Theo báo cáo của UBND huyện Côn Đảo, hiện nay, toàn bộ lượng rác thải sinh hoạt của huyện được thu gom về bãi rác khu vực Bãi Nhát với diện tích 3.800m2 chôn lấp đơn giản. Do thời gian sử dụng quá lâu (trên 20 năm) nên bãi rác quá tải, diện tích chứa rác hiện chỉ còn khoảng 300m2. Lượng rác tồn tại bãi rác khoảng 70.000 tấn.
Cùng với đó, do chôn lấp đơn giản nên mùi hôi thối và nước rỉ rác tràn lan gây ô nhiễm nặng khu vực xung quanh. Nước rỉ rác đang xâm nhập và làm ô nhiễm nguồn nước, đất, đe dọa môi trường bãi tắm Bãi Nhát và nguy cơ phát sinh dịch bệnh, ảnh hưởng đến hình ảnh du lịch và sinh hoạt của người dân toàn huyện.
Cũng theo báo cáo của UBND huyện Côn Đảo, từ năm 2014, huyện Côn Đảo đã đầu tư 1 lò đốt rác công nghệ Nhật Bản ngay tại bãi rác này. Tuy nhiên, mỗi ngày, lò đốt này chỉ xử lý được khoảng 5 tấn rác sinh hoạt (tùy thuộc mùa khô hay mùa mưa), lượng rác chưa xử lý hết trong ngày tiếp tục được tập kết tại bãi.
Để xử lý dứt điểm tình trạng ô nhiễm từ bãi rác thải tại huyện Côn Đảo để đảm bảo cuộc sống người dân và góp phần trong việc phát triển ngành du lịch, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cũng đã kêu gọi xã hội hóa các doanh nghiệp tham gia xây dựng phương án, nhà máy thu gom xử lý rác thải nhưng đến nay chưa có kết quả cụ thể. Hiện nay, lượng rác thải sinh hoạt tại Côn Đảo vẫn tiếp tục phát sinh mỗi ngày khoảng 15 tấn. Do đó, việc xử lý khối lượng rác thải tồn đọng tại khu vực Bãi Nhát là rất cần thiết và cấp bách.
Cũng tại cuộc họp, UBND huyện Côn Đảo đã có báo cáo tổng thể các phương án xử lý lượng rác sinh hoạt còn tồn đọng trên địa bàn huyện Côn Đảo. Theo đó có 03 phương án: Đầu tư nhà máy xử lý đốt rác tại chỗ; ép rác thành từng bánh, để xử lý ô nhiễm tạm thời cho khu vực Bãi Nhát sau đó đốt từ từ khoảng 40 tấn/ngày và ép rác thành từng khối rồi vận chuyển vào đất liền để xử lý.
Sau khi nghe báo cáo, ông Lê Tuấn Quốc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu giao Sở Xây dựng phối hợp với huyện Côn Đảo xác định lại đơn giá xử lý rác tại chỗ và đơn giá xử lý rác khi vận chuyển từ Côn Đảo về đất liền để xử lý. Từ đó, có cơ sở so sánh phương án nào là khả thi, ít tốn kém nhất để báo cáo xin ý kiến Thường trực UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu xem xét, quyết định.