Tin tức

Bắc Bộ tiếp tục có mưa lớn, khẩn trương ứng phó lũ quét và sạt lở

Khánh Ly 24/08/2024 19:47

(TN&MT) - Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Quốc gia, từ chiều tối nay 24/8 đến sáng mai 25/8, khu vực phía Đông Bắc Bộ và Thanh Hóa có mưa vừa, mưa to và dông, cục bộ có nơi mưa rất to với lượng mưa phổ biến từ 30-60mm, cục bộ có nơi trên 120mm.

Trong khi đó, mưa ở khu vực Tây Bắc có xu hướng kéo dài hơn từ đêm nay đến hết đêm mai. Mưa vừa, mưa to đến rất to với lượng mưa phổ biến 40-100mm, cục bộ có nơi trên 200mm.

Mưa lớn khiến nhiều địa phương đối mặt với nguy cơ trượt lở đất, lũ quét rất nguy hiểm. Trong 24 giờ qua (từ 15 giờ ngày 23/8 đến 15 giờ ngày 24/8), một số điểm quan trắc ở Bắc Bộ và Thanh Hóa đã ghi nhận mưa rất to như: Thân Thuộc 89 mm (Lai Châu); Chung Chải 88,8 mm (Điện Biên); Song Khủa 77,4 mm (Sơn La); Đa Phúc 103,2 mm (Hòa Bình); Lùng Cải 67,4 mm (Lào Cai); Lương Nha 63 mm (Phú Thọ); Thượng Quan 94,4 mm (Bắc Kạn); Năm Làng 95,4 mm, Cao Bằng 86,8 mm (Cao Bằng); Thạch Lâm 103,4 mm (Thanh Hóa)…

Mô hình độ ẩm đất cho thấy một số khu vực thuộc các tỉnh trên đã gần bão hòa (trên 85%) hoặc đạt trạng thái bão hòa. Nhiều khả năng có thể xảy ra lũ quét trên các sông, suối nhỏ, sạt lở đất trên sườn dốc.

untitled(1).png
Các khu vực cảnh báo lũ quét, sạt lở đất đá

Ngoài ra, mưa lớn khiến mực nước trên sông Cầu, sông Thương đang lên. Lúc 13h hôm nay, lũ trên sông Cầu đã trên báo động 1 (BĐ1) 0,12m; trên sông Thương tại Phủ Lạng Thương dưới BĐ1. Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Quốc gia cảnh báo, lũ sông Cầu tại Đáp Cầu sẽ tiếp tục lên và đạt đỉnh ở mức 4,6m, trên BĐ1 0,3m vào tối nay (24/8), mực nước trên sông Thương tại Phủ Lạng Thương tiếp tục lên và dao động ở mức BĐ1 vào đêm nay (24/8), sau xuống dần. Nguy cơ cao xảy ra ngập lụt tại các vùng trũng thấp ven sông.

Trước tình hình mưa lớn diễn biến phức tạp và lũ dâng cao, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã gửi công văn, đề nghị Uỷ ban nhân dân các tỉnh Bắc Bộ và Thanh Hóa theo dõi chặt chẽ bản tin dự báo, cảnh báo mưa lớn, ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất, thông tin kịp thời, đầy đủ đến các cấp chính quyền, người dân biết để chủ động phòng tránh, ứng phó, giảm thiểu thiệt hại.

Cùng với khắc phục thiệt hại từ mưa lũ vừa qua, các địa phương cũng triển khai lực lượng xung kích kiểm tra, rà soát các khu dân cư ven sông, suối, khu vực thấp trũng, có nguy cơ cao xảy ra ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất để chủ động khơi thông dòng chảy. Tổ chức di dời, sơ tán người dân ở khu vực nguy hiểm đến nơi an toàn.

img-2549.jpg
Mực nước sông Cầu tại huyện Sóc Sơn lên nhanh, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn TP Hà Nội đã ban hành lệnh báo động lũ trên sông Cầu (cấp II), sông Cà Lồ (cấp I)

Tổ chức lực lượng canh gác, kiểm soát, hỗ trợ, hướng dẫn bảo đảm giao thông an toàn cho người và phương tiện, nhất là tại các ngầm, tràn, khu vực ngập sâu, nước chảy xiết, khu vực đã xảy ra sạt lở hoặc có nguy cơ xảy ra sạt lở. Kiên quyết không cho người và phương tiện qua lại nếu không bảo đảm an toàn; không để xảy ra thiệt hại đáng tiếc về người do bất cẩn, chủ quan. Bố trí lực lượng, vật tư, phương tiện để khắc phục sự cố, đảm bảo giao thông thông suốt trên các trục giao thông chính khi xảy ra mưa lớn.

Tổ chức vận hành và triển khai phương án đảm bảo an toàn các hồ chứa và hạ du, đặc biệt là các hồ chứa thủy điện nhỏ, hồ thủy lợi xung yếu, công trình đang thi công; bố trí lực lượng thường trực để vận hành điều tiết và sẵn sàng xử lý các tình huống có thể xảy ra. Sẵn sàng phương án phòng chống lũ, đảm bảo an toàn đê điều theo cấp báo động. Kiểm tra, rà soát, triển khai công tác đảm bảo an toàn đối với các hầm mỏ, khu khai thác khoáng sản.

Sẵn sàng phương án tiêu nước chống úng bảo vệ sản xuất, khu công nghiệp, khu đô thị, khu tập trung dân cư, cùng với lực lượng, phương tiện để cứu hộ, cứu nạn khi có yêu cầu. Bộ NN&PTNT cũng yêu cầuUBND các tỉnh chỉ đạo cơ quan phát thanh, truyền hình và các cơ quan thông tin đại chúng địa phương tăng cường các biện pháp thông tin về diễn biến của mưa lớn đến các cấp chính quyền và người dân biết để chủ động phòng tránh, ứng phó.

Để ứng phó với lũ, Cục Quản lý Đê điều và Phòng, chống thiên tai (Bộ NN&PTNT) đã gửi công văn đề nghị Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội, Thái Nguyên, Bắc Ninh, Bắc Giang tăng cường công tác tuần tra canh gác, đảm bảo an toàn đê điều. Cụ thể, triển khai trên thực tế phương án bảo vệ các trọng điểm đê điều xung yếu theo phương châm 4 tại chỗ; chuẩn bị sẵn sàng lực lượng, vật tư, phương tiện hộ đê để kịp thời xử lý khi có tình huống xảy ra.

Tổ chức lực lượng và nghiêm túc thực hiện việc tuần tra, canh gác bảo vệ đê điều theo đúng quy định; kiểm tra, rà soát các công trình đê điều đã bị xảy ra sự cố nhưng chưa được xử lý, khắc phục hoặc đang thi công dở dang và triển khai ngay biện pháp đảm bảo an toàn. Các đơn vị cần theo dõi chẽ diễn biến mực nước lũ trên các triền sông và tình hình đê điều, báo cáo kịp thời các sự cố đê điều về Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai để phối hợp chỉ đạo thực hiện.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bắc Bộ tiếp tục có mưa lớn, khẩn trương ứng phó lũ quét và sạt lở
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO