(TN&MT) - Mười mấy năm trời, hàng trăm hộ dân tại xã Tuấn Mậu, (huyện Sơn Động) và các xã: Nghĩa Phương, Trường Sơn, Cương Sơn, Vô Tranh và Lục Sơn (huyện Lục Nam) vẫn phải oằn mình đóng góp các loại thuế, phí sử dụng đất đã được nhà nước cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ). Tuy nhiên, khi tỉnh lộ 293 được cải tạo, mở rộng thì họ lại không được đền bù một đồng nào đối với phần diện tích bị thu hồi. Nguyên nhân được giải thích là do trước đây huyện cấp sổ đỏ sai dẫn đến một phần diện tích “đè” lên hành lang đường bộ(?!)
Hàng trăm hộ dân ngơ ngác khi không hiểu vì sao huyện làm sai lại bắt dân chịu |
Cấp sổ đỏ vào hành lang giao thông
Như chúng tôi đã thông tin ở số báo trước. Dự án cải tạo, nâng cấp tỉnh lộ 293 (trước là đường 289 đoạn Mai Sưu – Hạ Mi) và các tuyến nhánh vào Tây Yên Tử, chùa Vĩnh Nghiêm được UBND tỉnh Bắc Giang phê duyệt lại vào năm 2011 và giao cho sở GTVT Bắc Giang làm chủ đầu tư với tổng kinh phí thực hiện hơn 2700 tỷ đồng từ nguồn trái phiếu Chính phủ và các nguồn khác. Trong khi thực hiện bồi thường, GPMB thì các hộ dân sinh sống hai bên đường đã bị trừ 5m đất sổ đỏ với lý do huyện cấp sổ đỏ trùm vào hành lang giao thông nên không bồi thường.
Sau khi báo phản ánh, tòa soạn tiếp tục nhận được đơn kêu cứu của người dân sống ven tỉnh lộ 293 đoạn qua huyện Lục Nam. Trong đơn, người dân phản ánh về việc khi thực hiện công tác kiểm kê để đền bù, GPMB thì huyện Lục Nam cùng với chủ đầu tư dự án trừ luôn 14m chiều sâu tính từ tim đường nhưng không bồi thường với lí do đó là đất hành lang giao thông. Thấy sự việc có dấu hiệu mập mờ khi cùng một dự án, mỗi huyện tính theo một kiểu nên người dân tại hai huyện đã phản đối quyết liệt, không giao đất cho dự án thu để GPMB.
Phản ánh với PV, rất nhiều hộ dân bức xức cho biết: Khi thực hiện kiểm kê tài sản và thu hồi đất đã bộc lộ hàng loạt khuất tất như: nhà không có tài sản trên đất lại nhận được tiền bồi thường, còn nhà có tài sản trên đất thì không. Không những vậy, người dân còn “tố” chính quyền nơi đây mập mờ đánh tráo loại đất và xác định nguồn gốc đất sử dụng của người dân để ép người dân phải nhận tiền đền bù rẻ mạt không đúng với loại đất mà họ đáng lẽ được hưởng.
Trái khoáy hơn, chính quyền còn tự ý “cắt” hàng trăm mét đất nằm trong sổ đỏ của mỗi hộ dân và không đền bù một xu nào với lý do là đất nằm trong hành lang giao thông trong khi chính UBND huyện Lục Nam và Sơn Động là cơ quan cấp sổ đỏ cho người dân sống dọc hai bên đường tỉnh lộ 293 từ hàng chục năm nay. Ngoài ra, hàng năm xã, huyện vẫn tiến hành kiểm kê hiện trạng sử dụng đất và tiến hành thanh tra, kiểm tra về việc cấp sổ đỏ và không phát hiện có sai sót gì.
Cùng một dự án nhưng nơi thì trừ 5m, nơi lại trừ 14m nhưng lại không bồi thường khiến người dân không biết đâu mà lần |
Chẳng hạn như trường hợp nhà bà Nguyễn Thị Ngọc (thôn Vĩnh Tân, Xã Lục Sơn, huyện Lục Nam) là một trong hàng trăm hộ dân tại 5 xã của huyện này bị trừ 14m đất hành lang giao thông. Bà Ngọc cho biết: gia đình bà bị thu hồi 814,9m2 đất và bị trừ mất 247,7m2 đất hành lang giao thông. Không những vậy, mặc dù thửa đất gia đình bà nằm ven tỉnh lộ 293 thế nhưng Hội đồng bồi thường GPMB lại tính giá đất thuộc nhóm D xã miền núi nên giá tiền đền bù cao nhất cho đất thổ cư là 390 nghìn/m2, đất vườn là 236 nghìn/m2 và đất trồng cây lâu năm 126 nghìn/m2.
Hay như nhà bà Như Thị Bình cũng ở thôn Vĩnh Tân, xã Lục Sơn bị thu hồi 756,7m2 nhưng lại không bị trừ 14m2 đất hành lang như các hộ khác nhưng chỉ được đền bù với giá đất trồng cây lâu năm là 126 nghìn/m2 mặc dù gia đình bà sử dụng đất ổn định từ năm 1963. Còn trường hợp nhà anh Lê Văn Tiến trong bảng tổng hợp bồi thường chỉ bị thu hồi có 285,6m2 đất thổ cư nhưng thực tế lại bị lấy mất 597,5m2 đất.
Sau khi phát hiện ra việc làm khuất tất này, người dân kiên quyết không giao đất để thực hiện dự án. Chính vì vậy, để kịp bàn giao mặt bằng đúng thời hạn cho đơn vị thi công, phía chính quyền nơi đây đã tiến hành cưỡng chế thu hồi đất rất nhiều lần đối với các hộ dân nơi đây.
Dân không chịu học luật … làm huyện cấp sổ đỏ sai ?
Để thông tin được đa chiều, nhóm PV nhiều lần đến UBND huyện Sơn Động để tìm gặp những người có liên quan. Thế nhưng không nhận được sự hợp tác, thậm chí liên hệ qua điện thoại với ông Nguyễn Văn Ước – Phó chủ tịch UBND huyện Sơn Động thì ông này không nghe máy. Còn ông Nguyễn Hồng Luân, người ký tên cấp sổ đỏ cho người dân xã Tuấn Mậu (giai đoạn 2000 – 2001) thì đã chuyển lên làm Trưởng ban dân tộc tỉnh Bắc Giang.
Còn tại huyện Lục Nam, ông Đặng Văn Nhàn – Phó chủ tịch UBND huyện – Trưởng ban đền bù GPMB lấy lý do bận họp và bảo PV sang làm việc với ông Đặng Minh Khôi – Giám đốc trung tâm phát triển quỹ đất của huyện.
Ông Đặng Minh Khôi - Giám đốc Trung tâm phát triển quỹ đất của huyện Lục Nam bảo dân có lỗi khi không tìm hiểu luật |
Ông Khôi cho biết, việc mỗi hộ dân bị trừ 14m đất thổ cư là căn cứ vào nghị định 203/HĐBT ngày 21/12/1982 của hội đồng Bộ trưởng năm 1982 về hành lang bảo vệ đường bộ. Còn UBND huyện đã sai khi cấp sổ đỏ cho người dân nhưng không trừ hành lang giao thông theo quy định bảo vệ hành lang đường bộ.
Khi được hỏi là tại sao từ năm 2001 đến nay, mặc dù năm nào UBND huyện và xã cũng đều thanh tra về việc cấp sổ đỏ, kiểm kê hiện trạng sử dụng đất trên địa bàn nhưng lại không phát hiện ra sai sót mà phải đợi tới lúc có dự án thì mới biết?. Ông Khôi bảo cái này tôi không biết. PV đề nghị cung cấp hồ sơ liên quan đến công tác đề bù GPMB, ông Khôi không cung cấp và hẹn khi khác.
Phóng viên truy tiếp “vậy ai sẽ phải chịu trách nhiệm về những sai phạm này?”. Ông Khôi không ngần ngại nói thẳng “cái này là người dân có lỗi khi không tìm hiểu luật, không phát hiện ra việc cấp sai sổ đỏ để thông báo cho huyện điều chỉnh lại. Hơn nữa luật là luật chung, đáng lẽ người dân phải phát hiện ra việc cấp sổ đỏ sai và thông báo cho huyện nhưng người dân lại không phát hiện ra được.”
Rõ ràng, trước khi cấp sổ đỏ UBND huyện Lục Nam đã không xem xét kỹ lưỡng vào các văn bản quy định của pháp luật dẫn tới cấp bừa cho hàng trăm, hàng nghìn hộ dân. Tới khi sự việc vỡ lở thì UBND huyện Lục Nam lại trốn tránh trách nhiệm và đổ thừa cho tại người dân không chịu học luật để phát hiện ra sớm. Được biết người ký cấp sổ đỏ cho người dân trước đó là ông Nguyễn Đức Đăng hiện nay đã chuyển về làm CVP UBND tỉnh Bắc Giang.
Vậy ai sẽ phải chịu trách nhiệm cho việc cấp sổ đỏ cẩu thả, bừa bãi gây thiệt hại nghiêm trọng về quyền lợi của người dân nơi đây, trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước ở đâu khi để xảy ra hàng loạt sai phạm như trên?.
Báo điện tử TN&MT sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc
Bích Động – Yên Thế