Ông Trần Kim Phúc - Phó Chủ tịch UBND huyện Long Điền cho biết, thực hiện Quyết định số 491 ngày 07/3/2017 của UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu về việc ban hành Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu giai đoạn 2016-2020, thời gian qua, các cấp ủy Đảng, chính quyền và người dân huyện Long Điền đã triển khai nhiều hoạt động thiết thực nhằm đạt được 9 tiêu chí theo quy định, hướng đến xây dựng huyện đạt chuẩn NTM vào năm 2020.
Theo đó, đối với tiêu chí về môi trường, ngoài việc tập trung chỉ đạo nâng cao ý thức bảo vệ môi trường cho người dân, vận động người dân phân loại rác thải, thu gom vỏ bao bì thuốc bảo vệ thực vật, xây dựng hầm biogas để tiết kiệm chất đốt trong chăn nuôi…, UBND huyện Long Điền còn tích cực triển khai các giải pháp quản lý, kiểm soát tình trạng ô nhiễm môi trường ở các cơ sở chế biến hải sản.
Cụ thể, UBND huyện Long Điền đã tăng cường phối hợp cùng các ngành chức năng của tỉnh, chỉ đạo cơ quan chuyên môn thuộc huyện, xã, thị trấn thực hiện đồng bộ các giải pháp để hoàn thành tiêu chí về môi trường. Trong đó, tập trung công tác tuyên truyền, phổ biến các quy định pháp luật về bảo vệ môi trường đến từng cơ sở chế biến hải sản; yêu cầu tất cả các cơ sở ký cam kết bảo vệ môi trường; phải đảm bảo tất cả các chất thải phát sinh được thu gom, xử lý theo quy định.
Bên cạnh đó, nghiêm cấm việc thải chất thải chưa xử lý đạt quy chuẩn ra ngoài môi trường; xử lý nghiêm theo quy định các hiện hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường; áp dụng các biện pháp cưỡng chế như đình chỉ hoạt động, niêm phong nhà xưởng, buộc di dời,… để khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường; xác định thời gian phải hoàn thành việc bảo vệ môi trường; tăng cường kiểm tra, giám sát, xử lý triệt để đối với những cơ sở vi phạm về bảo vệ môi trường.
Theo UBND huyện Long Điền, trước khi thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia NTM, trên địa bàn huyện có khoảng 104 cơ sở, hầu hết các cơ sở chế biến hải sản này tập trung ở các xã, thị trấn ven biển như: Thị trấn Long Hải và xã Phước Hưng, Phước Tỉnh, nằm trong khu dân cư, quanh các khu vực Cảng cá Tân Phước, Phước Hiệp thuộc xã Phước Tỉnh, Cảng dịch vụ hậu cần thủy sản Hưng Thái thuộc xã Phước Hưng…
Các cơ sở này chủ yếu có quy mô nhỏ, lẻ, do hộ gia đình, cá nhân làm chủ, hình thành trải qua thời gian dài, từ trước năm 1993; các cơ sở cũng hầu như không xây dựng hệ thống xử lý chất thải đạt quy chuẩn môi trường. Ngoài ra, một số ít cơ sở có đầu tư công trình xử lý chất thải nhưng vận hành không đầy đủ, mang tính chất đối phó với cơ quan quản lý, xả thải chưa qua xử lý gây ô nhiễm môi trường.
Tuy nhiên, đến nay, sau khi thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia NTM, đặc biệt là thực hiện tốt tiêu chí về môi trường, nên hoạt động chế biến hải sản đã được quản lý, kiểm soát tương đối tốt. Hiện nay, hầu hết các cơ sở chế biến hải sản trên địa bàn huyện Long Điền đã đầu tư xây dựng và đưa vào vận hành hệ thống xử lý nước thải theo quy định và có ý thức thực hiện các biện pháp bảo vệ môi trường.
Cũng theo ông Trần Kim Phúc, với những nỗ lực trong công tác bảo vệ môi trường, hiện môi trường sống ở nông thôn ở huyện Long đã có những chuyển biến và được cải thiện đáng kể. Các cơ sở chế biến hải sản gây ô nhiễm môi trường đã được các địa phương trong huyện quan tâm kiểm tra và xử lý kịp thời. Đây không chỉ là tiêu chí quan trọng để các địa phương hoàn thành xây dựng NTM mà còn nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân.
Trong thời gian tới, huyện Long Điền sẽ tiếp tục thực hiện các giải pháp quản lý, kiểm soát hoạt động chế biến hải sản trên địa bàn. Bên cạnh đó, huyện Long Điền cũng sẽ hoàn thiện các thủ tục đầu tư Cụm chế biến hải sản tập trung để di dời các cơ sở ra khỏi khu dân cư nhằm hướng tới môi trường ngày càng xanh - sạch - đẹp, kết hợp hài hòa giữa phát triển kinh tế - xã hội với bảo vệ môi trường, đảm bảo phát triển bền vững.