Bà Rịa – Vũng Tàu: Đa dạng các chính sách giảm nghèo bền vững
Nhờ các chính sách giảm nghèo đồng bộ và sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị nên công tác giảm nghèo của tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đã đạt được nhiều kết quả toàn diện, bền vững, đến hết năm 2022 không còn hộ nghèo, hộ cận nghèo theo chuẩn quốc gia.
Đồng bộ các chính sách giảm nghèo
Theo báo cáo của UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, đến cuối năm 2023, tổng số hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều của tỉnh còn 1.139 hộ, chiếm tỷ lệ 0,35% so với tổng số hộ dân, vượt 1,1% so với kế hoạch Nghị quyết HĐND tỉnh đề ra. Trong đó, huyện Côn Đảo và Châu Đức không còn hộ nghèo. Năm 2024, Bà Rịa – Vũng Tàu đặt mục tiêu phấn đấu tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều của tỉnh là 0,32%.
Để đạt kết quả này, trong những năm qua, Bà Rịa – Vũng Tàu đã thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó tỉnh đã xây dựng những chính sách hỗ trợ vượt trội, chú trọng tới việc tạo sinh kế cho hộ nghèo, hộ cận nghèo có điều kiện vươn lên thoát nghèo và từng bước tạo dựng cuộc sống ấm no.
Theo đó, giai đoạn 2022-2025, Bà Rịa-Vũng Tàu đã ban hành chuẩn nghèo của tỉnh về tiêu chí thu nhập cao hơn 1,3 lần chuẩn nghèo Trung ương nhằm mở rộng đối tượng thụ hưởng chính sách. Ngoài việc thực hiện chính sách chung của Trung ương, tỉnh bố trí nguồn lực hợp lý, trọng điểm để thực hiện các chính sách dành cho hộ cận nghèo chuẩn quốc gia, hộ chuẩn nghèo của tỉnh.
Cụ thể, Bà Rịa – Vũng Tàu ban hành các chính sách hỗ trợ cho vay tín dụng ưu đãi, nhân rộng các mô hình giảm nghèo, hỗ trợ về y tế, giáo dục, hỗ trợ về nhà ở, đào tạo nghề tạo việc làm cho người nghèo góp phần tăng thu nhập ổn định đời sống. Ngoài ra, Bà Rịa – Vũng Tàu đã hỗ trợ 100% mua thẻ BHYT, hỗ trợ chi phí học tập, hỗ trợ nhân rộng mô hình giảm nghèo với hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ thoát nghèo trong vòng 3 năm…Mức chuẩn trợ cấp, trợ giúp xã hội cũng được nâng lên 450 ngàn đồng/người/tháng.
Riêng trong năm 2023, Bà Rịa – Vũng Tàu đã giải ngân tổng nguồn vốn cho vay hộ nghèo, hộ cận nghèo hơn 179,6 tỷ đồng. Trong đó, vốn trung ương 65,8 tỷ đồng, nguồn vốn địa phương 113,8 tỷ đồng. Toàn tỉnh có 1.100 hộ nghèo được vay vốn với số tiền hơn 22,8 tỷ đồng; 19.536 hộ nghèo được cấp thẻ BHYT với số tiền 17,3 tỷ đồng; 4.861 hộ nghèo được trợ cấp Tết với số tiền 8,6 tỷ đồng. Cùng với đó, UBMTTQ Việt Nam tỉnh và các hội, đoàn thể cũng đã tích cực huy động nguồn lực chăm lo cho người nghèo.
Nâng cao cuộc sống người dân vùng đồng bào thiểu số
Theo lãnh đạo UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, thời gian qua, các chính sách giảm nghèo đã được triển khai đồng bộ, có sự phối kết hợp chặt chẽ giữa các sở, ngành, tổ chức hội, đoàn thể liên quan. Đặc biệt, bên cạnh các chính sách giảm nghèo bền vững chung, Bà Rịa – Vũng Tàu còn triển khai nhiều giả pháp nâng cao chất lượng các dịch vụ cơ bản về giáo dục, y tế, nhà ở, nước sạch và vệ sinh, thông tin cho nhân dân, đặc biệt là người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số nghèo tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản ngày càng thuận lợi, đầy đủ.
Ông Nguyễn Công Vinh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu cho biết: Năm 2023, ngân sách tỉnh đã bố trí hơn 160 tỷ đồng để hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở, nhà vệ sinh, lắp điện sinh hoạt, nước sinh hoạt; hỗ trợ về văn hóa, giáo dục, phát triển sản xuất, tuyên truyền phổ biến pháp luật và đầu tư cơ sở hạ tầng cho các hộ dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Kết quả, toàn tỉnh đã thực hiện đầu tư 23 công trình giao thông (gồm: 11 công trình đường giao thông tại huyện Xuyên Mộc, 08 công trình đường giao thông tại huyện Châu Đức, 04 công trình đường giao thông tại thị xã Phú Mỹ); xây mới nhà ở 105 căn; sửa chữa 96 căn nhà ở, xây dựng 192 cái nhà tiêu; hỗ trợ nước sinh hoạt cho 145 hộ; hỗ trợ điện sinh hoạt cho 43 hộ; hỗ trợ tập vở sách giáo khoa cho 8.398 em học sinh; hỗ trợ cho 114 hộ đồng bào dân tộc thiểu số là hộ nghèo, hộ cận nghèo và mới thoát nghèo có nhu cầu chăn nuôi.
Trong năm 2024, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đặt mục tiêu giảm hộ nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số từ 1-1,5% so với giai đoạn 2022-2025; hỗ trợ phát triển sản xuất cho 120 hộ, 100% hộ tham gia mô hình phát triển sản xuất được tập huấn, chuyển giao khoa học kĩ thuật trồng trọt, chăn nuôi…Bên cạnh đó, tỉnh sẽ đầu tư 13 công trình đường giao thông thôn, ấp có đông đồng bào dân tộc sinh sống; 100% học sinh con em đồng bào dân tộc thiểu số theo học các cấp được hỗ trợ vở, sách giáo khoa…