Bà Rịa – Vũng Tàu: Quản lý các mỏ đá nằm trong vùng nhạy cảm môi trường

06/03/2017 00:00

(TN&MT) - Bà Rịa – Vũng Tàu hiện có 19 mỏ đá nằm trong vùng "nhạy cảm" thì có 4 mỏ chồng lấn với quy hoạch các tuyến giao thông quan trọng và quy hoạch...

 

(TN&MT) - Bà Rịa – Vũng Tàu (BR-VT) hiện có 19 mỏ đá nằm trong vùng “nhạy cảm” thì có 4 mỏ chồng lấn với quy hoạch các tuyến giao thông quan trọng và quy hoạch khu đô thị mới Phú Mỹ. Để đạt được mục tiêu kinh doanh, sản xuất, các chủ mỏ đề xuất nâng công suất khai thác lên 2-3 lần công suất đã được cấp phép. Tuy nhiên, đề xuất này chưa được lãnh đạo tỉnh cho phép.

NHIỀU MỎ ĐÁ NẰM TRONG VÙNG QUY HOẠCH

Theo quy hoạch thăm dò khai thác và sử dụng tài nguyên khoáng sản tỉnh BR-VT giai đoạn 2011-2015, tầm nhìn đến năm 2020 đã được HĐND tỉnh thông qua, UBND tỉnh phê duyệt, trên địa bàn tỉnh BR-VT có 25 điểm mỏ được quy hoạch thăm dò, khai thác đã xây dựng trong đó tập trung chủ yếu trên địa bàn huyện Tân Thành (với số lượng 17 điểm, chiếm diện tích 458,85ha, trữ lượng 87.833.000 m3). Trong số 25 điểm mỏ được quy hoạch, có 19 điểm mỏ phân bố ven các núi Thị Vải – Tóc Tiên và núi Dinh thuộc địa bàn huyện Tân Thành và TP. Bà Rịa, nằm gần các tuyến đường đường giao thông quan trọng như quốc lộ 51, cao tốc dự kiến Biên Hòa – Vũng Tàu, đường Hội Bài – Châu Pha, quốc lộ 56 và tuyến tránh TP. Bà Rịa – Quốc lộ 56. Các điểm mỏ này được Sở TN-MT xếp vào nhóm “nhạy cảm” về cảnh quan môi trường.

Tại đợt kiểm tra mới đây nhất của Sở Xây dựng (tháng 10, tháng 11-2016) cho thấy, nhiều đơn vị khai thác đá không đúng theo thiết kế được phê duyệt và theo quy chuẩn kỹ thuật. Đặc biệt, ở các điểm khai thác đá còn có nguy cơ gây sạt lở. Cụ thể, tại một số vị trí khai thác đá xây dựng ở mỏ Châu Pha của Công ty TNHH MTV Khoáng sản BR-VT đã khai thác vượt cao độ theo giấy phép đến 5m. Mỏ đá xây dựng núi Ông Trịnh của Công ty CP Phước Hòa Fico nhiều vị trí có đá treo trên vách tầng, có nguy cơ sạt lở. Cũng tại mỏ đá này, việc khai thác không bảo đảm về góc nghiêng sườn tầng và chiều cao tầng theo thiết kế, nhiều vị trí có hiện tượng chập tầng, một số vị trí đã bóc phủ vượt ranh theo giấy phép từ 10m-20m. Còn ở phía Tây Nam khu mỏ khai thác đá xây dựng của Công ty TNHH Bình Phương cũng không bảo đảm về góc nghiêng sườn tầng và chiều cao tầng theo thiết kế, có nguy cơ gây sạt lở đường dân sinh hiện hữu ngay sát ranh giới mỏ…

Qua rà soát, trong số 19 điểm mỏ “nhạy cảm” này có 4 điểm nằm trong vùng quy hoạch. Đó là mỏ đá Lô 13 do Công ty TNHH Bình Phương khai thác và một phần phía Tây Bắc mỏ đá Lô 14 do Công ty TNHH khai thác và sản xuất VLXD Thuận Lập khai thác với tổng chiều dài khoảng 770m có dự án đường cao tốc Biên Hòa –Vũng Tàu sẽ đi ngang qua. Mỏ đá xây dựng Lô 8 của Công ty TNHH khai thác và sản xuất đá Hương Phong và mỏ đá xây dựng Long Hương của Công ty CP khoáng sản Vũng Tàu. Đây cũng là 2 mỏ nằm trong khu vực ảnh hưởng khi tuyến tránh QL 56 đi qua. Ngày 19-1-2017, UBND tỉnh có văn bản số 507 đề nghị Công ty TNHH Bình Phương và Công ty TNHH khai thác sản xuất VLXD Thuận Lập tạm dừng hoạt động khai thác đá tại khu vực đoạn tuyến cao tốc Phú Mỹ - Quốc lộ 51 thuộc tuyến đường cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu dự kiến đi ngang qua 2 mỏ đá Lô 13 và Lô 14 – núi Thị Vải, để không làm ảnh hưởng đến việc thi công dự án.

DN XIN NÂNG CÔNG SUẤT KHAI THÁC

Trước thực trạng, các mỏ đá nằm trong vùng quy hoạch các tuyến giao thông quan trọng và chồng lấn với quy hoạch chung đô thị mới Phú Mỹ, các đơn vị khai thác đều xin nâng công suất khai thác để kịp khai thác trước khi các công trình trên thi công. Ông Huỳnh Công Trạch, Giám đốc Công ty TNHH Phương Bình cho rằng, năm 2013, Bộ TN-MT đã có quyết định về việc phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường và dự án cải tạo môi trường cho công ty khai thác chế biến đá lô số 13 công suất 1 triệu m3/năm. Nay công ty xin UBND tỉnh cho phép nâng công suất từ 250.000m3/năm lên 700.000m3/năm là đủ cơ sở để thực hiện.

Còn ông Lục Ích Nguyên, Giám đốc Công ty TNHH kỹ thuật sản xuất vật liệu xây dựng Thuận Lập thì cho rằng, khi phương án thiết kế tuyến tránh cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu chưa được cơ quan chức năng quản lý nhà nước phê duyệt thì để DN tiếp tục sản xuất kinh doanh bình thường theo giấy phép được cấp để tránh thiệt hại cho DN trong sản xuất kinh doanh và tránh thiệt hại cho Nhà nước trong công tác đền bù. Đồng thời, DN này cũng xin thay đổi thiết kế khai thác, khai thác trước phần phạm vi an toàn khu vực, nâng công suất khai thác từ 600.000m3/năm lên 1 triệu m3/năm.

Ông Trần Đình Khoa, Phó Chủ tịch thường trực HĐND tỉnh cho biết, HĐND ghi nhận kiến nghị của các DN và có báo cáo Thường vụ Tỉnh ủy. Tuy nhiên, điều quan tâm nhất của tỉnh là vừa khai thác tài nguyên, vừa bảo đảm an toàn, môi trường, hệ thống cảnh quan.

 

Có 15/19 điểm mỏ đá nằm trong vùng “nhạy cảm” được Sở Xây dựng quy hoạch phân lô khai thác đá từ đầu những năm 1990 và được Bộ Công nghiệp trước đây cấp phép khai thác lần đầu cho các DN từ giai đoạn 1995-1996. Chỉ có 4 mỏ được UBND tỉnh cấp phép sau năm 2006 cho 5 DN. Đến năm 1995, UBND tỉnh chính thức phê duyệt quy hoạch khai thác khoáng sản. Tuy nhiên, tại thời điểm đó chưa có Luật Khoáng sản, hơn nữa các vùng quy hoạch khai thác khoáng sản của tỉnh không có dân cư và chưa có các quy hoạch về giao thông, khu đô thị.

 

Bài & ảnh: Yến Nhi

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bà Rịa – Vũng Tàu: Quản lý các mỏ đá nằm trong vùng nhạy cảm môi trường
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO