Áp thấp có nguy cơ thành bão, miền Bắc đề phòng lũ quét, sạt lở đất

04/06/2018 13:25

(TN&MT) - Sáng ngày 4/6, Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai đã tổ chức cuộc họp ứng phó với áp thấp nhiệt đới (ATNĐ) có khả năng mạnh lên thành bão. Theo Trung tâm Dự báo KTTV quốc gia, Dự báo trong 24 giờ tới, áp thấp nhiệt đới di chuyển chủ yếu theo hướng Bắc, mỗi giờ đi được 5 - 10km và có khả năng mạnh lên thành bão.

Áp thấp nhiệt đới lúc 7 giờ sáng tiếp tục hoạt động trên khu vực vùng biển quần đảo Hoàng Sa. Vùng nguy hiểm có gió mạnh cấp 6 trở lên từ vĩ tuyến 14,5 đến 19,0 độ Vĩ Bắc; phía Tây kinh tuyến 113,0 độ Kinh Đông. Dự báo đến 7 giờ ngày 5/6, vị trí tâm bão ở khoảng 17,5 độ Vĩ Bắc; 110,7 độ Kinh Đông, cách đảo Hải Nam khoảng 130km về phía Nam. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (60-75km/giờ), giật cấp 10.

2018060400z
ị trí và hướng di chuyển tiếp theo của áp thấp nhiệt đới trên Biển Đông. Ảnh: Trung tâm Dự báo KTTVQG

Do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới sau có khả năng mạnh lên thành bão, ở phía Tây khu vực Bắc và Giữa Biển Đông (bao gồm vùng biển quần đảo Hoàng Sa) có mưa dông mạnh; gió mạnh cấp 6-7, sau tăng lên cấp 8, giật cấp 10; biển động rất mạnh. Vùng biển ngoài khơi Trung Bộ, Nam Bộ, vùng biển từ Cà Mau đến Kiên Giang và Vịnh Thái Lan có mưa rào và dông kèm lốc xoáy, gió giật mạnh. Rủi ro thiên tai cấp 3. 

Do ảnh hưởng của hoàn lưu ATNĐ, ngày 3/6, khoảng 2.000 khách du lịch phải ở lại đảo Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi để đảm bảo an toàn trước. UBND huyện đã chỉ đạo các phòng, ban, địa phương hỗ trợ khách và đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn. Tại tỉnh An Giang ghi nhận sạt lở, sụt lún đất bờ sông Ông Chưởng thuộc phạm vi hành lang Đường tỉnh 946 dài 50m, rộng 4m và tiếp giáp mặt đường nhựa. Phạm vi sạt lở có khả năng lan rộng với chiều dài khoảng 350m. Hiện nay, địa phương đã tuyên truyền, vận động người dân tháo dỡ, di dời tài sản, nhà ở ra khỏi vùng sạt lở đến nơi an toàn, cắm biến cấm ô tô đi vào khu vực nguy hiểm.

Trong ngày hôm nay đến sáng mai, mưa tập trung ở Quảng Nam, Quảng Ngãi, Đà Nẵng, Thừa Thiên Huế với lượng mưa khoảng 100mm, các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh mưa rải rác. Các tỉnh Tây Nguyên và Nam Bộ tiếp tục có mưa, mưa vừa, có nơi mưa to và rải rác có dông; các tỉnh Trung Trung Bộ có mưa vừa đến mưa to, có nơi mưa rất to và dông. Trong cơn dông cần đề phòng có tố, lốc và gió giật mạnh.

Trung tâm Dự báo KTTV QG cũng cảnh báo, trong ngày 4 - 5/5, trên thượng lưu sông Lô sẽ xuất hiện 1 đợt lũ nhỏ với biên độ lũ lên từ 1-2m. Mực nước đỉnh lũ tại các trạm thủy văn trên sông Lô đều ở mức dưới BĐ 1. Nguy cơ xảy ra lũ quét và sạt lở đất ở vùng núi phía Bắc, đặc biệt tại tại các tỉnh như: Sơn La, Hà Giang, Tuyên Quang, Bắc Kạn. Rủi ro thiên tai cấp độ 1.

Theo Văn phòng Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai, tính đến 6 giờ ngày 4/6/2018, Ban Chỉ huy PCTT&TKCN các tỉnh, thành phố ven biển từ Quảng Ninh đến Cà Mau đã phối hợp với địa phương, gia đình chủ tàu, thuyền trưởng thông báo, kiểm đếm, hướng dẫn cho 51.566 tầu /248.037 lao động trên biển biết vị trí, hướng di chuyển của áp thấp nhiệt đới. Trong ngày 3/6, các tỉnh, thành phố: Quảng Ninh, Thái Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Trị, Quảng Nam, Đà Nẵng, Quảng Ngãi, Bình Định đã có công điện, công văn chỉ đạo triển khai các biện pháp ứng phó. Tỉnh Thừa Thiên Huế, thành phố Đà Nẵng và tỉnh Quảng Ngãi đã ban hành lệnh cấm biển.

Một đợt khách du lịch mắc kẹt lại đảo Lý Sơn do biển động mạnh
Một đợt khách du lịch mắc kẹt lại đảo Lý Sơn do biển động mạnh. Ảnh: Lan Anh

Trước diễn biến phức tạp của ATNĐ, Văn phòng Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai tiếp tục đôn đốc các địa phương tập trung theo dõi chặt chẽ diễn biến ATNĐ để chủ động, thông báo, hướng dẫn kịp thời cho thuyền trưởng, chủ các phương tiện, tầu thuyền đang hoạt động trên biển biết vị trí, hướng di chuyển để thoát ra, hoặc không đi vào vùng nguy hiểm. Tiếp tục theo dõi, kiểm đếm tầu thuyền đang hoạt động trên biển, giữ thông tin liên lạc thường xuyên với chủ các phương tiện để xử lý kịp thời các tình huống xấu có thể xảy ra; quản lý chặt chẽ việc ra khơi của các tầu thuyền để đảm bảo an toàn về người và tài sản.Căn cứ vào diễn biến của ATNĐ, các địa phương chủ động đảm bảo an toàn cho khách du lịch trên các đảo.

Ban chỉ huy PCTT và TKCN các tỉnh thành phố từ Thừa Thiên Huế đến Phú Yên và khu vực Tây Nguyên theo dõi chặt chẽ các bản tin dự báo về lũ, lũ quét, sạt lở đất và chuẩn bị sẵn sàng các phương án ứng phó. Đài Truyền hình Việt Nam, Tiếng nói Việt Nam, các cơ quan thông tấn, báo chí tăng cường thời lượng phát sóng, kịp thời đưa tin diễn biễn của áp thấp nhiệt đới. Ban Chỉ huy PCTT và TKCN các tỉnh, thành phố từ Quảng Ninh - Quảng Ngãi chỉ đạo các đài truyền hình địa phương tăng cường đưa tin về diễn biến của áp thấp nhiệt đới.

Các địa phương cần tổ chức trực ban nghiêm túc, thường xuyên báo cáo về Ban Chỉ đạo TWPCTT, Ủy ban Quốc gia ƯPSC,TT và TKCN để chủ động chỉ đạo triển khai các biện pháp ứng phó.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Áp thấp có nguy cơ thành bão, miền Bắc đề phòng lũ quét, sạt lở đất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO