Bà Rịa - Vũng Tàu đẩy mạnh đo đạc bản đồ và lập hồ sơ địa chính

Bài và ảnh: LINH NGA| 07/04/2020 15:15

(TN&MT) - Đo đạc, lập bản đồ là cơ sở quan trọng cho khâu kê khai đăng ký, lập hồ sơ địa chính và cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ), phục vụ đắc lực trong công tác quản lý Nhà nước về đất đai ở các cấp để góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Nhận thức vai trò quan trọng đó, Sở TN&MT tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã đẩy mạnh việc thực hiện đo đạc bản đồ và lập hồ sơ địa chính nhằm đưa ra cơ sở dữ liệu khoa học chính xác phục vụ cho mục tiêu quản lý, khai thác và sử dụng đất trong toàn tỉnh.

Tập trung xây dựng dữ liệu khoa học

Theo báo cáo của Sở TN&MT tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, trước năm 2001, bản đồ địa chính trên địa bàn tỉnh được đo đạc bằng máy kinh vĩ quang cơ có độ chính xác thấp, thực hiện thủ công chứa đựng nhiều sai số. Đến giai đoạn năm 2001 - 2005, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã thực hiện dự án hoàn chỉnh, số hóa, chỉnh lý cập nhật biến động bản đồ địa chính, nhưng do kinh phí hạn hẹp nên chỉ có một số khu vực là trung tâm các huyện và trung tâm TP. Vũng Tàu được đầu tư kinh phí đo đạc lập bản đồ địa chính số theo hệ tọa độ VN-2000 kinh tuyến trục 107º 45.

Còn toàn bộ khu vực khác trên địa bàn tỉnh chỉ thực hiện việc cập nhật và số hóa nắn chuyển về hệ tọa độ VN-2000. Mặc dù, việc số hóa giúp tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu chuyển được bộ bản đồ địa chính từ dạng giấy sang dạng số, góp phần cho công tác quản lý đất đai được thuận lợi. Tuy vậy, việc dùng nguồn bản đồ được thực hiện theo phương pháp thủ công, cũng như trong quá trình số hóa, nắn chuyển đã tích lũy những sai số về hình thể, đặc biệt, có sự dịch chuyển về mặt tọa độ nên dẫn đến việc cấp GCNQSDĐ còn gặp khó khăn.

Trước tình hình thực tế trên, để có những cơ sở dữ liệu khoa học, bản đồ chính xác phục vụ cho mục tiêu quản lý, khai thác và sử dụng đất trong toàn tỉnh, năm 2012 UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu ban hành Quyết định số 398/QĐ-UBND về việc phê duyệt Dự án xây dựng hệ thống hồ sơ địa chính và cơ sở dữ liệu quản lý đất đai tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Theo đó, UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã giao Sở TN&MT chủ trì triển khai thực hiện đo vẽ chỉnh lý bản đồ địa chính; chuẩn hóa cơ sở dữ liệu địa chính; chuyển đổi hồ sơ địa chính phần thuộc tính sang dạng số bằng phần mềm Vilis 2.0; triển khai thi công công trình đo đạc lập bản đồ phục vụ công tác cấp GCNQSDĐ trụ sở cơ quan, công trình sự nghiệp; đất bãi bồi ven sông ven biển… trên địa bàn tỉnh.

Bà Rịa - Vũng Tàu linh hoạt trong việc đổi nhiều diện tích đất từ đất rừng phòng hộ để thực hiện dự án

Để Dự án được thực hiện đảm bảo tiến độ đề ra, sản phẩm đạt chất lượng, SởTN&MT tỉnh đa triển khai đo đạc, chỉnh lý bản đồ địa chính, lập hồ sơ địa chính, đăng ký cấp GCNQSDĐ. Đồng thời, Sở giao trách nhiệm cụ thể cho từng cơ quan, đơn vị trong việc phối hợp tổ chức thực hiệndự án; xây dựng chi tiết kế hoạch giám sát thi công và tổ chức kiểm tra, thẩm định đánh giá chất lượng, nghiệm thu sản phẩm, sau khi hoàn thành, để bộ bản đồ địa chính, hồ sơ địa chính mới có độ chính xác cao, thay thế bản đồ và hồ sơ địa chính cũ không còn chính xác, tạo điều kiện nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác quản lý Nhà nước về đất đai của các cấp phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong giai đoạn mới.

Theo đó, tính đến hết quý I/2020, trên địa bàn tỉnh đã xây dựng cơ sở dữ liệu địa chính được 49/82 đơn vị hành chính cấp xã. Trong đó, huyện Long Điền 7 xã; TP. Vũng Tàu 17 phường, xã; TP. Bà Rịa 11 phường, xã; TX. Phú Mỹ 10, phường xã … đạt tỷ lệ 60% trên tổng số đơn vị hành chính cấp xã phải xây dựng Cơ sở dữ liệu địa chính cơ sở dữ liệu địa chính; chuyển đổi bộ hồ sơ địa chính phần thuộc tính sang dạng số và tổ chức vận hành phần mềm Vilis 2.0 để quản lý, cập nhật cơ sở dữ liệu địa chính cho 49 đơn vị hành chính cấp xã nêu trên; cung cấp 390 tài khoản cho các phòng đăng ký đất đai tại các địa phương để cập nhật, theo dõi và quản lý.

Xây dựng cơ sở dữ liệu địa chính đạt trên 80%

Ông Lê Ngọc Linh, Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho biết: Công tác đo đạc và lập hồ sơ địa chính không những góp phần đẩy nhanh công tác giao đất, cấp GCNQSDĐ mà còn góp phần hỗ trợ đắc lực cho công tác giải phóng mặt bằng để triển khai các dự án phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Tuy vậy, trên thực tế, công tác đo đạc bản đồ trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu vẫn còn gặp nhiều khó khăn.

Cụ thể, bộ hồ sơ địa chính mặc dù đã được thiết lập đầy đủ, nhưng đến thời điểm hiện nay, nhiều khu vực đã có biến động đất lớn chưa được đo đạc, chỉnh lý kịp thời nên khó khăn trong công tác kê khai đăng ký, cấp GCNQSDĐ và giải quyết các thủ tục hành chính về đất đai. Bên cạnh đó, ở một số khu vực còn vướng mắc về ranh giới, nguồn gốc đất giữa các tổ chức và hộ gia đình, cá nhân chưa được giải quyết dứt điểm; tình trạng các hộ gia đình, cá nhân tự chuyển đổi mục đích sử dụng đất không làm thủ tục đăng ký theo quy định và xây dựng trái phép vẫn còn xảy ra ở một vài địa phương trong tỉnh.

Đẩy nhanh tiến độ thực hiện công tác đo đạc bản đồ địa chính trên địa bàn tỉnh

Ngoài ra, một số trường hợp chủ sử dụng đất không thường trú tại địa phương nên việc liên hệ để thống nhất về ranh giới đo đạc và ký giáp ranh khi đo rất khó khăn, dẫn đến việc chậm trễ thời gian giải quyết hồ sơ đo đạc theo hợp đồng. Bên cạnh đó, hiện số lượng mốc địa chính mất nhiều do trước đây các mốc được bố trí ven các tuyến đường, nhưng đến nay, các tuyến đường đã được đầu tư mở rộng, mốc địa chính thì không được di dời nên khi mở rộng đường giao thông các mốc địa chính bị mất dẫn đến công tác đo đạc diễn ra chậm do phải xác định lại ranh giới…

Cũng theo ông Lê Ngọc Linh, mục tiêu trong năm 2020, sẽ nâng tỷ lệ các đơn vị hành chính cấp xã xây dựng Cơ sở dữ liệu địa chính đạt tỷ lệ trên 80%; đồng thời, phấn đấu hoàn thành công tác xây dựng Cơ sở dữ liệu đất đai vào cuối năm 2021, để đáp ứng công tác quản lý đất đai theo công nghệ số cũng như kịp thời giải quyết các thủ tục hành chính về đất đai.

Để thực hiện tốt mục tiêu đề ra, Sở TN&MT tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu sẽ tập trung triển khai các giải pháp như: Nâng cấp hệ thống hạ tầng công nghệ thông tin, hệ thống mạng kết nối tại Văn phòng Đăng ký đất đai và các Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai để đảm bảo việc truyền tải dữ liệu kịp thời, an toàn, bảo mật thông tin nhằm đảm bảo chất lượng nguồn thông tin được khai thác, sử dụng chính xác, nhanh chóng và kịp thời; tăng cường phối hợp với các cơ quan, đơn vị đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, phổ biến, giáo dục pháp luật về đất đai để người dân tham gia tích cực hơn trong quá trình đo đạc lập bản đồ.

Ngoài ra, Sở TN&MT tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu sẽ bố trí nhân lực kỹ thuật, thiết bị máy móc công nghệ có độ chính xác cao, tuân thủ nghiêm túc quy địnhcủa pháp luậtđể thi công và kiểm tra giám sát công trình theo đúng kế hoạch đề ra, đảm bảo chất lượng tài liệu đo đạc, hồ sơ đăng ký cấp GCNQSDĐ theo quy định hiện hành của Nhà nước.

 

Tính đến hết quý I/2020, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã xây dựng cơ sở dữ liệu địa chính được 49/82 đơn vị hành chính cấp xã, đạt tỷ lệ 60%. Kết quả này cho thấy, công tác đo đạc, lập bản đồ địa chính ở Bà Rịa - Vũng Tàu đang có bước chuyển biến tích cực, góp phần tạo thuận lợi cho công tác quản lý đất đai trên địa bàn tỉnh; đồng thời, tạo tính chủ động, linh hoạt trong việc bố trí nguồn tài nguyên đất để phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

 

 

 

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bà Rịa - Vũng Tàu đẩy mạnh đo đạc bản đồ và lập hồ sơ địa chính
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO