Bà Nguyễn Thanh Hải được bầu làm Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội
Chiều 25/6, dưới sự điều hành của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Quốc hội đã nghe Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường thay mặt Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình bày Báo cáo tổng hợp ý kiến thảo luận ở Đoàn và kết quả phiếu xin ý kiến về việc bầu Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhiệm kỳ 2021-2026 và cho thôi làm nhiệm vụ đại biểu Quốc hội khóa XV; sau đó Quốc hội bầu Ban kiểm phiếu, tiến hành quy trình bầu Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhiệm kỳ 2021-2026, cho thôi làm nhiệm vụ đại biểu Quốc hội khóa XV bằng hình thức bỏ phiếu kín.
Sau khi nghe Trưởng Ban kiểm phiếu công bố kết quả kiểm phiếu, Quốc hội nghe Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường trình bày dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về việc bầu Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhiệm kỳ 2021-2026 và dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về việc cho thôi làm nhiệm vụ đại biểu Quốc hội khóa XV.
Sau đó, Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết về việc bầu Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhiệm kỳ 2021-2026 đối với bà Nguyễn Thanh Hải bằng hình thức biểu quyết điện tử. Kết quả, có 450 đại biểu tham gia biểu quyết (bằng 92,40% tổng số đại biểu Quốc hội); có 449 đại biểu tán thành (bằng 92,20% tổng số đại biểu Quốc hội); có 1 đại biểu không biểu quyết (bằng 0,21% tổng số đại biểu Quốc hội).
Bà Nguyễn Thanh Hải sinh năm 1970, quê quán Hà Nội; trình độ chính trị: Cao cấp. Bà là Phó Giáo sư, Tiến sĩ Vật lý; Ủy viên Trung ương Đảng khóa XII, XIII; đại biểu Quốc hội khóa XIII, XIV, XV.
Bà Nguyễn Thanh Hải từng công tác trong ngành Giáo dục, là nữ Phó Giáo sư trẻ nhất Việt Nam vào thời điểm năm 2007. Bà từng đảm nhiệm các chức vụ: Phó Giám đốc Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam; Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội; Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội; Trưởng ban Dân nguyện thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Ngày 23/5/2020, bà Nguyễn Thanh Hải được Bộ Chính trị điều động, phân công giữ chức Bí thư Tỉnh ủy Thái Nguyên nhiệm kỳ 2015-2020. Tháng 10/2020, bà tái đắc cử Bí thư Tỉnh ủy Thái Nguyên nhiệm kỳ 2020-2025.
* Chiều cùng ngày, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về việc cho thôi làm nhiệm vụ đại biểu Quốc hội khóa XV đối với ông Đinh Tiến Dũng bằng hình thức biểu quyết điện tử. Kết quả, có 445 đại biểu tham gia biểu quyết (bằng 91,38% tổng số đại biểu Quốc hội); có 440 đại biểu tán thành (bằng 90,35% tổng số đại biểu Quốc hội); có 3 đại biểu không tán thành (bằng 0,62% tổng số đại biểu Quốc hội); có 2 đại biểu không biểu quyết (bằng 0,41% tổng số đại biểu Quốc hội).
Ngày 21/6, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII đã họp xem xét để ông Đinh Tiến Dũng, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội khóa XV thành phố Hà Nội thôi giữ các chức vụ lãnh đạo, nghỉ công tác.
Ông Đinh Tiến Dũng là cán bộ cấp cao của Đảng và Nhà nước, được Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị tín nhiệm phân công giữ một số chức vụ lãnh đạo quan trọng ở Trung ương và địa phương, trong quá trình công tác luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, có những đóng góp vào thành tích chung trong các cơ quan, đơn vị, địa phương nơi công tác.
Tuy nhiên, theo báo cáo của Ủy ban Kiểm tra Trung ương, trong thời gian làm Bí thư Ban cán sự đảng, Bộ trưởng Bộ Tài chính nhiệm kỳ 2016 - 2021, ông đã vi phạm Quy định về những điều đảng viên không được làm, Quy định về trách nhiệm nêu gương, Quy chế làm việc; thiếu trách nhiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo để Ban cán sự đảng, Bộ Tài chính và một số tổ chức, cá nhân có nhiều vi phạm, khuyết điểm, gây hậu quả nghiêm trọng, dư luận xấu, làm giảm uy tín của tổ chức đảng, cơ quan quản lý nhà nước. Nhận thức rõ trách nhiệm trước Đảng và nhân dân, ông đã có đơn xin thôi giữ các chức vụ được phân công và nghỉ công tác.
Căn cứ quy định hiện hành của Đảng, Nhà nước và xem xét nguyện vọng của ông Đinh Tiến Dũng, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đồng ý để ông Đinh Tiến Dũng thôi giữ chức vụ: Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII.