Ảnh minh họa |
Theo đó, mức giá tối đa áp dụng kể từ ngày 01/01/2020 đến hết ngày 31/12/2023 được chia ra làm 5 chủ nguồn thải, tương ứng với các huyện, thị xã, thành phố. Trong đó, đối với hộ gia đình từ 25.000 đồng - 50.000 đồng/hộ/tháng; đối với hộ gia đình ở nhà (phòng) trọ từ 15.000 đồng - 25.000 đồng/hộ/tháng; đối với hộ kinh doanh nhỏ lẻ từ 60.000 đồng - 100.000 đồng/hộ/tháng.
Còn đối với trụ sở làm việc cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp từ 120.000 đồng - 200.000 đồng/đơn vị/tháng; đối với công ty, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, bệnh viện, chợ, bến xe, bến tàu, cơ sở kinh doanh dịch vụ, nhà hàng khách sạn, nhà nghỉ, ăn uống, rau, quả, thực phẩm tươi sống từ 410.000 đồng - 460.000 đồng/tấn hoặc từ 193.000 đồng - 210.000 đồng/m3.
UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu yêu cầu UBND các huyện, thị xã, thành phố có trách nhiệm tổ chức xây dựng giá thu hàng năm trên nguyên tắc không vượt mức giá tối đa. Tổng số tiền thu trên tổng số tiền chi cho dịch vụ thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt phải đảm bảo theo lộ trình tổng số tiền thu phải đạt trên 80% tổng số tiền chi (2020); trên 90% (2021); trên 95% (2022) và trên 100% vào năm 2023.
Các địa phương căn cứ giá tối đa được quy định, tổ chức xây dựng giá thu cho dịch vụ thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn phù hợp với lộ trình thu hàng năm; xây dựng phương án thu và tổ chức thu đảm bảo công khai, minh bạch, tiết kiệm, hiệu quả và đúng quy định của pháp luật. Định kỳ hàng năm, báo cáo kết quả thực hiện gửi về Sở Xây dựng, Sở Tài chính để tổng hợp báo cáo UBND tỉnh.
UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cũng yêu cầu Sở Tài chính chủ trì, phối hợp với UBND các huyện, thị xã, thành phố và các cơ quan, đơn vị có liên quan thực hiện điều tiết, phân bổ nguồn kinh phí thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt hàng năm trên cơ sở nguồn kinh phí thu được từ giá dịch vụ trên địa bàn các huyện, thị xã, thành phố.