Hiện nay, ở các tỉnh Trung Bộ vẫn tiếp tục có mưa, mưa lớn tập trung ở các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên Huế. Lũ trên sông Ngàn Sâu, sông Bồ đang tiếp tục lên, sông Thạch Hãn đang lên lại, các sông khác ở Quảng Bình – Thừa Thiên Huế đang dao động ở mức cao, các sông ở Quang Nam, Quảng Ngãi đang xuống.
ATNĐ phức tạp, gây mưa to ở Trung Trung Bộ, Nam Trung Bộ
Trao đổi với báo chí, ông Vũ Đức Long, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia (KTTVQG) cho biết, trong trận lũ những ngày qua đỉnh lũ tại trạm Đông Hà trên sông Hiếu (Quảng Trị) đã vượt lũ lịch sử năm 1983 là 0,11 m.
“Đây là mực nước cao nhất của đợt mưa lũ từ ngày 6 đến 9/10 và đỉnh lũ cao nhất trong chuỗi số liệu quan trắc được tại trạm” - ông Long đánh giá.
Hơn 33.000 ngôi nhà ở miền Trung chìm trong mưa lũ. Ảnh: N.Do |
So sánh với đỉnh lũ năm 2017, ông Long đánh giá, đỉnh lũ trên các sông từ Hà Tĩnh đến Quảng Ngãi trong đợt này với đỉnh lũ cao nhất năm 2017 thì phổ biến ở mức thấp hơn, riêng sông Kiến Giang và Thạch Hãn ở mức cao.
Dự báo tình hình mưa lũ trong những ngày tới, Trung tâm Dự báo KTTVQG nhận định, trong ngày 10/10, ở các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Quảng Ngãi tiếp tục có mưa to đến rất to với tổng lượng mưa phổ biến 100-250 mm, có nơi trên 300 mm; ở nam Nghệ An, Bình Định có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to với tổng lượng mưa 50-100 mm, có nơi trên 100 mm.
Hiện nay dải hội tụ nhiệt đới có trục ở khoảng 12-15 độ vĩ bắc nối với một vùng áp thấp trên khu vực giữa Biển Đông. Vùng áp thấp này có khả năng mạnh lên thành áp thấp nhiệt đới/bão. Diễn biến của cơn áp thấp nhiệt đới/bão này rất phức tạp, có khả năng di chuyển nhanh, ảnh hưởng trực tiếp, gây mưa to đến rất to cho các tỉnh Trung Trung bộ, Nam Trung bộ từ khoảng ngày 11 đến 13/10. Lũ trên các sông ở khu vực Trung bộ có khả năng lên lại và gây ngập lụt diện rộng.
Ông Long lưu ý, trong những ngày tới tình hình lũ trên các sông ở khu vực Trung Bộ còn diễn biến phức tạp, lũ trên các sông có khả năng lên trở lại. Các địa phương ở khu vực Trung Bộ cần chú ý theo dõi chặt chẽ và cập nhật thường xuyên các thông tin dự báo và chủ động phòng chống với tình huống lũ lớn diễn ra trên diện rộng có thể tiếp tục xảy ra.
17 người thương vong và mất tích do mưa lũ miền Trung
Thông tin về tình hình thiệt hại do mưa lũ tại miền Trung, Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai cho biết, tính đến 18 giờ ngày 9/10/2020, mưa lũ đã làm 9 người thương vong; trong đó 5 người chết, 4 người bị thương và làm mất tích 8 người.
Theo báo cáo chưa đầy đủ của các tỉnh, tổng số có 161 xã thuộc 28 huyện/5 tỉnh, thành phố bị ngập.
Mưa lũ miền Trung gây nhiều thiệt hại về người và tài sản. Ảnh: |
Mưa lũ kà 33.386 nhà bị thiệt hại, trong đó 4 nhà bị thiệt hại hoàn toàn. Quốc lộ bị sạt lở 93 điểm (Quảng Bình 9 điểm; TT Huế 16 điểm; Quảng Nam 68 điểm). Quốc lộ bị ngập 19 điểm (Quảng Bình 14 điểm ngập sâu từ 0,5 – 0,9m ; TT Huế 5 điểm ngập sâu 0,2 – 0,6m; Tỉnh lộ bị sạt lở 2.200m (Quảng Bình 50m, Quảng Trị 2.050m; Quảng Nam 95m; Quảng Ngãi 5m). Nhiều đoạn đường tỉnh lộ, huyện lộ bị ngập gây ách tắc giao thông chưa thể thống kê.
Về nông nghiệp, mưa lũ làm 52ha lúa, 1.957 ha hoa màu bị ngập; 772ha nuôi trồng thủy sản bị thiệt hại; 21.620 con gia súc bị cuốn trôi; 34.730 con gia cầm bị chết, cuốn trôi.
Mưa lũ cũng làm cho 30 điểm trường ở Quảng Nam bị ngập; 9.060 m bờ biển (Thừa Thiên Huế 9.050m; Quảng Trị 10 m) bị sạt lở.
Để đảm bảo an toàn tính mạng cho người dân, các địa phương từ Quảng Bình đến Quảng Nam đã tổ chức di dời (chủ yếu theo hình thức tại chỗ) 8.024 hộ với 26.407 người (Quảng Bình 266 hộ/901 người; Quảng Trị 4.604 hộ/15.691 người; TT Huế 2.789 hộ/8.184 người; Đà Nẵng 203 hộ/1.015 người và Quảng Nam 162 hộ/616 người).