Giám sát chặt nguồn thải
Theo báo cáo của UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, hiện nay các nguồn thải nước thải chính được phát thải vào vùng nước sông Thị Vải trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu chủ yếu tập trung từ các khu công nghiệp (KCN), cụm công nghiệp (CCN), nước thải sinh hoạt của một số Cảng dọc khu vực Thị Vải và nước thải sinh hoạt từ đô thị Phú Mỹ.
Theo đó, tổng lượng nước thải phát sinh khoảng 59.390 m³/ngày, trong đó nước thải công nghiệp khoảng 41.290 m³/ngày, nước thải sinh hoạt khoảng 18.100 m³/ngày. Để kiểm soát được nguồn nước thải phát sinh từ các hoạt động công nghiệp và sinh hoạt, nhằm bảo vệ môi trường đối với vùng nước lưu vực sông Thị Vải, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã chỉ đạo triển khai nhiều giải pháp để thực hiện.
Cụ thể, hiện nay trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu có 8 KCN và 2 CCN đang hoạt động có nguồn thải nước thải vào sông Thị Vải. Do đó, để kiểm soát lượng nước thải phát sinh từ hoạt động của các KCN, CCN, UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã chỉ đạo các chủ đầu tư hạ tầng KCN, CCN phải đầu tư hệ thống xử lý nước thải theo đúng quy định.
Bên cạnh đó, còn phải đầu tư lắp đặt hệ thống quan trắc tự động nước thải. Tính đến nay có 8/8 KCN và 2 CCN đã đầu tư xây dựng hoàn chỉnh hệ thống xử lý nước thải tập trung để thu gom, xử lý nước thải đạt chuẩn trước khi thải ra sông Thị Vải; có 4/8 KCN và 01 CCN đã hoàn thành hệ thống quan trắc và truyền số liệu về Trung tâm Điều hành tại Sở TN&MT để được theo dõi và quản lý.
Đối với 03 KCN còn lại chưa có đủ nước thải để vận hành hệ thống xử lý nước thải và hệ thống quan trắc tự động, 01 KCN đang trong giai đoạn hoàn thiện hệ thống quan trắc tự động, 01 CCN có lượng nước thải phát sinh ít nên không thuộc đối tượng phải đầu tư hệ thống quan trắc.
UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cũng đã yêu cầu 06 cơ sở sản xuất có lưu lượng nước thải từ 100 m³/ngày trở lên phải đầu tư hệ thống xử lý nước thải và hệ thống quan trắc tự động. Hiện có 6/6 cơ sở sản xuất đã đầu tư hoàn thiện hệ thống xử lý nước thải và có 5/6 cơ sở đã lắp đặt quan trắc tự động…
Đồng thời, để thu gom, xử lý nước thải đô thị mới ở thị xã Phú Mỹ, đảm bảo quy chuẩn môi trường trước khi xả thải ra sông Thị Vải; UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã ban hành Quyết định số 1982/QĐ-UBND về việc phê duyệt Dự án đầu tư xây dựng công trình thu gom, xử lý và thoát nước khu đô thị mới Phú Mỹ.
Theo đó, nội dung chính của Dự án trên là triển khai đầu tư 01 nhà máy xử lý nước thải tập trung có công suất khoảng 29.700 m³/ngày cùng mạng lưới thu gom nước thải có tổng chiều dài khoàng 123 km. Hiện Dự án đã được Bộ TN&MT phê duyệt báo cáo tác động môi trường; các công việc liên quan đến Dự án đang được triển khai...
Bên cạnh đó, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã thực hiện quan trắc hiện trường lấy mẫu phân tích định kỳ nước mặt với tần suất 6 lần/năm tại 10 vị trí trên vùng nước sông Thị Vải và quan trắc hạ lưu dòng Thị Vải 12 lần/năm. Kết quả quan chắc cho thấy, chất lượng nước mặt sông Thị Vải trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu giai đoạn từ 2014 - 2018 so với Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước mặt QCVN 08-MT: 2015/BTNMT (loại B) đã được cải thiện, cơ bản phục hồi tốt.
UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu còn thành lập Tổ Kiểm tra chuyên ngành về môi trường để kiểm tra, giám sát đột xuất công tác bảo vệ môi trường tại các cơ sở sản xuất kinh doanh, nhất là các cơ sở có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao như: luyện phôi thép, sản xuất thép, hóa chất, xử lý chất thải… Trong năm 2018, Tổ Kiểm tra đã thực hiện 92 lượt đối với 70 cơ sở sản xuất, kinh doanh, qua đó kịp thời chấn chỉnh, yêu cầu các cơ sở khắc phục vi phạm, thực hiện đúng quy định bảo vệ môi trường.
Triển khai nhiều giải pháp
Theo UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, để bảo đảm các nguồn thải vào dòng Thị Vải phù hợp với sức chịu tải của vùng nước; đồng thời, nhằm ngăn ngừa tái ô nhiễm môi trường nước sông Thị Vải, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã có chủ trương thu hút đầu tư có chọn lọc, theo đó sẽ lựa chọn các dự án đầu tư thân thiện với môi trường, có giải pháp bảo vệ môi trường nghiêm ngặt để phù hợp với điều kiện chất lượng môi trường và công tác quản lý của tỉnh.
Đồng thời, tăng cường công tác kiểm soát các nguồn phát sinh nước thải, khí thải với việc sớm hoàn thành Dự án “Điều tra, phân loại các nguồn thải và xây dựng công cụ hỗ trợ quản lý, kiểm soát ô nhiễm trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu” để thông kê, hệ thống các nguồn thải, đánh giá thực trạng xả thải, xây dựng công cụ quản lý nguồn thải phục vụ hiệu quả cho công tác quản lý, kiểm soát ô nhiễm.
Bên cạnh đó, yêu cầu các KCN, CCN, cơ sở đã đầu tư hệ thống quan trắc tự động sớm hoàn thành việc kết nối, truyền dữ liệu về Trung tâm Điều hành của tỉnh để được theo dõi, quản lý; tiếp tục rà soát, yêu cầu các cơ sở theo quy định của pháp luật đầu tư lắp đặt quan trắc tự động nước thải, khí thải và truyền số liệu quan trắc.
Ngoài ra, phối hợp với Cục Bảo vệ Môi trường miền Nam thanh tra, kiểm tra về bảo vệ môi trường đối với các chủ đầu tư hạ tầng KCN, CCN, cơ sở sản xuất có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao trên địa bàn tỉnh; đôn đốc chủ đầu tư hoàn thành Nhà máy xử lý bụi lò để chủ động xử lý, góp phần quản lý hiệu quả dòng chất thải bụi lò phát sinh từ hoạt động của các Nhà máy luyện thép trên địa bàn tỉnh.
Cũng theo UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, để bảo đảm khai thông dòng chảy, tăng khả năng tự làm sạch của sông cũng như tạo điều kiện thuận lợi cho tàu có trọng tải lớn ra vào các cảng trên sông Thị Vải, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã triển khai 10 dự án nạo vét trên sông Thị Vải với khối lượng bùn nạo vét khoảng 1,12 triệu m³.
Trong đó, có 08 dự án nạo vét duy tu vùng nước trước bến cảng trên dòng Thị Vải với khối lượng nạo vét khoảng 664.000 m³. Tuy nhiên, do vướng một số quy định về hồ sơ nên đến nay tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu chưa thực hiện được dự án nạo vét trên sông Thị Vải.
Do đó, để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan đến việc xử lý khối lượng vật chất nạo vét cho các cảng trên địa bàn tỉnh, UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã chỉ đạo các ngành chức năng và các địa phương thực hiện giải pháp lưu chứa tạm thời vật chất nạo vét trên bờ của các Cảng đến năm 2020.
Tuy nhiên, việc lưu chứa phải đảm bảo được điều kiện như: Vị trí lưu chứa vật chất nạo vét và vị trí nạo vét tạo Cảng phải có đặc điểm môi trường tương đồng nhau (ven bờ, cùng môi trường nước), khu vực bị xói lở, có nhu cầu san lấp; thực hiện đầy đủ các thủ tục về môi trường, đảm bảo an toàn hàng hải và các thủ tục khác có liên quan được cơ quan có thẩm quyền thẩm định và phê duyệt theo đúng quy định.
Trong đó, đặc biệt lưu ý đến biện pháp bảo vệ môi trường, ứng phó, khắc phục các sự cố môi trường trong quá trình nạo vét tại các Cảng và lưu chứa vật chất nạo vét tại vị trí khu vực chứa tạm. Trong thời gian lưu chứa tạm vật chất nạo vét, các doanh nghiệp khẩn trương liên hệ các cấp có thẩm quyền để được hướng dẫn và thực hiện đầy đủ các thủ tục nhận chìm vật chất nạo vét ngoài biển theo đúng quy định.
Đặc biệt, lưu vực hệ thống sông Đồng Nai được xác định có phần lưu vực của sông Thị Vải trên địa bàn tỉnh. Do đó, ngoài việc triển khai Đề án bảo vệ môi trường lưu vực hệ thống sông Đồng Nai, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu sẽ tiếp tục phối hợp với các tỉnh, thành phố trong lưu vực sông Đồng Nai triển khai quản lý nhà nước về tài nguyên nước, khoáng sản và bảo vệ môi trường vùng giáp ranh giữa các địa phương theo Quy chế số 37/QCPH ngày 06/01/2017.