(TN&MT) - Tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu (BR-VT) có 32 đơn vị, doanh nghiệp (DN) có hoạt động xả thải thuộc diện phải truyền dữ liệu về Trung tâm Điều hành Quan trắc tự động (QTTĐ) tỉnh. Tuy nhiên, sau 1 năm, trung tâm đi vào hoạt động, đến nay chỉ mới có 13 DN truyền số liệu về trung tâm này. Nguyên nhân vì sao DN chưa đấu nối?.
Trung tâm điều hành quan trắc môi trường tự động tỉnh BR-VT chính thức đi vào hoạt động từ tháng 10-2016 tại địa chỉ 28B Thi Sách, phường Thắng Tam, TP. Vũng Tàu. Trung tâm có chức năng giúp cơ quan chức năng quản lý và giám sát tự động việc xả thải của các DN có lưu lượng xả thải lớn. Theo đó, cứ 5 phút, các thông số đo về nước thải, khí thải sẽ được truyền dữ liệu về trung tâm điều hành. DN nào vượt quy chuẩn, hệ thống này sẽ bật tín hiệu cảnh báo và lấy mẫu chất thải tự động thay vì phải chờ cơ quan chức năng đến lấy mẫu như trước đây.
Ông Lê Tuấn Kiệt, Giám đốc Trung tâm Quan trắc TN-MT cho biết, tính đến ngày 24-10, chỉ có 13/32 đơn vị, DN thực hiện đấu nối. Cụ thể, về nước thải có 9/17 DN đấu nối gồm: KCN-B1 Conac, KCN Mỹ Xuân A, KCN Mỹ Xuân A2, Nhà máy giấy Sài Gòn - Mỹ Xuân, KCN Châu Đức, KCN-B1 Tiến Hùng, Cụm CN Boomin, Côngty TNHH Eclat Fabrics Việt Nam và Côngty TNHH POSCO-Việt Nam. Về khí thải trung tâm đã tiếp nhận dữ liệu của 4/15 DN gồm: Nhà máy thép Vinakyoei; nhà máy thép Pomina 2; nhà máy thép Posco SS ViNa và nhà máy thép TungHo.
Theo Sở TN-MT, từ tháng 4 đến tháng 11-2017, Sở đã nhiều lần kiểm tra, nhắc nhở các DN thực hiện đấu nối và tổ chức kiểm tra 4 lần tại các nhà máy thép và các DN thuộc diện phải đấu nối. Ngoài ra, Sở TN-MT còn mời các DN đến làm việc để tìm hiểu nguyên nhân vì sao chưa thực hiện đấu nối, khó khăn và bàn các giải pháp nhằm tiến tới thực hiện đấu nối QTTĐ về trung tâm điều hành chung của tỉnh. Giải thích lý do chậm trễ đấu nối, nhiều DN cho rằng họ gặp khó khăn về tài chính vì đầu tư hệ thống quan trắc tự động khá tốn kém (khoảng 2-5 tỷ đồng).
Ông Phùng Ngọc Quý, Phó Tổng giám đốc Pomina cho biết, việc gắn thiết bị quan trắc tự động còn khá mới mẻ và tốn kém (khoảng 2-3 tỷ đồng) nên DN gặp nhiều khó khăn. Hiện đã có nhà máy thép Pomina 2 kết nối đường truyền và chờ cơ quan chức năng nghiệm thu.
Trong khi đó, Công ty đầu tư và khai thác hạ tầng KCN Đông Xuyên và Phú Mỹ 1 (tên viết tắt là Công ty IZICO) có 2 nhà máy xử lý nước thải tập trung: công suất 3.000m3/ngày đêm (KCN Đông Xuyên) và 4.000m3/ngày đêm (KCN Phú Mỹ 1). Cả 2 nhà máy này đã lắp đặt hệ thống quan trắc tự động từ năm 2013. Tuy nhiên, đến nay nhà máy vẫn chưa truyền được dữ liệu về trung tâm điều hành.
Ông Phạm Bảo Ân, Phó Giám đốc Công ty IZICO cho biết, IZCO thuộc diện đấu nối hệ thống dự liệu QTTĐ theo quy định tại Thông tư số 35/2015/TT-BTNMT về bảo vệ môi trường khu kinh tế, KCN, khu chế xuất, khu công nghệ cao. Theo đó, nếu đã lắp đặt hệ thống QTTĐ, DN chỉ cần nối đường truyền vào hệ thống QTTĐ chung của tỉnh là được. Tuy nhiên, Thông tư số 31/2016/TT-BTNMT về bảo vệ môi trường CCN, khu kinh doanh, dịch vụ tập trung, làng nghề và cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ lại yêu cầu ngoài đường truyền còn phải gắn thiết bị lấy mẫu và camera giám sát. Trong khi đó, IZICO là DN có vốn nhà nước nên khi thực hiện các hạng mục mới, công ty phải làm văn bản gửi Sở Tài chính phê duyệt kinh phí hạng mục xây dựng đường truyền số liệu (khoảng 100 triệu đồng) về trung tâm điều hành. Tuy nhiên, Sở Tài chính lại xin ý kiến của Sở TN-MT về các hạng mục đầu tư. Theo ông Ân, Công ty IZICO vẫn chưa nhận được hướng dẫn cụ thể của Sở TN-MT về việc gắn các thiết bị truyền dữ liệu theo Thông tư nào.
Một số DN khác cho biết, ngày 1-9-2017, Bộ TN-MT mới có Thông tư 24/2017/TT-BTNMT hướng dẫn quy định, quy chuẩn về kỹ thuật quan trắc môi trường tự động nên trước đó các DN không biết đặt mua thiết bị QTTĐ nào cho phù hợp trong khi đó các cơ quan quản lý thì vẫn còn lúng túng vì chưa có thông tư hướng dẫn.
Tuy nhiên, tại các buổi làm việc với các nhà máy thép, ông Phan Văn Mạnh, Phó Giám đốc Sở TN-MT thẳng thắn cho biết: Lâu nay, việc xả thải của các nhà máy không đấu nối về Trung tâm QTTĐ của tỉnh nên việc giám sát không thường xuyên, mới xảy ra tình trạng ô nhiễm kéo dài. Nay, tỉnh yêu cầu các nhà máy phải quan trắc tự động, đấu nối dữ liệu, các DN chần chừ, kéo dài thời gian kết nối.
Theo Sở TN-MT, đối với 2 nhà máy thép còn lại (Pomina 3 và Thép Miền Nam) UBND tỉnh BR-VT yêu cầu đến ngày 30-10 phải hoàn tất việc đấu nối vào trung tâm điều hành QTTĐ của tỉnh. Với các đơn vị, DN còn lại đến cuối năm 2017 phải hoàn tất việc lắp đặt thiết bị QTTĐ và truyền dữ liệu về trung tâm điều hành. Những đơn vị, DN nào không thực hiện đúng yêu cầu sẽ bị xử phạt theo Nghị định NĐ 155/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực BVMT.
Theo quy định của Bộ TN-MT các KCN, CCN và các DN có lưu lượng nước thải từ 1.000 m3/ngày đêm trở lên phải có hệ thống QTTĐ và đấu nối dữ liệu về trung tâm điều hành để Sở TN-MT theo dõi, giám sát. Bộ TN-MT cũng quy định 6 đối tượng phải lắp đặt hệ thống quan trắc khí thải tự động gồm: Sản xuất phôi thép (sản lượng từ 200.000 tấn/năm trở lên); nhiệt điện (trừ sử dụng nhiên liệu khí tự nhiên); sản xuất xi măng; hóa chất và phân bón (sản lượng trên 10.000 tấn/năm); sản xuất dầu mỏ sản lượng trên 10.000 tấn/năm; lò hơi công nghiệp sản lượng lớn hơn 20 tấn hơi/giờ. Chiếu theo quy định này, tính đến tháng 11-2017, BR-VT có 32 đơn vị, DN phải đầu tư hệ thống QTTĐ và truyền số liệu về trung tâm điều hành QTTĐ tỉnh. Đây là các đơn vị, DN có nguồn xả thải lớn, có nguy cơ ô nhiễm môi trường ở mức cao, cần giám sát chặt chẽ. |
Bài, ảnh: Yến Nhi