Công nghệ chôn lấp tiềm ẩn nhiều rủi ro
Theo báo cáo của Sở TN&MT tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, hiện tại, trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã quy hoạch 3 khu xử lý CTRSH, gồm: Khu xử lý chất thải tập trung Tóc Tiên, thị xã Phú Mỹ; Khu xử lý chất thải tập trung Láng Dài, huyện Đất Đỏ; Khu xử lý chất thải sinh hoạt tại Bến Đầm, huyện Côn Đảo. Việc quy hoạch các khu xử lý CTRSH đã cơ bản đáp ứng được nhu cầu của địa phương, giải quyết phần lớn các vấn đề về môi trường phát sinh trong quản lý, xử lý CTRSH. Tuy nhiên, việc xử lý CTRSH bằng công nghệ chôn lấp hợp vệ sinh không còn phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Bởi, việc chôn lấp CTRSH tiềm ẩn nhiều rủi ro về môi trường, đồng thời, với tốc độ đô thị hóa và gia tăng dân số đang tăng nhanh thì quỹ đất để chôn lấp CTRSH sẽ ngày càng cạn kiệt.
Toàn bộ lượng CTRSH trên đất liền tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu được xử lý tại Công ty TNHH KBec Vina trong Khu xử lý chất thải tập trung Tóc Tiên |
Cũng theo báo cáo của Sở TN&MT tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, hiện nay, tất cả các khu chôn lấp CTRSH trên địa bàn tỉnh đã đóng cửa, bao gồm: Bãi rác Phước Cơ, Láng Dài, Suối Rao, Bưng Riêng, Bình Châu, Gò Cà (trừ khu vực Bãi Nhát, huyện Côn Đảo chưa đóng cửa). Tính tới thời điểm hiện tại, trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu chỉ có 3 dự án xử lý CTRSH được cấp Giấy chứng nhận đầu tư là: dự án của Công ty TNHH KBEC Vina, dự án của Công ty CP Môi trường xanh Bảo Ngọc tại Khu xử lý chất thải tập trung Tóc Tiên, thị xã Phú Mỹ và dự án của Công ty TNHH Green HC tại xã Láng Dài, huyện Đất Đỏ.
Tuy vậy, hiện nay, trên địa bàn tỉnh chỉ có 1 dự án đang hoạt động là dự án của Công ty TNHH KBEC Vina tại Khu xử lý chất thải tập trung Tóc Tiên, với diện tích 38 ha, công suất chôn lấp CTRSH hợp vệ sinh khoảng 950 tấn/ngày (dự án này không áp dụng công nghệ đốt), dự án đã đưa vào hoạt động từ năm 2012, hiện đang thực hiện chôn lấp CTRSH với khối lượng khoảng 920 tấn/ngày cho 7 huyện, thị xã, thành phố trên đất liền của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.
Còn lại 2 dự án được cấp Giấy chứng nhận đầu tư, nhưng vẫn đang trong quá trình xây dựng như: dự án của Công ty TNHH Green HC tại xã Láng Dài, huyện Đất Đỏ, có diện tích sử dụng đất khoảng 20 ha, mục tiêu của dự án sẽ đốt chất thải sinh hoạt với công suất 150 tấn/ngày và dự án của Công ty CP Môi trường xanh Bảo Ngọc tại Khu xử lý chất thải tập trung Tóc Tiên với diện tích khoảng 8 ha, công suất xử lý 500 tấn/ngày, trong đó có dây chuyền tiếp nhận, phân loại, tái chế chất thải rắn sinh hoạt - phân compost.
Ông Đặng Sơn Hải, Phó Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho biết: Khối lượng phát sinh CTRSH trên địa bàn tỉnh hiện đang có xu hướng tăng nhanh, trong khi đó, hiện tại việc thu gom và xử lý CTRSH toàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu chỉ có 1 Công ty TNHH KBEC Vina thực hiện, điều đó rất dễ xảy ra tình trạng quá tải và ô nhiễm môi trường. Bên cạnh đó, theo Chỉ thị số 41/CT-TTg ngày 1/12/2020, Thủ tướng Chính phủ về tăng cường quản lý CTRSH đã yêu cầu các tỉnh, thành phố phấn đấu đến hết năm 2025 giảm tỷ lệ rác thải được xử lý bằng phương pháp chôn lấp trực tiếp xuống dưới 30%. Như vậy, công nghệ chôn lấp CTRSH hợp vệ sinh của Công ty TNHH KBEC Vina chỉ còn phù hợp đến năm 2025.
Lựa chọn công nghệ thân thiện với môi trường
Ông Đặng Sơn Hải, Phó Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho hay: Xác định công tác quản lý, bảo vệ tài nguyên và môi trường trên địa bàn tỉnh đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong sự phát triển bền vững của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Theo đó, ngày 23/3/2018, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bà Rịa - Vũng Tàu đã có Chỉ thị số 27-CT/TU về công tác quản lý, bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh.
Khối lượng phát sinh CTRSH trên địa bàn tỉnh hiện đang có xu hướng tăng nhanh, điều đó rất dễ xảy ra tình trạng quá tải và ô nhiễm môi trường |
Trong đó, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu ưu tiên triển khai thực hiện chuyển đổi hình thức xử lý CTRSH bằng phương pháp chôn lấp hợp vệ sinh sang hình thức xử lý bằng công nghệ đốt, tái chế, phát điện. Mục tiêu đến năm 2021, Bà Rịa - Vũng Tàu sẽ chấm dứt việc chôn lấp CTRSH bằng công nghệ chôn lấp hợp vệ sinh, chuyển sang xử lý bằng công nghệ tái chế thành phân compost, công nghệ đốt kết hợp xử lý khí thải, phát điện, bảo đảm tuân thủ các quy chuẩn kỹ thuật về môi trường.
Ông Đặng Sơn Hải cho rằng, trong thời gian qua, các Sở, ban, ngành chức năng của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã nỗ lực triển khai thực hiện nhiều giải pháp, nhưng đến nay việc thực hiện chuyển đổi hình thức xử lý CTRSH vẫn còn chậm theo chủ trương, kế hoạch của tỉnh. Nguyên nhân chủ yếu là do năng lực của các chủ đầu tư còn hạn chế, đồng thời do ảnh hưởng của tình hình dịch bệnh Covid-19 nên các chủ đầu tư càng gặp khó khăn, dẫn đến tiến độ đầu tư dự án chậm việc thực hiện.
Ngoài ra, việc thực hiện các thủ tục liên quan cho các dự án như: giấy phép xây dựng, thẩm định thiết kế cơ sở… thuộc thẩm quyền giải quyết của các cơ quan Trung ương, nên các chủ đầu tư mất nhiều thời gian thực hiện. Việc đầu tư nhà máy đốt rác phát điện với công nghệ tiên tiến, hiện đại đòi hỏi chi phí rất lớn, nhiều kinh nghiệm, làm chủ công nghệ xử lý chất thải. Song, các tổ chức đăng ký đầu tư nhà máy đốt, tái chế, phát điện vào tỉnh hầu hết chưa chứng minh được năng lực.
Theo ông Đặng Sơn Hải, hiện các dự án xử lý CTRSH bằng công nghệ đốt chưa đi vào hoạt động, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu vẫn tiếp tục giao CTRSH cho Công ty TNHH KBEC Vina chôn lấp hợp vệ sinh. Tuy nhiên, để tiến tới sử dụng những công nghệ thân thiện với môi trường, thực hiện chuyển đổi mô hình xử lý CTRSH từ chôn lấp sang phương pháp đốt, tái chế, theo chủ trương, kế hoạch của tỉnh. Hiện nay, Sở TN&MT đã xây dựng phương án giảm dần và ngưng khối lượng CTRSH giao Công ty TNHH KBEC Vina xử lý bằng công nghệ chôn lấp khi các dự án xử lý bằng công nghệ đốt đi vào hoạt động; đồng thời, yêu cầu Công ty này phải có có lộ trình cụ thể để chuyển mô hình xử lý CTRSH công nghệ đốt, tái chế.
Nhằm tiến tới sử dụng những công nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường tại địa phương, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu giao các Sở, ngành liên quan tiếp tục đẩy mạnh thực hiện kế hoạch chuyển đổi mô hình xử lý CTRSH từ chôn lấp sang phương pháp đốt, tái chế. Theo đó, UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu yêu cầu các Sở, ngành và các đơn vị liên quan căn cứ Quyết định số 463/QĐ-UBND về tiêu chí chọn nhà đầu tư thực hiện dự án nhà máy xử lý CTRSH bằng công nghệ đốt phát phát điện trong Khu xử lý chất thải tập trung Tóc Tiên xây dựng các giải pháp hiệu quả, khả thi để thu hút đầu tư các dự án xử lý CTRSH, phấn đấu lựa chọn được nhà đầu tư trong năm 2021.
Bên cạnh đó, Sở TN&MT tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cũng xây dựng kế hoạch, phối hợp với các cơ quan có liên quan tập trung rà soát, đánh giá toàn diện, cụ thể từng loại hình xử lý, khả năng xử lý của các dự án xử lý CTRSH đã đầu tư trên địa bàn tỉnh, để từ đó có điều chỉnh quy hoạch và thu hút dự án hoặc mở rộng dự án một cách phù hợp; rà soát những doanh nghiệp đã được giao đất trong Khu xử lý chất thải tập trung Tóc Tiên mà không triển khai dự án như cam kết thì sẽ bị thu hồi.
Sở TN&MT tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu sẽ tiếp tục kiên trì thu hút đầu tư chọn lọc, ưu tiên các dự án xử lý CTRSH có quy mô lớn, có công nghệ tiên tiến hiện đại, tạo ra sản phẩm có hàm lượng khoa học và giá trị gia tăng cao, không sử dụng hóa chất độc hại và ít tiêu tốn năng lượng, nhiên liệu, thân thiện với môi trường và sử dụng đất đai tiết kiệm, hiệu quả, bảo đảm phù hợp với quy hoạch của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Đồng thời, Sở TN&MT tiếp tục đồng hành cùng với doanh nghiệp để tháo gỡ khó khăn trong các thủ tục liên quan đến đầu tư dự án xử lý CTRSH…