Bà Rịa – Vũng Tàu: Chủ động ứng phó với áp thấp nhiệt đới mạnh lên thành bão số 14

18/11/2017 00:00

(TN&MT) - Đó là nội dung chính của công văn hỏa tốc ngày 17-11-2017 của UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu chỉ đạo các sở, ngành, địa phương, cơ quan,...

 

(TN&MT) - Đó là nội dung chính của công văn hỏa tốc ngày 17-11-2017 của UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu chỉ đạo các sở, ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị chủ động ứng phó với áp thấp nhiệt đới có thể mạnh lên thành bão số 14.

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Trung ương, vào lúc 7 giờ ngày 17-11, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở khoảng 8,7 độ Vĩ Bắc; 120,2 độ Kinh Đông, cách đảo Pa-la-oan (Philippin) khoảng 200km về phía Đông Nam, sức gió mạnh nhất ở gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6, giật cấp 8. Dự báo trong 24 giờ tới, áp thấp nhiệt đới di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được 25-30km và có khả năng mạnh thêm. Đến 7 giờ ngày 18-11, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới vào khoảng 9,9 độ Vĩ Bắc; 113,9 độ Kinh Đông, trên khu vực vùng biển quần đảo Trường Sa, cách đảo Phú Quý khoảng 530km về phía Đông, sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 7, giật cấp 9. Trong 24 giờ đến 36 giờ tiếp theo, áp thấp nhiệt đới tiếp tục di chuyển nhanh theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được 25km và có khả năng mạnh lên thành bão.

Để chủ động đối phó với áp thấp nhiệt đới, UBND tỉnh yêu cầu Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN) tỉnh và các huyện, thành phố; Bộ đội Biên phòng tỉnh theo dõi chặt chẽ diễn biến của áp thâp nhiệt đới, thông báo cho các chủ phương tiện, tàu thuyền biết để phòng tránh và có kế hoạch sản xuất phù hợp để đảm bảo an toàn về người và tài sản; duy trì thông tin liên lạc nhằm xử lý kịp thời các tình huống xấu có thể xảy ra. UBND tỉnh cũng yêu cầu các đơn vị sẵn sàng lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn để kịp thời triển khai ứng cứu khi có yêu cầu; tổ chức trực ban nghiêm túc 24/24, bắt đầu từ 14 giờ ngày 17-11, thường xuyên báo cáo về Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh.

Theo đại tá Đào Quang Hiển, Phó Chỉ huy trưởng, Tham mưu trưởng, BĐBP Bà Rịa – Vũng Tàu cho biết: Đơn vị đã xây dựng kế hoạch sử dụng lực lượng, phương tiện để chủ động áp thấp nhiệt đới có thể mạnh lên thành bão số 14. Trong đó, chỉ đạo các đơn vị thông báo kêu gọi tàu thuyền trên biển vào nơi tránh trú an toàn; tổ chức kiểm đếm số lượng tàu, thuyền trên biển, hướng dẫn tàu, thuyền ra khỏi vùng ảnh hưởng của áp thấp. Duy trì, đảm bảo quân số, phương tiện trực sẵn sàng làm nhiệm vụ phòng, chống lụt bão, tìm kiếm cứu nạn khi có tình huống xảy ra trong mưa bão.

 

Thông tin dự báo về cơn bão số 14

         Trung tâm Dự báo KTTV Trung ương cho biết: Hồi 13 giờ ngày 18/11, vị trí tâm bão ở vào khoảng 11,2 độ Vĩ Bắc; 113,3 độ Kinh Đông, cách bờ biển các tỉnh Khánh Hòa - Ninh Thuận - Bình Thuận khoảng 450 km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (60-75km/giờ), giật cấp 11. Vùng gió mạnh do bão trên cấp 6, gió giật mạnh trên cấp 9 có bán kính khoảng 150km về phía Bắc, 100km về phía Nam tính từ vùng tâm bão. 

           Dự báo trong 12 giờ tới, bão di chuyển chủ yếu theo hướng Tây, mỗi giờ đi được 20-25km. Đến 01 giờ ngày 19/11, vị trí tâm bão ở vào khoảng 11,6 độ Vĩ Bắc; 110,9 độ Kinh Đông, trên vùng biển các tỉnh Khánh Hòa - Ninh Thuận - Bình Thuận. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 8-9 (60-90km/giờ), giật cấp 12. Vùng gió mạnh do bão trên cấp 6, gió giật mạnh trên cấp 9 có bán kính khoảng 200km về phía Bắc, 150km về phía Nam tính từ vùng tâm bão có thể đi qua. 

           Trong 12 đến 24 giờ tiếp theo, bão tiếp tục di chuyển theo hướng Tây, mỗi giờ đi được 20-25km; khoảng sáng đến trưa mai bão sẽ đi vào đất liền các tỉnh từ Khánh Hòa đến Bình Thuận với sức gió mạnh cấp 8, giật cấp 11 sau đó sẽ suy yếu dần thành áp thấp nhiệt đới. 

           Đến 13 giờ ngày 19/11, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở vào khoảng 11,8 độ Vĩ Bắc; 108,6 độ Kinh Đông, trên đất liền các tỉnh Nam Trung Bộ - Nam Tây Nguyên. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 7 (50-60km/giờ), giật cấp 10. 

           Vùng nguy hiểm trong 24 giờ tới trên khu vực Biển Đông (gió mạnh cấp 6 trở lên) từ vĩ tuyến 9,0 đến 13,0 độ Vĩ Bắc. 

           Trong 24 đến 36 giờ tiếp theo, áp thấp nhiệt đới tiếp tục di chuyển theo hướng Tây, mỗi giờ đi được 20-25km, đi sâu vào đất liền và suy yếu dần thành một vùng áp thấp trên khu vực Nam Cam-pu-chia. 

           Cảnh báo gió mạnh trên biển: Khu vực giữa và Nam Biển Đông (bao gồm vùng biển quần đảo Trường Sa) có mưa bão, gió mạnh cấp 6-7, vùng gần tâm bão đi qua cấp 8-9, giật cấp 12. Biển động rất mạnh. Từ sáng sớm mai (19/11) vùng biển ngoài khơi các tỉnh từ Bình Định đến Bà Rịa - Vũng Tàu (bao gồm đảo Phú Quý) có gió mạnh dần lên cấp 6-7, vùng gần tâm bão đi qua cấp 8-9, giật cấp 12. Sóng biển cao 2-4m, vùng gần tâm bão cao từ 5-6m. Biển động rất mạnh. 

           Gió mạnh trên đất liền: Từ sáng sớm ngày mai (19/11), trên đất liền các tỉnh Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận có gió mạnh cấp 8, giật cấp 11; ở Phú Yên và khu vực Nam Tây Nguyên có gió mạnh cấp 6-7, giật cấp 8-9. 

           Mưa lớn trên đất liền: Từ đêm nay (18/11), ở các tỉnh từ Quảng Nam đến Bình Thuận, Tây Nguyên và miền Đông Nam Bộ có mưa to đến rất to. Từ đêm mai, do ảnh hưởng kết hợp với không khí lạnh mạnh tăng cường nên vùng mưa lớn có xu hướng mở rộng về phía Bắc (đến khu vực Bắc Trung Bộ). 

           Cảnh báo lũ: Từ ngày19-24/11, trên các sông từ Hà Tĩnh đến Bình Thuận, khu vực Tây Nguyên và sông Đồng Nai có khả năng xuất hiện một đợt lũ. Trong đợt lũ này, mực nước trên các sông từ Quảng Trị đến Bình Định lên mức BĐ2-BĐ3 và trên BĐ3; các sông ở Hà Tĩnh, Quảng Bình, Phú Yên đến Bình Thuận, khu vực Tây Nguyên và lưu vực sông Đồng Nai lên mức BĐ1-BĐ2 và trên BĐ2, trên các sông suối nhỏ lên trên BĐ3. 

 

 

 

Quang Anh

Bộ chỉ huy BĐBP tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bà Rịa – Vũng Tàu: Chủ động ứng phó với áp thấp nhiệt đới mạnh lên thành bão số 14
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO