Xây dựng cơ sở dữ liệu trên nền tảng số
Nhằm bắt nhịp xu hướng số, hướng tới xây dựng nền hành chính điện tử; đồng thời, thực hiện mục tiêu nâng cao sử dụng công nghệ số, nâng cao chất lượng dịch vụ, phục vụ minh bạch hóa, làm hài lòng người dân, doanh nghiệp, góp phần phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương, theo Sở TN&MT, sau khi được sự chấp thuận của UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu tại Quyết định số 3892 ngày 28/12/2018 về việc phê duyệt Báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án xây dựng Atlas Bà Rịa - Vũng Tàu, Sở TN&MT đã tiến hành phối hợp đơn vị tư vấn và thi công để triển khai dự án.
Atlas Bà Rịa - Vũng Tàu được xây dựng trên nền tảng công nghệ thông tin (web, di động). Atlas được cấu trúc thành 6 phần với 18 chủ đề, trong đó có 1 chủ đề giới thiệu chung, 5 chủ đề tự nhiên, 7 chủ đề kinh tế, 4 chủ đề về văn hóa - xã hội. Atlas thể hiện đa ngành, đa lĩnh vực, không gian địa lý từ cấp tỉnh tới cấp xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh. Nội dung của Atlas thể hiện từ tổng quát đến chi tiết, trong đó phản ánh toàn diện và đầy đủ các mặt tự nhiên, lịch sử, nguồn lực, kinh tế, văn hóa, xã hội bằng ngôn ngữ bản đồ...; đồng thời, làm nổi bật các lĩnh vực thế mạnh nằm trong chiến lược phát triển lâu dài của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.
Cụ thể, đối với bản đồ về khoáng sản, Atlas thể hiện rõ đặc điểm địa chất, sự phân bố và quy mô của các loại tài nguyên khoáng sản trong toàn tỉnh; các nội dung về quy hoạch thăm dò, khai thác và sử dụng khoáng sản làm vật liệu thông thường, than bùn trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu giai đoạn 2016 - 2020, tầm nhìn đến 2030. Đối với bản đồ môi trường, Atlas thể hiện các trạm quan trắc môi trường, vị trí quan trắc, các thông số về môi trường nước, không khí, tình trạng môi trường và tình hình xử lý chất thải trong toàn tỉnh, dự án ứng phó biến đổi khí hậu.
Đối với bản đồ hiện trạng sử dụng đất, Atlas thể hiện được sự phân bổ hiện tại tình hình sử dụng đất, qua đó giúp cho công tác quản lý đất đai được thuận lợi và hiệu quả hơn; đồng thời giúp cho các nhà quản lý, lãnh đạo điều chỉnh lại việc phân bổ cơ cấu đất cho phù hợp theo điều kiện tự nhiên kết hợp với các yêu cầu về khoa học kỹ thuật nhằm mục đích sử dụng tài nguyên đất tối ưu, đạt hiệu quả cao nhất.
Đối với bản đồ biến đổi khí hậu, biển và hải đảo, Atlas thể hiện rõ sự ảnh hưởng biến đổi khí hậu đối với con người. Theo đó, các ảnh hưởng được thể hiện trên bản đồ là những gì mà người ta dự đoán sẽ xảy ra khi nhiệt độ trung bình tăng 4 độ C so với nhiệt độ trung bình thời tiền công nghiệp; đồng thời, thể hiện môi trường biển và hải đảo, hành lang bảo vệ bờ biển, vùng bờ, vùng biển và các đảo...
Ông Phạm Huỳnh Quang Hiếu, Giám đốc Trung tâm Công nghệ thông tin (Sở TN&MT tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) cho biết: Mặc dù, nhận được sự hỗ tích cực của các Sở, ngành và các địa phương trong công tác cung cấp tư liệu, dữ liệu để triển khai xây dựng Atlas điện tử, tuy nhiên, việc triển khai xây dựng Atlas điện tử cũng gặp rất nhiều khó khăn, bởi các nguồn dữ liệu ở tất cả các lĩnh vực rất nhiều, khá độc lập với nhau. Vì vậy, mỗi lĩnh vực đòi hỏi phải nghiên cứu kỹ để xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu tối ưu nhất; đồng thời, đảm bảo truy vấn, cập nhật dữ liệu nhanh và chính xác nhất.
“Trước đây, Bà Rịa - Vũng Tàu chưa có một phần mềm nào tập hợp dữ liệu của đa ngành, đa lĩnh vực như Atlas nên việc thu thập các nguồn dữ liệu là hết sức khó khăn. Đặc biệt, hầu hết các bản đồ, hồ sơ, tài liệu trước đây đều là những văn bản giấy, hồ sơ giấy nên khi thu thập xong sẽ phải chuyển hóa toàn bộ sang công nghệ số bằng các phần mềm phiên bản web, phiên bản mobile - iOS và Android” - ông Phạm Huỳnh Quang Hiếu cho biết thêm.
Cũng theo ông Phạm Huỳnh Quang Hiếu, trước đây, khi muốn biết thông tin về tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, người dân phải tìm hiểu từ sách báo, các trang mạng…, với các nguồn này, độ cập nhật thông tin chưa đồng bộ, kịp thời. Nhưng với Atlas điện tử, phạm vi áp dụng rộng nên người dân, doanh nghiệp, nhà quản lý sẽ có một cái nhìn tổng quát về các mặt tự nhiên, lịch sử, nguồn lực, kinh tế, văn hóa, xã hội bằng các dữ liệu số hóa..., chỉ cần có máy tính hoặc điện thoại thông minh có kết nối mạng Internet thì ở bất cứ nơi nào cũng có thể có được nguồn thông tin nhanh, chính xác.
Chẳng hạn, một doanh nghiệp muốn đầu tư dự án tại khu đất trong tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, thay vì trước đây họ phải đi khảo sát thực tế mới biết được địa hình, thổ nhưỡng, khí hậu và các khu vực lân cận ra sao, thì nay họ chỉ ngồi nhà và bằng một vài nhấp chuột trên bản đồ Atlas điện tử, toàn bộ thông tin như: diện tích, số tờ, số thửa, loại đất quy hoạch… đến hình ảnh nhìn từ vệ tinh của khu đất đều được hiển thị.
Atlas điện tử mang lại nhiều tiện ích
Theo đánh giá của các chuyên gia khoa học, Atlas điện tử là một công cụ đắc lực phục vụ cho cải cách hành chính thông qua các chức năng cung cấp thông tin ở bất cứ đâu và tại bất kỳ thời điểm nào về quy hoạch, đất đai, môi trường, xây dựng, số nhà, kinh tế, y tế, giáo dục, văn hóa… theo quy định của pháp luật, góp phần minh bạch thông tin, giảm thời gian, nhân lực và đơn giản việc tiếp cận thông tin. Qua đó, tiết kiệm được thời gian và chi phí cho người dân và cơ quan quản lý Nhà nước, góp phần vào việc thực hiện công tác cải cách hành chính đạt hiệu quả cao hơn. Đặc biệt, sử dụng Atlas điện tử trong tra cứu đất đai sẽ hỗ trợ Sở TN&MT nâng cao chỉ số thành phần tiếp cận đất đai trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.
Atlas còn là một trong các kênh thông tin trực quan, có thể dễ dàng truy cập mọi lúc, mọi nơi, từ đó góp phần quảng bá, giới thiệu hình ảnh về tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu trên tất cả các lĩnh vực, giúp cho bạn bè trong nước và quốc tế hiểu hơn về Bà Rịa - Vũng Tàu để thúc đẩy, mở rộng quan hệ hợp tác, xúc tiến đầu tư, hòa nhập vào sự phát triển kinh tế chung của Việt Nam cũng như khu vực và thế giới, nhất là về các lĩnh vực vốn thế mạnh của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, đó là cảng biển - logistics, phát triển du lịch, công nghiệp, nông nghiệp công nghệ cao...
Ông Nguyễn Văn Hải, Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho rằng: Atlas là phương tiện quản lý rất hiệu quả, góp phần hỗ trợ đắc lực cho công tác quản lý Nhà nước và chỉ đạo, kiểm tra, giám sát để định hướng đầu tư khai thác mọi tiềm năng có hiệu quả, góp phần vào việc phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Cụ thể, đối với công tác quản lý địa giới hành chính, thông qua Atlas, chuyên viên sẽ thực hiện nhanh các thao tác thống kê, tổng hợp dữ liệu, báo cáo theo yêu cầu, chỉ đạo của lãnh đạo. Bởi Atlas đã thể hiện đầy đủ được dữ liệu về địa giới hành chính kết hợp với bản đồ nền, ảnh vệ tinh, chức năng định vị trên các thiết bị di động hỗ trợ xác định vị trí các tuyến địa giới, mốc địa giới nhanh chóng, chính xác.
Còn đối với lĩnh vực môi trường thì dữ liệu về nguồn thải, bãi chôn lấp chất thải được biểu thị trên bản đồ môi trường kết hợp với công cụ, thiết bị giám sát hành trình trên các phương tiện vận chuyển chất thải cũng được thể hiện, sẽ giúp cơ quan có thẩm quyền dễ quản lý, giám sát việc chấp hành quy định pháp luật bảo vệ môi trường của các tổ chức cá nhân. Bên cạnh đó, khi kết hợp mạng lưới thủy hệ với mô hình số độ cao sẽ giúp cơ quan quản lý xây dựng định hướng tuyến xả thải cho các công trình quy mô lớn như: khu - cụm công nghiệp, khu chế xuất - công nghệ cao…, cũng như giám sát việc lập báo cáo đánh giá tác động môi trường.
“Riêng đối với lĩnh vực tài nguyên nước - khoáng sản, thông qua dữ liệu bản đồ địa chính, độ cao, ảnh vệ tinh, dữ liệu tài nguyên nước, khoáng sản, cơ quan quản lý Nhà nước sẽ cân nhắc đưa ra quyết định: có cấp phép hay không, quy mô khai thác, phạm vi ảnh hưởng, thời hạn khai thác; đồng thời, giám sát chặt chẽ quá trình khai thác tài nguyên nước, khoáng sản...”, ông Nguyễn Văn Hải cho biết.