Điểm danh 6 “điểm nóng” ô nhiễm
Theo UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, đến nay, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã xác định có 06 “điểm nóng” về môi trường cần triển khai ngay các giải pháp để phòng ngừa, cải thiện và khắc phục, bao gồm: Bảo vệ chất lượng nguồn nước các hồ cấp nước sinh hoạt; hoạt động của các trang trại, cơ sở, hộ chăn nuôi heo; hoạt động của Khu xử lý chất thải tập trung Tóc Tiên; hoạt động của các nhà máy luyện, cán thép tại KCN Phú Mỹ I, II; hoạt động chế biến hải sản khu vực Cửa Lấp; hoạt động chế biến hải sản khu vực Tân Hải.
Cụ thể, trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu hiện có 12 hồ cấp nước sinh hoạt cần được bảo vệ là hồ Đá Đen, Sông Ray, Sông Hỏa, Đá Bàng, Suối Các, Núi Nhan, Châu Pha, Kim Long, Suối Nhum, An Hải và hồ Quang Trung 1, 2. Bởi trong lưu vực các hồ cấp nước sinh hoạt trên đang diễn ra các hoạt động sản xuất có phát sinh chất thải, có nguy cơ gây ô nhiễm nguồn nước các hồ cấp nước như: khu xử lý chất thải Thiên Phước, các cơ sở chăn nuôi heo, hoạt động sản xuất nông nghiệp …
Đối với hoạt động của các trang trại, cơ sở, hộ chăn nuôi heo, tính đến hết năm 2018, toàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu có tổng số 1.661 trang trại, cơ sở, hộ dân nuôi heo có quy mô từ 50 con trở lên, phân bố chủ yếu tập trung tại huyện Châu Đức, Xuyên Mộc, thị xã Phú Mỹ, trong đó có 25 cơ sở thuộc thầm quyền quản lý cấp tỉnh, 1.136 cơ sở thuộc thẩm quyền quản lý cấp huyện. Phần lớn các cơ sở nuôi heo có vị trí không phù hợp với quy hoạch, nằm trên lưu vực các hồ cấp nước, nằm trong khu dân cư, nhưng hầu như chưa được đầu tư công trình xử lý nước thải bảo đảm theo quy định, nên nguy cơ ô nhiễm môi trường từ hoạt động chăn nuôi heo là rất cao.
Hiện nay, hoạt động của Khu xử lý chất thải tập trung Tóc Tiên đã có 14 dự án được giao đất để đầu tư các nhà máy xử lý chất thải, trong đó có 11 nhà máy đã đi vào hoạt động, 03 dự án đang triển khai đầu tư. Việc đầu tư Khu xử lý chất thải tập trung Tóc Tiên (Thị xã Phú Mỹ) đã tạo điều kiện thuận lợi trong việc chủ động xử lý chất thải phát sinh trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, với tính chất là khu xử lý chất thải tập trung nên tiềm ẩn nhiều các nguy cơ rủi ro, phát sinh nhiều vấn đề về môi trường như việc kiểm soát mùi hôi, khí thải, nước thải…
Với hoạt động của các nhà máy luyện, cán thép tại KCN Phú Mỹ I, II (Thị xã Phú Mỹ), hiện nay có 06 nhà máy luyện thép là Nhà máy thép Miền Nam, Tung Ho, Vinakyoei, Posco SS Vina, Pomina 2, Pomina 3 và một số nhà máy cán thép như: Nhà máy Tôn Hoa Sen, thép tấm lá Thống Nhất, thép tấm lá Phú Mỹ, thép Posco VN đang hoạt động tại KCN Phú Mỹ I, II nằm gần khu dân cư. Mặc dù các nhà máy đã đầu tư hệ thống xử lý chất thải và một số nhà máy đã đầu tư hệ thống quan trắc tự động khí thải và truyền số liệu về trung tâm quản lý của tỉnh. Tuy nhiên, hoạt động của các nhà máy thép vẫn còn nhiều nguy cơ tiềm ẩn gây ô nhiễm môi trường, nhất là hoạt động xả thải khí thải và đang gây ra nhiều vấn đề môi trường không khí xung quanh trong thời gian qua.
Còn ở Khu vực Cửa Lấp, nơi giáp ranh giữa TP. Vũng Tàu và huyện Long Điền (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu), là một nhánh của sông Dinh, chảy qua TP. Vũng Tàu, huyện Long Điền rồi đổ ra biển. Đây là khu vực có ý nghĩa quan trọng đối với sinh hoạt cũng như hoạt động sản xuất của tỉnh và là khu vực tiếp giáp với bãi biển của các khu du lịch TP .Vũng Tàu. Tuy nhiên, thời gian qua khu vực này đang bị đe dọa nghiêm trọng bởi tình trạng ô nhiễm do nguồn nước thải chưa qua xử lý của các cơ sở chế biến hải sản.
Theo thống kê, trong năm 2018 khu vực Cửa Lấp có 131 cơ sở chế biến hải sản, trong đó có 33 cơ sở cấp tỉnh quản lý, 98 cơ sở thuộc cấp huyện quản lý. Trong năm 2018, các ngành chức năng các cấp đã nỗ lực tập trung thực hiện nhiều giải pháp bảo vệ môi trường tại khu vực nên tình trạng ô nhiễm môi trường do hoạt động chế biến hải sản khu vực này đã được cải thiện. Tuy nhiên, đến nay vẫn còn một số cơ sở quy mô nhỏ, hộ gia đình chưa có giải pháp xử lý nước thải nên nước thải chưa qua xử lý vẫn đang được thải ra môi trường.
Ngoài ra, đối với Khu vực Tân Hải (Thị xã Phú Mỹ) cũng đang có nguy cơ ô nhiễm môi trường rất cao, bởi hiện có 09 cơ sở chế biến hải sản đang hoạt động, trong đó có 03 cơ sở chế biến surimi, 06 cơ sở chế biến bột cá. Mặc dù, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã có nhiều giải pháp tăng cường quản lý, giám sát hoạt động sản xuất của các cơ sở thuộc khu vực, song nguy cơ ô nhiễm môi trường vẫn còn rất cao.
Tăng cường các giải pháp
Để triển khai có hiệu quả Kế hoạch thực hiện các giải pháp, nhiệm vụ để phòng ngừa, cải thiện và khắc phục ô nhiễm tại các điểm nóng môi trường trên địa bàn tỉnh trong năm 2019, UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu yêu cầu các Sở, ngành, địa phương tiếp tục quán triệt trong toàn hệ thống chính trị thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp về bảo vệ môi trường theo tinh thần Chỉ thị số 27-CT/TU ngày 23/3/2018 về công tác quản lý, bảo vệ môi trường; khẩn trương xây dựng kế hoạch cụ thể của đơn vị để thực hiện các nhiệm vụ được giao.
Trong đó, các Sở ngành, địa phương cần tập trung bảo vệ nghiêm ngặt các nguồn cấp nước sinh hoạt; chú trọng tăng cường công tác phòng ngừa, cải thiện, khắc phục ô nhiễm đối với hoạt động nông nghiệp; đẩy mạnh công tác quản lý, thu gom, xử lý chất thải rắn; tăng cường công tác bảo vệ môi trường trong khu dân cư, đô thị; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường… trên địa bàn tỉnh.
Về tình trạng ô nhiễm môi trường do hoạt động chăn nuôi gây ra, cần xây dựng kế hoạch điều chỉnh quy hoạch tổng thể phát triển ngành chăn nuôi và quy hoạch vùng chăn nuôi, giết mổ, chế biến và tiêu thụ gia cầm tập trung trên địa bàn tỉnh, nhằm bảo đảm việc chăn nuôi thành vùng tập trung, không gây ảnh hưởng đến thượng nguồn các hồ cấp nước; đồng thời thực hiện một số chính sách hỗ trợ, khuyến khích các cơ sở chăn nuôi… di dời hoặc chuyển đổi ngành nghề sản xuất để chủ động phòng chống dịch bệnh và bảo vệ môi trường.
Cùng với đó, cần siết chặt việc cấp phép cho các dự án chăn nuôi, đặc biệt là những dự án chăn nuôi có nguy cơ ảnh hưởng đến các hồ cấp nước sinh hoạt; kịp thời ngăn chặn, xử lý ngay từ đầu các cơ sở chăn nuôi xây dựng tự phát, không phù hợp quy hoạch, không đảm bảo các yêu cầu về bảo vệ môi trường, khai thác sử dụng tài nguyên nước và xả thải vào nguồn nước không phép…
Về hoạt động của Khu xử lý chất thải tập trung Tóc Tiên và hoạt động của các nhà máy luyện, cán thép tại KCN Phú Mỹ I, II; UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cũng giao cho các ngành, địa phương cần tăng cường kểm tra, giám sát chặt chẽ việc lưu giữ và xử lý chất thải; thành lập và triển khai hoạt động của các tổ tự quản về bảo vệ môi trường để việc giám sát được chặt chẽ hơn; yêu cầu các nhà máy phải xây dựng kế hoạch phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường…
UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu còn yêu cầu các ngành chức năng đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật, nâng cao nhận thức cho doanh nghiệp và các tầng lớp nhân dân về công tác bảo vệ môi trường; tập trung kiểm tra thường xuyên, đột xuất tại các điểm nóng về môi trường để kịp thời đề xuất xử lý các cơ sở vi phạm theo quy định. Đặc biệt, UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã quy định rõ trách nhiệm đối với từng cơ quan, ban ngành. Theo đó, các Sở, ngành, địa phương sẽ phải chịu trách nhiệm trước UBND tỉnh nếu để xảy ra sự cố, gây ô nhiễm môi trường đối với các nhiệm vụ được giao quản lý và thực hiện.