Quang cảnh Kỳ họp thứ 15, HĐND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu |
Hàng loạt vấn đề “nóng” được đại biểu đặt ra
Theo đại biểu Nguyễn Hoàng Tùng cho biết, việc xử lý rác thải cho huyện Côn Đảo là vấn đề được Tỉnh ủy, UBND tỉnh, HĐND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu và cử tri rất quan tâm. Vấn đề này đã được thảo luận trong nhiều kỳ họp HĐND tỉnh. Đồng thời, UBND tỉnh cũng đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo triển khai thực hiện.
Tuy nhiên, việc xử lý rác thải cho Côn Đảo đến thời điểm này vẫn chưa có kết quả, rác vẫn còn tồn tại ở Bãi Nhát khoảng 70.000 tấn, chưa kể đến khối lượng rác phát sinh hàng ngày trên địa bàn khoảng 22,5 tấn/ngày và hàng tháng rác từ đại dương trôi vào bờ biển khoảng 10 tấn.
Theo đó, đề nghị Sở TN&MT cho biết giải pháp, thời gian, lộ trình tham mưu UBND tỉnh giải quyết dứt điểm tình trạng tồn đọng rác thải ở Côn Đảo, vì đây là Khu di tích lịch sử quốc gia đặc biệt và là khu kinh tế du lịch hiện địa, tầm cỡ khu vực và quốc gia theo định hướng của Thủ tướng Chính phủ.
Đại biểu Nguyễn Hoàng Tùng chất vấn lãnh đạo Sở TN&MT Bà Rịa - Vũng Tàu |
Với tình trạng lượng rác thải sinh hoạt ngày càng gia tăng theo tốc độ đô thị hóa và gia tăng dân số đang gây nhiều áp lực trong vấn đề xử lý rác thải, công nghệ đốt rác, đại biểu Phạm Minh Triêm cho rằng: Trên địa bàn tỉnh, việc xử lý rác thải sinh hoạt hiện nay đang sử dụng công nghệ chôn lấp, nguy cơ gây ô nhiễm môi trường hiện tại và tương lai là rất cao, đồng thời quỹ đất chôn lấp ngày càng cạn kiệt.
Mặc dù, Tỉnh ủy và HĐND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã giao trách nhiệm cho UBND tỉnh sớm chuyển đổi công nghệ từ chôn lấp sang đốt hoặc xử lý bằng công nghệ thân thiện với môi trường. Tuy nhiên, đến nay việc triển khai của các Sở, ngành chuyên môn còn rất chậm và chưa có thời điểm cụ thể trong việc chuyển đổi mô hình xử lý rác thải sinh hoạt.
Còn theo đại biểu Nguyễn Công Danh, trong những năm qua, Khu xử lý chất thải tập trung Tóc Tiên đã gây ô nhiễm môi trường thường xuyên trên địa bàn xã Tóc Tiên, Châu Pha, thị xã Phú Mỹ, gây ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe, cuộc sống của người dân. Vậy giải pháp khắc phục trong thời gian tới như thế nào?
Tập trung chuyển đổi công nghệ xử lý rác thải
Trả lời các đại biểu, ông Lê Ngọc Linh, Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho rằng, trong thời gian qua, việc xử lý dứt điểm chất thải tồn đọng tại khu vực Bãi Nhát luôn được xem là vấn đề ưu tiên giải quyết. Mặc dù, các ngành chức năng, địa phương đã có nhiều nỗ lực trong việc tìm kiếm giải pháp xử lý ô nhiễm tại Bãi Nhát nhưng đến nay vẫn chưa có kết quả như đại biểu phản ánh.
Nguyên nhân chủ yếu là do khách quan, bởi hầu hết trong các đề xuất được các nhà đầu tư gửi đến trong thời gian qua chưa đáp ứng được các yêu cầu kỹ thuật, bảo vệ môi trường. Bên cạnh đó, hầu hết các dự án xử lý chất thải bằng phương pháp đốt với dây chuyền, thiết bị được gia công lắp ráp trong nước.
Và được các địa phương trong nước cấp phép đầu tư, sau khi đưa vào vận hành trong thực tế vẫn làm phát sinh, tồn tại nhiều vấn đế về môi trường. Trong khi đó, điều kiện hạ tầng kỹ thuật đáp ứng cho việc xử lý ô nhiễm môi trường tại Bãi Nhát khó đảm bảo được như khi thực hiện các dự án đầu tư thông thường khác.
Ông Lê Ngọc Linh, Giám đốc Sở TN&MT Bà Rịa - Vũng Tàu trả lời chất vấn các đại biểu HĐND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu |
Ông Lê Ngọc Linh cũng cho biết, để khắc phục những trở ngại về việc xử lý rác tại Bãi Nhát, huyện Côn Đảo, UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu giao Sở TN&MT, trong quý I/2020, sẽ phối hợp với các Sở, ngành liên quan xây dựng Tiêu chí lựa chọn đối tác thực hiện ô nhiễm khu vực Bãi Nhát theo phương pháp đốt chất thải rắn tồn đọng tại chỗ với thời gian thực hiện không quá một năm. Phấn đấu hoàn thành việc xử lý trong quý IV/2020.
Liên quan đến vấn đề xử lý ô nhiễm môi trường Khu xử lý chất thải tập trung Tóc Tiên, ông Lê Ngọc Linh cho biết, Hiện nay, trong khu xử lý chất thải tập trung Tóc Tiên chưa được đầu tư hoàn hệ thống thu gom, xử lý nước thải tập trung, dẫn đến việc kiểm soát hoạt động xả thải của các nhà máy gặp nhiều khó khăn, bị động, nên một số thời điểm vẫn còn tình trạng xả thải lén lút ra suối Giao Kèo như phản ánh của đại biểu và cử tri.
Bên cạnh đó, các dự án xử lý chất thải rắn sinh hoạt triển khai chậm, chưa được đưa vào hoạt động dẫn đến toàn bộ chất thải rắn sinh hoạt của tỉnh, bao gồm cả lượng chất thải rắn sinh hoạt đào từ các bãi chôn lấp tạm tại huyện Xuyên Mộc được tập trung chôn lấp tại dự án Công ty KBEC Vina, dẫn đến quá tải đối với các công trình bảo vệ môi trường, gây mùi hôi.
Còn các nhà máy phát sinh khí thải chưa hoàn thành đầu tư hệ thống quan trắc tự động; việc kiểm soát hoạt động xả thải khí thải của các nhà máy chủ yếu thông qua hoạt động thanh kiểm tra, giám sát định kỳ, đột suốt nên chưa kiểm soát hoàn toàn hoạt động xả thải bảo đảm đúng quy định đối với các nhà máy, nhất là thời gian ban đêm…
Theo ông Lê Ngọc Linh, giải pháp thực hiện đối với hoạt động xử lý ô nhiễm môi trường tại Khu xử lý chất thải tập trung Tóc Tiên trong thời gian tới là tiếp tục rà soát, nhận diện và xây dựng kế hoạch xử lý các điểm nóng về môi trường năm 2020, trong đó tiếp tục tập trung kiểm soát chặt chẽ hoạt động của các nhà máy tại khu xử lý chất thải tập turng Tóc Tiên.
Đồng thời, tổ chức rà soát toàn bộ hệ thống thoát nước mưa, nươc thải cầu các nhà máy trong Khu xử lý chất thải tập trung Tóc Tiên để yêu cầu thực hiện tách riêng biệt và đấu nối nước thải vào hệ thống thu gom về hệ thống xử lý nước thải tập trung; rà soát đánh giá dây chuyền, thiết bị, công nghệ và công trình bảo vệ môi trường của từng nhà máy...
Trả lời chất vấn về việc chậm chuyển sang công nghệ đốt, tái chế, thu hồi năng lượng trong xử lý chất thải rắn sinh hoạt, ông Lê Ngọc Linh, Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho rằng, yếu tố hàng đầu bảo đảm cho dự án được triển khai thành công là nhà đầu tư phải có đủ năng lực tài chính, có nhiều kinh nghiệm, chuyên môn cao và làm chủ được công nghệ trong lĩnh vực xử lý chất thải.
Tuy nhiên, trong thời gian qua, các tổ chức đăng ký đầu tư nhà máy đốt, tái chế, thu hồi năng lượng vào tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu hều hết chưa chứng minh được năng lực. Việc lựa chọn đầu tư nhà máy đốt, tái chế, thu hồi năng lượng với thiết bị, công nghệ tiên tiến, hiện đại lại đòi hỏi chi phí lớn. Do vậy, việc kêu gọi, thu hút, lựa chọn được tổ chức có đủ năng lực tài chính gặp nhiều khó khăn; sự phối hợp của các cơ quan liên quan chưa quyết liệt trong việc kêu gọi, thu hút, lựa chọn nhà đầu tư.
Cũng theo ông Lê Ngọc Linh, hiện tại, UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã chỉ đạo các Sở, ngành chức năng tập trung thực hiện lộ trình chuyển đổi công nghệ đốt, tái chế, thu hồi năng lượng trong xử lý chất thải rắn sinh hoạt. Theo đó, năm 2020, Nhà máy xử lý chất thải rắn sinh hoạt công suất 500 tấn/ngày của Công ty CP Môi trường xanh Bảo Ngọc tại Khu xử lý chất thải tập trung Tóc Tiên sẽ chính thức được đưa vào hoạt động. Công nghệ xử lý là phân loại, tái chế, sản xuất phân compost.
Năm 2021, Nhà máy đốt chất thải rắn, có thu hồi năng lượng công suất 300 tấn/ngày của Công ty TNHH Green HC tại Khu xử lý chất thải tập trung Láng Dài được chính thức đưa vào hoạt động. Năm 2022, Nhà máy đốt hoặc tái chế có thu hồi năng lượng có công suất 200 - 300 tấn/ngày tại Khu xử lý chất thải tập trung Tóc Tiên được đi vào hoạt động.