(TN&MT) - Những năm gần đây diện tích đất nông nghiệp (NN) của tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu giảm mạnh và theo quy hoạch sử dụng đất 5 năm kỳ cuối (2016-2020) diện tích đất NN của tỉnh tiếp tục giảm khoảng 13.366 ha so với hiện trạng năm 2015. Theo cảnh báo của các chuyên gia, đất NN giảm sẽ khiến người dân thiếu đất để sản xuất, nghiêm trọng hơn là tiềm ẩn những rủ ro từ biến đổi khí hậu. BR-VT cần nhanh chóng triển khai các giải pháp để ứng phó với diễn biến này.
TIỀM ẨN RỦI RO TỪ BIẾN ĐỔI KHÍ HẬU
Theo thống kê của Sở TN-MT, hiện nay, diện tích đất tự nhiên của tỉnh là 198.952ha, trong đó, đất NN chiếm 137.082ha. Khi so sánh số liệu từ kết quả của 2 đợt tổng kiểm kê đất đai gần đây vào năm 2005 và 2010 của tỉnh cho thấy diện tích đất NN giảm đáng kể do chuyển sang các mục đích đất phi NN. Và theo quy hoạch quản lý đất đai (QLĐĐ) của tỉnh, đến năm 2020 diện tích đất NN của tỉnh là 118.304 ha, chiếm 59,46% tổng diện tích tự nhiên toàn tỉnh. Đối với đất phi NN, theo quy hoạch, đến năm 2020 có 80.360ha, chiếm 40,39% diện tích đất tự nhiên toàn tỉnh. Tính cả thời kỳ 2011-2020 sẽ có 30.099ha đất NN chuyển sang đất phi NN. Theo ông Nguyễn Hữu Lợi, Phó Giám đốc Sở TN-MT, diện tích đất NN giảm là do tốc độ đô thị hóa trên địa bàn tỉnh diễn ra nhanh cùng với việc xây dựng mới các CCN, tiểu thủ công nghiệp; hình thành các khu du lịch, khu vui chơi giải trí; phát triển hạ tầng giao thông. Bên cạnh đó còn có nguyên nhân là tình trạng biển xâm thực đất liền làm cho diện tích đất NN ven biển bị nước biển cuốn trôi. Theo cảnh báo của các chuyên gia, việc thu hẹp dần diện tích đất NN sẽ làm cho người dân mất đất sản xuất, tiềm ẩn nhiều rủi ro từ biến đổi khí hậu như xâm nhập mặn, sạt lở bờ biển, lượng mưa ít dần...
Gia đình ông Nguyễn Đức Cang (25 Ô 2, xã Phước Long Hội, huyện Đất Đỏ) trước đây có khoảng 2ha đất để sản xuất nông nghiệp. Nhưng từ năm 2011, gia đình ông bị thu hồi gần 1ha đất trồng lúa để làm dự án mở đường giao thông nông thôn. Hiện nay, gia đình tôi chỉ còn gần 1 ha đất trồng cây ăn trái và hoa màu. Ông Cang cho biết, những năm gần đây, tình hình kinh tế gia đình tôi khó khăn hơn do không có đất để sản xuất. “Trước đây, sản xuất là công việc chính, đủ trang trải cho cả gia đình. Nhưng nay, tôi phải làm thêm các công việc khác mới đủ nuôi sống gia đình, vợ con”, ông Cang nói.
Ông Huỳnh Hữu Công cho biết, gia đình ông có hơn 17.000m2 đất nông nghiệp ở thôn Trung Nghĩa, xã Nghĩa Thành (huyện Châu Đức) do cha mẹ để lại. Diện tích đất này đã có quyết định thu hồi từ năm 2007 để triển khai dự án Khu công nghiệp - đô thị Châu Đức (KCN-ĐT). Đến nay, đã 10 năm trôi qua, gia đình ông Công vẫn chưa được chủ đầu tư kiểm kê diện tích đất để tiến hành bồi thường theo quy định.
Chị Nguyễn Thị Kim Hương (ấp Bình An, xã Bình Châu, huyện Xuyên Mộc) cho biết, trước đây, từ nhà chị ra đến biển phải hơn 1km. Nhưng 3 năm trước, biển đã “nuốt” hết cả dãy phi lao. Nước biển xâm nhập vào đùng tôm khiến việc nuôi trồng hải sản của gia đình chị gặp khó khăn, chị phải treo đùng và chuyển sang việc khác kiếm sống.
CẦN PHẢI CÓ GIẢI PHÁP THAY THẾ
Theo đánh giá của Sở TN-MT, việc thực hiện KHSDĐ giai đoạn năm 2011-2015 chưa tính toán đầy đủ về hiệu quả kinh tế, xã hội, môi trường nên chưa phát huy được tiềm năng đất đai. Trước thực trạng trên, Sở TN-MT phối hợp với đơn vị tư vấn là Phân viện Quy hoạch và Thiết kế nông nghiệp điều chỉnh KHSDĐ giai đoạn mới 2016-2020 để phù hợp với phương hướng, mục tiêu phát triển KT-XH của tỉnh và từng địa phương. Theo đó, phương án điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất kỳ cuối (2016-2020) vừa được Tỉnh ủy phê duyệt, diện tích đất NN điều chỉnh quy hoạch là 12.432ha, giảm 13.366ha so với hiện trạng năm 2015. Trong cả kỳ điều chỉnh, chuyển từ đất NN sang đất phi NN trong đó đất trồng lúa chuyển 686ha; đất trồng cây hàng năm chuyển 1.959ha; đất trồng cây lâu năm chuyển 6.456ha; đất rừng sản xuất là 17ha; đất rừng phòng hộ là 3.409ha…
Theo ông Nguyễn Hữu Lợi, để hạn chế tác dụng xấu của việc thu hẹp diện tích đất NN, địa phương đang nỗ lực để khắc phục tình trạng đất lâm nghiệp giảm (do chuyển đổi 3.214ha đất lâm nghiệp sang phi NN) tỉnh sẽ khoanh nuôi phục hồi rừng từ đất chưa sử dụng trong lâm phần (khoảng 1.152ha). Ngoài ra, BR-VT đã và đang triển khai các biện pháp khôi phục rừng ngập mặn. Cụ thể, trong năm 2016, tỉnh đã tổ chức trồng được gần 33 ha rừng ngập mặn ở các vùng cửa sông, cảng biển; năm 2017 tỉnh tiếp tục trồng mới 100 ha thuộc các khu vực RNM xã Tân Hòa, Tân Hải và Phước Hoà (huyện Tân Thành) và xã Long Sơn (TP.Vũng Tàu). Ngoài các giải pháp trồng rừng thay thế, trong các dự án mới, tỉnh cũng yêu cầu các chủ dự án đầu tư dành một phần diện tích đất dự án trồng cây xanh. Đối với các dự án du lịch phải dành ra 85% diện tích trồng cây xanh (vì hầu hết các dự án này là du lịch sinh thái), các dự án công nghiệp phải dành ra 20% diện tích cây xanh...
Bàn về các giải pháp khắc phục những rủi ro do diện tích đất NN giảm, ông Nguyễn Hồng Lĩnh, Bí thư Tỉnh ủy yêu cầu, BR-VT cần tập trung đất cho phát triển NN hiện đại, hiệu quả cao và giải quyết vấn đề việc làm và thu nhập của bộ phận nông dân không có đất; phân bổ hợp lý đất đai giữa đất trồng cây lương thực, đất trồng rừng, đất phi công nghiệp, đất dịch vụ, đất chỉnh trang và phát triển đô thị...Đồng thời, rà soát lại quy hoạch, lập lại quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đai phù hợp với yêu cầu mới của quá trình tái cơ cấu NN.
Bài & ảnh: Yến Nhi