Áp thuế 5% đối với phân bón: “3 nhà”đều được lợi
Trong điều kiện hiện nay, việc sửa đổi Luật Thuế số 71/2014/QH13 (Luật Thuế 71) theo hướng áp thuế giá trị gia tăng (GTGT) 5% đối với mặt hàng phân bón là rất phù hợp. Khi đó, cả “3 nhà” là nhà nông, Nhà nước và doanh nghiệp (DN) đều được hưởng lợi.
Nâng cao sức cạnh tranh của doanh nghiệp
Luật Thuế số 71/2014/QH13 về sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật về thuế; trong đó quy định về việc phân bón, máy móc, thiết bị chuyên dùng phục vụ sản xuất nông nghiệp thuộc đối tượng không chịu thế giá trị gia tăng (GTGT). Quy định này được các chuyên gia và doanh nghiệp đánh giá là một trong những nguyên nhân gây ra nhiều khó khăn trong sản xuất, kinh doanh ngành phân bón. Vấn đề này cũng đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Hiệp hội Phân bón Việt Nam cũng như nhiều doanh nghiệp đề nghị Bộ Tài chính kiến nghị Chính phủ báo cáo Quốc hội sửa đổi theo hướng chuyển phân bón từ đối tượng không chịu thuế sang đối tượng chịu thuế với mức thuế suất hợp lý, tạo điều kiện hỗ trợ ngành sản xuất phân bón trong nước và giảm bớt khó khăn cho nông dân.
Theo phân tích của ĐGQH Trịnh Xuân An - Ủy viên Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội, khi áp thuế 5% cho mặt hàng phân bón, các DN sản xuất phân bón “nội” sẽ được hoàn thuế đầu vào lên đến hàng trăm tỉ đồng mỗi năm/mỗi doanh nghiệp. Khi đó DN sản xuất phân bón trong nước vừa có dư địa để giảm giá, cạnh tranh với sản phẩm phân bón “ngoại”, vừa có nguồn lực để đầu tư dây chuyền máy móc hiện đại để sản xuất ra các loại phân bón có chất lượng tốt hơn, giá thành hợp lý hơn.
Hiện chi phí phân bón chiếm tỷ trọng khá lớn trong sản xuất nông nghiệp. Khi các DN sản xuất phân bón trong nước được khấu trừ đầu vào thuế, họ sẽ có cơ hội mở rộng sản xuất, đầu tư công nghệ, đầu tư vào nghiên cứu và phát triển sản phẩm mới…
Một điểm quan trọng không kém là khi áp thuế 5% đối với mặt hàng phân bón sẽ có thể lấy lại công bằng cho DN nội. Hiện trên thị trường có nhiều DN phân phối phân bón ngoại vốn được ưu đãi lớn về thuế ở nước sở tại, cho nên họ thường đưa ra những mức giá tốt, cạnh tranh quyết liệt với phân bón nội. Khi được khấu trừ thuế đầu vào, DN nội sẽ có cơ hội để giành lại thị phần.
Giải thích về việc khi Luật Thuế 71 được sửa đổi theo hướng án thuế cho mặt hàng phân bón, các DN sản xuất trong nước sẽ được hưởng lợi. Chúng ta nên nhớ rằng, hiện các DN phân bón trong nước chiếm đến 70% thị phần, khi đó chúng ta sẽ có một nền sản xuất phân bón đủ mạnh để có thể đứng vững trên thị trường. Khi DN có thêm tiềm lực thì sẽ có dư địa giảm giá sản phẩm, người nông dân từ đó sẽ được hưởng lợi theo.
Mang lại lợi ích cho người nông dân
Các chuyên gia phân tích, khi đưa phân bón vào diện chịu thuế GTGT 5% như trước thời điểm Luật Thuế 71 có hiệu lực (năm 2015), giá phân bón sẽ giảm so với không chịu thuế, do đó người nông dân sẽ được hưởng lợi lâu dài.
Trong sản xuất nông nghiệp, phân bón là vật tư thiết yếu chiếm khoảng 40-50% chi phí sản xuất. Cho nên khi giá phân bón biến động tăng giảm đều tác động rất rõ tới người nông dân. Điển hình nhất là cách đây vài năm, ngay sau đại dịch Covid-19, giá phân bón tăng cao kỷ lục theo biến động giá thị trường, khiến nông dân nhiều nơi rơi vào khó khăn vì chi phí đầu vào sản xuất nông nghiệp tăng cao trong khi giá cả nông sản bấp bênh. Nông dân ở nhiều nơi phải bỏ vụ. Đó là một hệ lụy dễ thấy nhất của giá phân bón tăng.
Trong khi đó, nếu giá phân bón hợp lý sẽ giúp người nông dân giảm chi phí vật tư đầu vào, từ đó cải thiện hiệu quả trong sản xuất nông nghiệp, nâng cao thu nhập của ngành nông nghiệp cả nước.
Thêm một lợi ích nữa mà có lẽ ít người quan tâm nhưng được đánh giá vô cùng quan trọng đối với môi trường. Cụ thể, khi giá cả phân bón giảm nhờ chính sách thuế GTGT hợp lý (5%), người nông dân dễ dàng lựa chọn những loại phân bón chất lượng cao được các doanh nghiệp lớn, uy tín trong nước trực tiếp sản xuất, khiến việc canh tác càng ngày thuận lợi, hiệu quả.
Ngược lại, khi phân bón chất lượng có giá cao, người nông dân có xu hướng tìm đến phân bón có giá rẻ hơn để giảm chi phí sản xuất. Hệ lụy nghiêm trọng có thể từ đây mà ra. Bởi phân bón giá rẻ đồng nghĩa với chất lượng thấp do được sản xuất từ nguyên liệu giá rẻ, không đúng hàm lượng, được phối trộn thủ công..., đó là chưa nói đến nạn phân bón giả vốn tràn lan trong giai đoạn vừa qua. Những loại phân bón này không những hại cây trồng, có thể gây chết cây hoặc năng suất kém mà còn làm đất đai bạc màu, nguồn nước ô nhiễm. Lâu ngày, đất đai ruộng vườn có thể thành “đất chết” không thể canh tác.
Đảm bảo an ninh nông nghiệp, an ninh lương thực
Theo ĐBQH Trịnh Xuân An, với một quốc gia như Việt Nam, ngành nông nghiệp vẫn đang và sẽ là bệ đỡ cho nền kinh tế. Dù tỷ trọng ngành nông nghiệp trong tương lai có thể thấp đi, nhưng chúng ta sẽ vươn lên làm nông nghiệp công nghệ cao, tập trung vào sản lượng và chất lượng. Để được như vậy, hai yếu tố giống và phân bón đóng vai trong đặc biệt quan trọng. Nếu chúng ta không chuẩn bị cho nền công nghiệp sản xuất phân bón tốt thì sẽ không phải là quốc gia nông nghiệp - đây cũng là bài học chúng ta nhận ra từ lâu.
Đại biểu nhấn mạnh, nếu chúng ta đối xử với các DN phân bón “nội” không chỉ bằng sắc thuế này mà còn mở rộng ra ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp, ưu đãi đất đai, đầu tư…, chúng ta sẽ có nền công nghiệp sản xuất phân bón mạnh. Đây là cơ hội rất lớn để bảo đảm đầu vào cho ngành nông nghiệp.
Ông Nguyễn Trí Ngọc, Phó Chủ tịch Hiệp hội Phân bón Việt Nam cho rằng, Việt Nam chúng ta coi trọng nông nghiệp, có rất nhiều nghị quyết, chủ trương, nhưng chính sách cụ thể thì chúng ta phải học tập, nghiên cứu vì hội nhập ngày càng sâu. Một ngành đóng góp để thu về ngoại tệ cho đất nước là ngành nông nghiệp, dù trong bối cảnh hằng năm thiên tai, biến đổi khí hậu, dịch bệnh. Phải thừa nhận rằng, nông nghiệp là trụ đỡ của nền kinh tế. Trụ đỡ này cần được hỗ trợ một cách toàn diện, đó là tầm vĩ mô.
Cũng theo ông Ngọc, Việt Nam hiện có vài trăm nhà máy sản xuất phân bón các loại từ nhỏ tới lớn. Trong nông nghiệp sử dụng hằng năm vào khoảng 11-12 triệu tấn phân bón các loại. Con số này để nói lên rằng, phân bón là hàng sản xuất nông nghiệp và trong chính sách của các quốc gia được coi là mặt hàng cần được ưu tiên khác với các loại hàng hóa khác. Hàng triệu người nông dân rất cần được quan tâm để họ đầu tư, phát triển nông nghiệp bền vững theo chủ trương phát triển nông nghiệp xanh, nông nghiệp bền vững, sinh thái. Vậy thì phải hỗ trợ, mà hỗ trợ hiệu quả nhất là chính sách thuế. Đó là tác động đến hàng hóa đầu vào đang chiếm đến 40-60% giá thành sản xuất.
Thiết nghĩ, có nền công nghiệp sản xuất phân bón phát triển, đủ sức cạnh tranh với phân bón ngoại; có cơ sở để bù đắp về thuế minh bạch hơn, công khai hơn, rõ ràng hơn thì chúng ta hoàn toàn yên tâm cho một nền nông nghiệp phát triển. Chắc chắn Việt Nam sẽ trở thành cường quốc về nông nghiệp, đặc biệt là nông nghiệp công nghệ cao. Khi đó người nông dân sẽ được hưởng lợi đầu tiên và sau đó là doanh nghiệp, Nhà nước cũng được hưởng lợi, an ninh lương thực được bảo đảm.
“Theo như tôi biết, sắc thuế GTGT là nguồn thu thuế lớn, là một trong những trụ cột của hệ thống thuế, nhưng phải làm sao để bền vững, hiệu quả thì đang bị tác động bởi những đầu nọ, đầu kia. Vậy tại sao chúng ta không hiểu rõ điều đó để thấy rằng, điều chỉnh thuế GTGT để từ nhóm không chịu thuế sang chịu thuế với mức thuế 5% cần thiết như thế nào?”, ông Nguyễn Trí Ngọc nhấn mạnh.