Bà Rịa – Vũng Tàu: Tăng cường quản lý, bảo vệ môi trường tại các khu công nghiệp

Linh Nga| 02/12/2021 09:49

(TN&MT) - Bà Rịa - Vũng Tàu là một trong những địa phương có tốc độ công nghiệp nhanh so với cả nước. Để giảm thiểu những ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường do tác động của quá trình phát triển, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã và đang tập trung kiểm soát chặt việc xả thải của các cơ sở đang hoạt động trong các khu công nghiệp (KCN) trên địa bàn tỉnh.

Kiểm soát chặt nguồn thải

Ông Đặng Sơn Hải, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho biết: Hiện nay, toàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu có 15 KCN được thành lập, tổng diện tích 8.510ha. Trong đó, có 13/15 KCN đã đi vào hoạt động chính thức. Tổng lượng nước thải phát sinh trung bình khoảng 45.000m3/ngày đêm. Trong đó, tất cả 13 KCN đều đã được đầu tư hệ thống xử lý nước thải tập trung.

Bên cạnh đó, trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cũng có 4 cụm công nghiệp (CCN) đã đi vào hoạt động, tổng lượng nước thải phát sinh trung bình khoảng 1.350m3/ngày đêm. Tất cả 4 CCN đều được đầu tư hệ thống xử lý nước thải tập trung, trong đó 1 CCN đã đầu tư hệ thống quan trắc tự động nước thải; 3 CCN còn lại đang được yêu cầu đầu tư theo quy định tại Nghị định số 40/2019/NĐ-CP.

 100% lượng nước thải phát sinh tại các KCN trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đều được thu gom, xử lý theo quy định.

Ông Đặng Sơn Hải cho hay: Đối với việc kiểm soát các nguồn thải khí thải, tính đến nay, các cơ sở thuộc loại hình luyện thép, sản xuất giấy, đạm, xi măng, hóa chất… đã đầu tư trạm quan trắc tự động khí thải và truyền số liệu về Trung tâm Quản lý của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu để theo dõi, quản lý; đồng thời, các nhà máy phát sinh khí thải cũng đã đầu tư công trình thu gom, xử lý khí thải theo quy định.

Còn đối với quản lý chất thải rắn công nghiệp, trong đó, chất thải rắn công nghiệp thông thường chủ yếu là xỉ thép, tạp chất từ phế liệu thép nhập khẩu, xỉ than đá, bùn thải từ trạm xử lý nước thải tập trung... với khối lượng khoảng 1.285 tấn/ngày, riêng xỉ thép khối lượng khoảng 1.230 tấn/ngày, hiện nay đang được thu gom, chuyển giao cho các đơn vị có chức năng trên địa bàn tỉnh xử lý; một phần được vận chuyển sang các tỉnh khác để xử lý đúng các quy định hiện hành.

Đối với xử lý chất thải công nghiệp nguy hại, khối lượng phát sinh khoảng 204 tấn/ngày (không tính bụi lò thép), hiện đang có 7 đơn vị được cấp phép hoạt động theo quy định với tổng công suất xử lý theo giấy phép khoảng 281 tấn/ngày, đáp ứng xử lý được khối lượng chất thải nguy hại phát sinh trên địa bàn tỉnh. Riêng bụi lò luyện thép, hiện có dự án xử lý bụi lò luyện thép của Công ty Zinc Oxide công suất xử lý 100.000 tấn/năm tại KCN Phú Mỹ 3 đã được đưa vào vận hành từ tháng 9/2019, công suất đáp ứng xử lý được khối lượng bụi lò phát sinh trên địa bàn tỉnh.

Cũng theo ông Đặng Sơn Hải, tính đến nay, công tác thống kê, kiểm soát các nguồn thải, nhất là các nguồn thải lớn từ các KCN, CCN đang hoạt động trên địa bàn tỉnh đã được giám sát theo quy định. Tuy vậy, việc kiểm soát và xử lý triệt để vẫn còn gặp nhiều khó khăn và bị động. Điển hình là hoạt động của các nhà máy thép vẫn còn nhiều nguy cơ tiềm ẩn gây ô nhiễm môi trường, nhất là xả thải khí thải đã và đang gây ra nhiều vấn đề đối với môi trường không khí xung quanh.

Đẩy mạnh các giải pháp

Ông Đặng Sơn Hải, Phó Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho biết: Thời gian qua, Sở TN&MT đã triển khai nhiều giải pháp về BVMT. Cụ thể, Sở TN&MT đã tăng cường phổ biến, giáo dục pháp luật, nâng cao nhận thức về BVMT cho các cơ sở sản xuất công nghiệp, chủ đầu tư hạ tầng các KCN, CCN trên địa bàn tỉnh; đồng thời, Sở TN&MT còn tăng cường rà soát, tham mưu điều chỉnh, ban hành các thủ tục hành chính về môi trường theo hướng cụ thể hóa các quy trình, thủ tục và rút ngắn thời gian thực hiện các hồ sơ, thủ tục về môi trường.

Các KCN ở Bà Rịa - Vũng Tàu sẽ không thu hút đầu tư những loại hình sản xuất có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao.

Cùng với đó, Sở TN&MT còn chủ động phối hợp với các Sở, ngành tham mưu sàng lọc, ưu tiên lựa chọn các dự án sử dụng công nghệ hiện đại, ít phát sinh chất thải, kiên quyết không tiếp nhận các dự án có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao, sử dụng công nghệ lạc hậu và tiêu hao nhiều nguyên, nhiên liệu, tác động lớn đến môi trường; tổ chức thẩm định hồ sơ, thủ tục về môi trường một cách chặt chẽ, chính xác, có hiệu quả; tăng cường thanh, kiểm tra sau khi dự án đi vào hoạt động, phát hiện và xử lý nghiêm các cơ sở vi phạm về xả thải gây ô nhiễm môi trường. Qua đó, nâng cao hiệu quả công tác BVMT trong các KCN, CCN trên địa bàn tỉnh.

Ông Đặng Sơn Hải cho rằng: Để kiểm soát và xử lý triệt các nguồn thải lớn trong các KCN, CCN đang hoạt động trên địa bàn tỉnh, Sở TN&MT cùng các Sở, ngành và địa phương có liên quan sẽ tiếp tục triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp BVMT theo tinh thần của Chỉ thị số 27-CT/TU ngày 23/3/2018 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bà Rịa - Vũng Tàu về công tác quản lý, BVMT trên địa bàn tỉnh; đồng thời, tổ chức thực hiện quyết liệt, có trách nhiệm các nhiệm vụ được giao tại Quyết định số 2029/QĐ-UBND ngày 27/7/2018 của UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu về Kế hoạch thực hiện Chỉ thị số 27-CT/TU theo phân công, phân cấp.

Bên cạnh đó, Sở TN&MT tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu sẽ cùng với các Sở, ban, ngành, đơn vị có liên quan và UBND các huyện, thị xã, thành phố tiếp tục tổ chức triển khai thực hiện các nhiệm vụ về BVMT đã được giao tại Văn bản số 15529/UBND-VP ngày 17/11/2021 của UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu về việc tăng cường kiểm soát việc xả thải của các cơ sở đang hoạt động trong các KCN trên địa bàn tỉnh.

Theo đó, Sở TN&MT tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu và Ban Quản lý các Khu công nghiệp tỉnh sẽ tiếp tục yêu cầu các cơ sở sản xuất kinh doanh thực hiện vận hành thường xuyên và liên tục các hệ thống xử lý chất thải và thực hiện các cam kết BVMT đã được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phê duyệt; xây dựng Kế hoạch ứng phó sự cố chất thải theo quy định tại Quyết định 09/2020/QĐ-TTg ngày 18/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ về ban hành Quy chế ứng phó sự cố chất thải.

Song song đó, Sở TN&MT tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cũng sẽ tiếp tục làm việc cụ thể với các doanh nghiệp phát sinh nguồn khí thải lớn, thường xuyên xảy ra sự cố môi trường trong thời gian qua về kế hoạch đầu tư hoàn thành hệ thống quan trắc tự động khí thải, lắp đặt camera giám sát ống khói xả thải và truyền số liệu, hình ảnh về Trạm Trung tâm Quan trắc Tài nguyên và Môi trường tỉnh theo đúng quy định.

Ngoài ra, Sở TN&MT sẽ phối hợp với các địa phương rà soát, đánh giá và nâng cao hiệu quả hoạt động của các Tổ giám sát cộng đồng trong việc kịp thời phát hiện việc xả thải không đúng quy định của các doanh nghiệp, kịp thời ngăn chặn, xử lý vi phạm; rà soát tình hình tiếp nhận, xử lý dữ liệu quan trắc tự động, vai trò phát hiện kịp thời các hành vi xả thải trái quy định, các sự cố môi trường xảy ra trong thời gian qua của Trạm Trung tâm Quan trắc Tài nguyên và Môi trường...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bà Rịa – Vũng Tàu: Tăng cường quản lý, bảo vệ môi trường tại các khu công nghiệp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO