(TN&MT) - Vùng trọng điểm sạt lở bờ biển nghiêm trọng nhất ở Bến Tre là khu vực Cồn Ngoài thuộc xã Bảo Thuận (huyện Ba Tri). Những năm qua, do tình hình BĐKH, nước biển dâng cao, kèm với sóng to gió lớn, làm sạt lở nghiêm trọng gây ảnh hưởng nặng nề đến đời sống cư dân.
Sạt lở sâu còn lại ngôi nhà trơ khung bên bờ biển |
Mới đây, sau gần nửa năm chúng tôi trở lại Cồn Ngoài, xã Bảo Thuận, nhận thấy quang cảnh nơi đây vắng vẻ, hoang tàn hơn. Nhiều ngôi nhà trơ khung, siêu vẹo, đường đê sạt lở nham nhở, có nơi người dân phải bắt cầu tạm bằng cây để làm lối đi lại. Có tận mắt chứng kiến mới cảm nhận được tình trạng sạt lở ven biển ngày càng phức tạp. Không chỉ mất đất, mất rừng, sinh kế của người dân cũng không còn, các khu dân cư bị uy hiếp, đời sống bấp bênh.
Trao đổi với báo TN&MT, ông Khổng Minh Tặng – Phó chủ tịch UBND xã Bảo Thuận, cho biết: vào giữa tháng 2 vừa qua, đợt triều cường dâng cao cùng với sóng to gió lớn đã làm sạt lở đất, sạt lở bờ đê bao, sập nhà dân, ngã đổ đường dây lưới điện trung hạ thế, thiệt hại nhiều tài sản và các lọai hoa màu của người dân nơi đây. Chỉ trong thời gian ngắn, bờ biển sạt lở sâu vào đất liền đe dọa nghiêm trọng đến sự an toàn cuộc sống và tính mạng của các hộ dân, cũng như các công trình đã được đầu tư xây dựng.
Bao cát, cừ tạm cũng không chống chọi được sạt lở |
Theo Phó chủ tịch UBND xã Bảo Thuận, khu vực Cồn Ngoài có gần 100 hộ dân sinh sống. Người dân nơi đây chủ yếu mưu sinh bằng nghề nuôi trồng, đánh bắt thủy hải sản và trồng các loại hoa màu trên đất giồng cát ven biển. Do tình hình BĐKH trong thời gian qua diễn ra khá phức tạp, nên tình trạng sạt lở bờ biển khu vực Cồn Ngoài hàng năm bị ăn sâu vào đất liền lên đến hàng chục mét. Riêng đợt triều cường vào trung tháng 2 vừa rồi làm sạt lở dài trên 4 km với diện tích lên đến hàng chục hecta, đoạn sạt lở ăn sâu vào đất liền có nơi hơn 100 mét. Năm 2010 diện tích Cồn Ngoài được 120ha thì đến nay chỉ còn lại khỏang 75ha.
Sạt lở đến gần chân cầu bê tông |
Khi nhắc lại đợt triều cường gây sạt lở nghiêm trọng tại đây vừa rồi, bà Nguyễn Thị Lé (Hai Lé) vẫn không tránh khỏi vẻ lo sợ. Bà Hai Lé cho biết: “Tôi là người làm ăn sinh sống nơi đây hàng chục năm rồi nhưng chưa có năm nào sóng to và khủng khiếp nhất như năm nay”.
Theo bà Hai Lé, đây là điều bất thường nhất từ trước đến nay, lần đầu tiên người dân thấy sóng biển tàn phá khủng khiếp như vậy, cột sóng cao nhất có thể lên hơn 10 mét đánh vào bờ với lực rất mạnh. Và như thế, song biển đã lấy mất đi phần đất của gia đình bà tới hơn 1/2 diện tích, phần đất và ngôi nhà của đứa con trai của bà Hai Lé cũng không còn nên gia đình người con này phải dắt díu nhau tìm nơi khác để mưu sinh.
Cách phần đất nhà bà Hai Lé không xa là gia đình của ông Huỳnh Văn Ngọat. Vụ sạt lở vừa qua ông Ngoạt là một trong những người dân chịu ảnh hưởng nặng nề nhất. Ông Ngọat cho biết: “Hàng năm, đỉnh triều cường cao nhất là tháng 11-12 âm lịch, nhưng năm nay lại xảy ra vào tháng giêng âm lịch. Sóng biển cao làm cho ngôi nhà tường kiên cố 60 m2 của tôi đổ sập. Sóng to gió lớn đã làm sạt lở đất, sạt lở bờ đê bao, sập nhà dân, ngã đổ đường dây lưới điện trung hạ thế, thiệt hại nhiều tài sản và các lọai hoa màu của hàng chục hộ dân nơi đây. Hiện nay đã bắt đầu mùa mưa bão, mỗi khi thấy triều cường, giông gió là chúng tôi cảm thấy lo sợ”.
Dùng cơ giới để sắp xếp lại vùng sạt lở |
Nỗi lo sợ sạt lở ven biển không chỉ có ông Ngoạt, bà Hai Lé, mà hầu hết những người dân định canh định nơi đây. Bởi trong thời gian qua, sóng biển đã “cướp” mất đi biết bao là đất, nhà cửa, hoa màu, tài sản của họ. Các công trình phúc lợi xã hội tại địa phương cũng hư hao, thiệt hại lớn. Rồi có nhiều hộ gia đình phải rời khỏi xứ sở này để “tha phương cầu thực” vì không còn đất đai sản xuất. Lo ngại nhất của người dân là hiện tại đã bắt đầu mùa mưa bão, gió chướng (gió đông) đã về, bao nhiêu sóng biển ập vào mỗi khi giống tố, trong khi dọc theo tuyến ven biển này hiện tại chưa có tuyến đê kè vững chắc.
Ông Phan Văn Hùng, Giám đốc Hợp tác xã Thủy sản Bảo Thuận trăn trở: “Dọc chiều dài đê biển xã Bảo Thuận phía bên ngoài là phần đất bãi bồi ven biển do Hợp tác xã quản lý để canh tác nghêu nuôi. Do thời tiết bất thường, sạt lở vừa qua làm lượng nghêu thịt hao hụt khá nhiều, trong khi đó năm nay nghêu con không sinh sản được. Bên cạnh triều cường vừa qua làm mất tuyến đê bao ven biển, nên việc buôn bán nghêu thành phẩm bằng đường bộ cũng gặp khó khăn trong vận chuyển, làm ảnh hưởng đến hiệu quả sản xuất kinh doanh”. Ông Hùng tha thiết đề nghị các cấp, các ngành nên sớm có kế hoạch làm đê kè vững chắc, nhằm bảo vệ an toàn tính mạng con người, tài sản và đời sống dân sinh.
Nguồn kinh phí hạn chế, việc thi công đoạn đê ven biển bảo vệ chân cầu tiến độ rất chậm. |
Trước tình hình trên, lãnh đạo UBND Xã Bảo Thuận đề nghị cấp trên khẩn trương hoàn thành tuyến lộ vành đai liên xã do tiến độ thi công còn chậm. Bên cạnh, tiếp tục kiến nghị tỉnh, huyện nên sớm thuận kế hoạch làm hàng rào chắn sóng bằng bê tông kiên cố nhằm giảm bớt cường độ sóng đánh vào bờ, hạn chế tình trạng sạt lở nghiêm trọng ở khu vực bờ biển như hiện nay, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân an tâm lao động, sản xuất.
Trong khi đó, ông Nguyễn Hữu Lập, Phó chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre thừa nhận, việc bảo vệ đê biển đang rất nguy cấp, nếu không có giải pháp căn cơ, thì nhiều diện tích đất bãi bồi ven biển sẽ biến mất. Theo ông Lập, hiện tỉnh đang đầu tư xây dựng các công trình phục vụ dân sinh như công trình đường Vành đai 3 xã ven biển, xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ bố trí sắp xếp dân cư vùng kinh tế mới Cồn Nhàn - Cồn Ngoài. Bên cạnh, tỉnh đang đề nghị Trung ương và các ngành chủ quản hỗ trợ địa phương về kinh phí, do tỉnh còn khó khăn về kinh tế. Trước mắt là giải quyết những vấn đề về kè mềm, còn phần kè cứng thì tiếp tục kiến nghị và đề nghị.
Qua báo cáo của cơ quan chức năng tỉnh Bến Tre, tỉnh này có chiều dài bờ biển trên 65km, trong khỏang thời gian 5 năm trở lại đây, sạt lở bờ biển trên địa bàn đã gây thiệt hại rất lớn, làm 120 ha diện tích đất bị sạt lở, 54 ha rừng phòng hộ bị mất. Ngòai ra, sạt lở bờ biển đã gây hư hại về nhà ở, hoa màu và các công trình phục vụ dân sinh. Trung bình hàng năm, bờ biển Bến Tre bị sạt lở lấn sâu vào đất liền khỏang từ 20-30 mét. |
Bài & ảnh: Bạch Thanh