Xây dựng các giải pháp ứng phó thiên tai
Những năm gần đây, tình hình thời tiết, thiên tai đang trở nên phức tạp, những cơn bão mạnh đổ bộ trực tiếp vào tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu ngày càng nhiều hơn và gây thiệt hại về kinh tế, dẫn đến đời sống người dân gặp nhiều khó khăn. Theo Báo cáo của UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, trong năm 2020, do ảnh hưởng hoàn lưu của các cơn bão nên đã xuất hiện nhiều đợt mưa lớn, tại một số khu vực trên địa bàn tỉnh có mưa nhiều hơn so với trung bình nhiều năm, như: TX. Phú Mỹ 439 mm, TP. Bà Rịa 446 mm, huyện Long Điền 315 mm, huyện Đất Đỏ 244 mm, đặc biệt tại TP. Vũng Tàu đã xuất hiện tình trạng ngập úng cục bộ sau mỗi trận mưa.
Một số tuyến đường trên địa bàn TP. Vũng Tàu thường bị ngập nước sâu do mưa lớn. |
Bên cạnh đó, do ảnh hưởng của gió mùa Đông Bắc mạnh, kết hợp triều cường dâng cao, đã gây tình trạng sạt lở bờ biển. Qua thống kê cho thấy, dọc theo bờ biển tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu hiện có khoảng 40 khu vực xảy ra hiện tượng xói lở bờ biển. Trong đó, đối với phần đất liền, có 10 khu vực bị sạt lở nghiêm trọng với tổng chiều dài sạt lở khoảng 50 km, xảy ra chủ yếu trên đoạn bờ biển từ Bình Châu, huyện Xuyên Mộc đến mũi Nghinh Phong, TP. Vũng Tàu; đối với phần bờ biển huyện đảo, khu vực bị xói lở mạnh tại phần đảo lớn Côn Sơn, huyện Côn Đảo, tình trạng này đang làm tăng nguy cơ bị thu hẹp diện tích của huyện đảo.
Nhận rõ tác hại của BĐKH đối với đời sống, sản xuất của người dân, UBND tỉnh đã chỉ đạo các Sở, ngành, địa phương quyết liệt triển khai các giải pháp công trình và phi công trình để sẵn sàng ứng phó với thiên tai. Xây dựng kế hoạch cụ thể thực hiện Chiến lược quốc gia về BĐKH, huy động mọi nguồn lực để tiến hành đồng thời các giải pháp thích ứng với tác động của BĐKH, bảo đảm an toàn tính mạng và tài sản của người dân; tập trung đầu tư xây dựng các công trình, chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp với điều kiện thời tiết và ứng phó với BĐKH, hướng đến phát triển bền vững.
Cùng với đó, UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cũng đã chỉ đạo các ngành, địa phương tổ chức tiến hành rà soát, điều chỉnh, bổ sung các phương án phòng chống lụt, bão, tìm kiếm cứu nạn của các ngành, địa phương và phương án sơ tán nhân dân vùng có nguy cơ cao bị ảnh hưởng của thiên tai như: ven sông, vùng bị sạt lở, vùng hạ du các hồ chứa; kiểm tra phương tiện ứng phó, công tác chuẩn bị, chủ động của địa phương theo phương châm “4 tại chỗ”: Chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, vật tư phương tiện tại chỗ và hậu cần tại chỗ để có kế hoạch chủ động, đối phó với thiên tai; tăng cường đánh giá công tác vận hành điều tiết các hồ chứa nước; thường xuyên theo dõi mực nước tại các hồ chứa thủy lợi để chủ động điều tiết phù hợp, đảm bảo an toàn công trình và hạn chế ngập lụt cho vùng hạ du.
Ngoài ra, UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu sẽ tăng cường đầu tư các phương tiện, thiết bị cho công tác phòng, chống thiên tai. Theo đó, trong năm 2021, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu sẽ trang bị thêm 3 tàu tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ cho Bộ đội Biên phòng tỉnh; triển khai giai đoạn 2 khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá tại sông Dinh; hoàn thành phê duyệt chủ trương xây dựng khu neo đậu tránh trú bão Cửa Lấp; đầu tư Trạm khí tượng Châu Đức; thực hiện các giải pháp chống xói lở bờ biển; xây dựng các tuyến đường vành đai bảo vệ an toàn hồ chứa nước… trên địa bàn tỉnh.
Chủ động ứng phó với sự cố môi trường
Ông Đặng Sơn Hải, Phó Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho biết: Thực hiện Chương trình hành động số 08/-CTr/TU ngày 1/2/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bà Rịa - Vũng Tàu về việc thực hiện Chỉ thị 42-CT/TW ngày 24/3/2020 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai; thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu tại Văn bản số 5367/UBND-VP về việc thực hiện nhiệm vụ phòng, chống thiên tai trước mùa mưa bão năm 2021, Sở TN&MT đã chủ động phối hợp với các ngành chức năng triển khai các giải pháp phòng tránh, ứng phó kịp thời, khắc phục hậu quả của thiên tai, đảm bảo an toàn môi trường trên địa bàn.
Tăng cường các giải pháp đảm bảo an toàn cho hồ chứa nước trong mùa mưa bão. |
Theo đó, ngoài việc triển khai các dự án như: “Nâng cao nhận thức và kỹ năng của tuyên truyền viên về BĐKH của các tổ chức chính trị xã hội”; “Đánh giá tác động của BĐKH đến vấn đề ngập lụt trên địa bàn tỉnh và Kế hoạch hành động ứng phó với BĐKH trong vấn đề chống ngập và Lập bản đồ phân vùng nguy cơ ngập lụt do mưa”; “Điều tra, đánh giá nhiễm mặn các tầng chứa nước do tác động của BĐKH, nước biển dâng tại các khu vực ven biển tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, đề xuất và thực hiện các giải pháp quản lý và hạn chế nhiễm mặn, bảo vệ nguồn nước”; Sở TN&MT đã có Văn bản yêu cầu các cơ sở sản xuất kinh doanh trong khu công nghiệp (KCN) và ngoài KCN trên địa bàn tỉnh tăng cường các biện phòng ngừa sự cố môi trường và đảm bảo vệ sinh môi trường trong mùa mưa bão năm 2021.
Cụ thể, Sở TN&MT tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đề nghị các cơ sở sản xuất kinh doanh, dịch vụ trên địa bàn tỉnh cần chủ động triển khai công tác phòng ngừa, ứng phó với sự cố môi trường, sự cố chất thải có thể xảy ra nhằm hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về người và tài sản, ảnh hưởng xấu đến môi trường. Trong đó, các cơ sở sản xuất kinh doanh lưu ý cần bảo vệ khu vực các hồ chứa chất thải, nước thải, các khu vực hóa chất, xăng dầu. Còn đối với các hồ chứa nước thải sau xử lý của các cơ sở sản xuất kinh doanh gần hồ, sông, suối… phải chủ động rà soát lại hệ thống thoát nước mưa bề mặt, đê bao các khu vực trên để tiến hành cải tạo, gia cố.
Đặc biệt là các điểm xung yếu có nguy cơ sạt lở cao cần đảm bảo chắc chắn, không bị sạt lở do mưa; đồng thời, các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực hiện nghiêm túc vận hành các công trình xử lý chất thải đảm bảo quy chuẩn xả thải; xây dựng phương án sẵn sàng bố trí các nguồn lực ứng phó sự cố chất thải, ô nhiễm môi trường do sạt lở có thể xảy ra; tăng cường phối hợp với các đơn vị có liên quan, địa phương để đảm bảo vận hành thường xuyên các công trình xử lý môi trường.
Bên cạnh đó, Sở TN&MT tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cũng yêu cầu các cơ sở sản xuất kinh doanh, dịch vụ trên địa bàn tỉnh thực hiện nghiêm túc các quy định về ứng phó sự cố chất thải. Cụ thể, các các cơ sở sản xuất kinh doanh cần chủ động xây dựng phương án phòng chống sự cố, giải quyết các tình huống giả thiết để có thể triển khai chủ động ứng phó; bố trí đầy đủ lực lượng, vật dụng cần thiết, ứng trực 24/24h sẵn sàng triển khai các giải pháp khắc phục khi có sự cố môi trường xảy ra.
Nhằm hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về người và tài sản do thiên tai gây ra trên địa bàn tỉnh, UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu giao các Sở, ban, ngành và UBND các huyện, thị xã, thành phố chủ động triển khai công tác phòng, chống thiên tai, ứng phó với BĐKH. Trong đó, cần tập trung rà soát, bổ sung, hoàn chỉnh các phương án phòng, chống, ứng phó thiên tai và tìm kiếm cứu nạn phù hợp với đặc điểm, điều kiện thực tế của đơn vị và của từng địa phương.
Đồng thời, cần tuyên truyền cho người dân địa phương các biện pháp cơ bản để tự chủ động phòng, tránh bão, áp thấp nhiệt đới, thời tiết nguy hiểm; hướng dẫn người dân thực hiện gia cố, giăng chống nhà cửa, đảm bảo an toàn về người và nhà ở trong mùa mưa bão; triển khai công tác phòng ngừa, ứng phó với sự cố môi trường, sự cố chất thải có thể xảy ra trong các đợt mưa bão để hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về người và tài sản, ảnh hướng xấu đến môi trường.
Trường hợp sự cố về chất thải trong khả năng xử lý của cơ sở, người đại diện (chỉ huy) có trách nhiệm thực hiện biện pháp ứng phó sự cố theo kế hoạch, kịch bản đã được phê duyệt; đồng thời báo cáo cho Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn cấp huyện và UBND cấp xã về việc ứng phó sự cố trong vòng 24 giờ kể từ thời điểm phát hiện sự cố. Trường hợp sự cố vượt ngoài khả năng tự ứng phó của cơ sở, người chỉ huy phải thông báo ngay đến UBND cấp huyện, cấp xã hoặc Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn để được tổ chức ứng phó, giảm đến mức thấp nhất các thiệt hại về môi trường.