách làm ăn, có sinh kế bền vững, việc làm ổn định, từ đó nâng cao chất lượng cuộc sống, có điều kiện tiếp cận với các dịch vụ xã hội cơ bản, trong thời gian tới, cấp ủy, chính quyền các cấp tiếp tục quan tâm chỉ đạo sâu sát, quyết liệt, phát huy vai trò của Mặt trận tổ quốc và các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội đối với công tác giảm nghèo.

Đồng thời, quán triệt sâu sắc mục tiêu, đối tượng, nội dung hỗ trợ, các văn bản chỉ đạo hướng dẫn của trung ương và của tỉnh, cách triển khai đồng bộ, hiệu quả hoạt động đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo trên địa bàn tỉnh đối với các ngành, các cấp, cán bộ, doanh nghiệp, hợp tác xã và toàn thể nhân dân.

Bên cạnh đó, các địa phương phân bổ, quản lý, sử dụng hiệu quả nguồn lực thực hiện chính sách hỗ trợ đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo trên địa bàn, chịu trách nhiệm về việc sử dụng các nguồn vốn đúng mục tiêu, bảo đảm hiệu quả, tiết kiệm và tránh thất thoát; thực hiện lồng ghép và xã hội hóa các nguồn vốn huy động hỗ trợ giảm nghèo theo phương thức đa chiều cho các dự án.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bắc Kạn: Đa dạng hóa sinh kế để thoát nghèo
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO