Bà Rịa – Vũng Tàu: Tăng cường quản lý và sử dụng hợp lý tài nguyên biển

Linh Nga| 17/10/2020 22:11

(TN&MT) - Với lợi thế về tài nguyên biển, thời gian qua, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu luôn đặt biển vào vị trí quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế.

Tàu có trọng tải lớn cập Cảng Quốc tế Cái Mép – Thị Vải

Theo đó, tỉnh đã và đang tập trung thực hiện nhiều giải pháp về quản lý, khai thác hiệu quả tài nguyên biển; đồng thời dành nhiều nguồn lực đầu tư, đẩy mạnh thu hút các dự án lớn, góp phần phát triển kinh tế biển theo hướng bền vững…

Bà Rịa - Vũng Tàu có diện tích tự nhiên là 1.980,98 km², trong đó vùng ven biển và hải đảo có diện tích 1.571,3 km², chiếm 79% diện tích toàn tỉnh. Với lợi thế về diện tích biển, bờ biển, Bà Rịa - Vũng Tàu hội tụ nhiều tiềm năng để phát triển các ngành kinh tế biển như, khai thác cảng biển và vận tải biển, khai thác và chế biến hải sản, phát triển du lịch nghỉ dưỡng và tắm biển…

Ông Lê Tuấn Quốc, Phó chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu cho biết: Những năm qua, với việc quyết tâm thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Trung ương 4 (khóa X) và Chương trình hành động của Tỉnh ủy tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu về “Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020”, UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành và địa phương tập trung khai thác, tận dụng những lợi thế về vị trí gần biển và tài nguyên biển phong phú để xây dựng các trung tâm dịch vụ logistic, phát triển mạnh hệ thống cảng; đẩy mạnh phát triển dịch vụ du lịch, với các loại hình du lịch biển đa dạng, phong phú…

Theo đó, đến nay hiệu quả hoạt động của hệ thống cảng đang ngày càng được nâng lên, tổng công suất khai thác của hệ thống cảng năm 2020 ước đạt 75 triệu tấn/năm; công suất khai thác cảng tăng từ 40% năm 2015 lên 53% năm 2020, trong đó hàng container bằng tàu biển đạt bình quân 2,93 triệu TEU/năm, tăng 23%/năm. Hệ thống cảng Cái Mép – Thị Vải trở thành cảng đầu tiên của Việt Nam và là cảng thứ 19 của thế giới đón được tàu mẹ siêu lớn với trọng tải đến 194.000 DWT. Hiện nay, tổng số cảng biển đang hoạt động trên địa bàn tỉnh là 48/69 cảng, tổng công suất thiết kế đạt 155,7 triệu tấn/năm, trong đó có 07 dự án cảng container lớn với công suất 6,8 triệu TEUS/năm.

Bà Rịa – Vũng Tàu sẽ tập trung khai thác, phát triển du lịch nghỉ dưỡng và tắm biển

Bên cạnh đó, dịch vụ hậu cần cảng, logistics cũng đã có những chuyển biến tích cực, hiện có 30 dự án kho bãi, logistics chuyên dùng đang hoạt động và đang xây dựng với diện tích 266ha đã góp phần tạo sự sôi động và lan tỏa trong ngành. Theo đó, doanh thu dịch vụ vận tải, kho bãi và dịch vụ hỗ trợ vận tải ước tăng 3,53%/năm; doanh thu dịch vụ cảng ước tăng 9,69%/năm.
 
Đối với dịch vụ du lịch, từ năm 2016 đến nay các doanh nghiệp đã đưa vào khai thác kinh doanh 15 sản phẩm du lịch, 20 tour và 33 tuyến du lịch mới đã góp phần đa dạng hóa các loại hình du lịch trên địa bàn tỉnh.
Tổng số cơ sở lưu trú trên địa bàn tỉnh đến nay là 1.177 cơ sở, trong đó số cơ sở xếp hạng từ đạt chuẩn đến 5 sao là 470 cơ sở với 12.660 phòng; 462 căn hộ trong các tòa nhà chung cư kinh doanh phục vụ khách du lịch với khoảng 1.400 phòng, lượng khách có lưu trú tăng bình quân 7,39%/năm; khách quốc tế có lưu trú tăng bình quân 0,68%/năm. Doanh thu dịch vụ du lịch lữ hành ước tăng 12,22%/năm ; doanh thu dịch vụ lưu trú ước tăng 6,9%/năm.

Về định hướng trong thời gian tới, Phó chủ tịch UBND tỉnh Lê Tuấn Quốc khẳng định:  Bà Rịa – Vũng Tàu luôn xác định phải phát triển kinh tế biển phải theo hướng bền vững, trên cơ sở tài nguyên biển và hải đảo được quản lý, bảo vệ, khai thác, sử dụng hợp lý, hiệu quả, bền vững theo chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ chủ quyền quốc gia, bảo đảm quốc phòng, an ninh. Vì vậy, việc thu hút đầu tư được ưu tiên lựa chọn công nghệ hiện đại; đồng thời sử dụng tiết kiệm tài nguyên, năng lượng, đất đai và thân thiện với môi trường.

Bên cạnh đó, UBND tỉnh sẽ tiếp tục chỉ đạo các sở, ngành và địa phương tập trung khai thác, phát triển các ngành kinh tế biển như, khai thác cảng biển và vận tải biển, khai thác và chế biến hải sản, phát triển du lịch nghỉ dưỡng và tắm biển;  phát triển kết cấu hạ tầng biển, ven biển và đô thị ven biển; Tăng cường bảo vệ môi trường, bảo tồn, phát triển bền vững đa dạng sinh học biển; chủ động ứng phó với BĐKH, nước biển dâng và phòng, chống thiên tai; huy động nguồn lực, khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư cho phát triển bền vững biển; bảo đảm quốc phòng, an ninh và mở rộng hợp tác quốc tế.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bà Rịa – Vũng Tàu: Tăng cường quản lý và sử dụng hợp lý tài nguyên biển
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO