An Phát Holdings chia sẻ kinh nghiệm về thực hiện nhãn sinh thái
(TN&MT) - “Nhãn sinh thái được coi là chứng nhận “xanh” cho sản phẩm của doanh nghiệp đảm bảo về môi trường và sức khỏe người dùng. Đây là một trong những biện pháp để thúc sản xuất xanh, tiêu dùng xanh trong toàn xã hội”.
TS. Nguyễn Lê Thăng Long - Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn An Phát Holdings chia sẻ tại “Hội thảo APEC về thực hiện nhãn sinh thái cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ hướng tới nền kinh tế xanh” do Bộ Công Thương và Ban Thư ký APEC tổ chức. An Phát Holdings là đại diện doanh nghiệp Việt Nam duy nhất có bài tham luận tại Hội thảo và nhận được sự đánh giá cao của các đại biểu tham dự sự kiện.
Hội thảo tập trung thảo luận 2 vấn đề lớn: chia sẻ kinh nghiệm và thực hành tốt trong việc phát triển và thực hiện nhãn hàng sinh thái; giải pháp cho doanh nghiệp vừa và nhỏ SME vượt qua các khó khăn trong quá trình triển khai thực hiện để khuyến khích phát triển kinh tế xanh.
Các chuyên gia cho rằng, nhãn sinh thái là một trong các biện pháp nhằm thông tin và giáo dục người tiêu dùng về các lợi thế môi trường của sản phẩm, đồng thời có thể tạo ra các áp lực đòi hỏi và khuyến khích đổi mới dẫn tới việc giảm các tác động môi trường trong sản xuất và tiêu thụ. Trước tình hình này, nhiều doanh nghiệp đã thay đổi chiến lược sản xuất, tạo ra những sản phẩm xanh.
Là doanh nghiệp hàng đầu Đông Nam Á trong lĩnh vực sản xuất nhựa công nghệ cao và thân thiện với môi trường, An Phát Holdings coi phát triển xanh, bền vững là mục tiêu chiến lược. Tham luận tại Hội thảo, ông Nguyễn Lê Thăng Long – Phó Tổng Giám đốc An Phát Holdings đã chia sẻ kinh nghiệm của doanh nghiệp trong việc phát triển và thực hiện nhãn hàng sinh thái, cũng như những cơ hội và thách thức khi triển khai thực hiện nhãn hàng sinh thái trong quá trình hướng tới mục tiêu phát triển nền kinh tế xanh bền vững.
“Khi nói đến nền kinh tế tuần hoàn, chúng ta sẽ nghĩ đến các sản phẩm được sản xuất, sau đó được sử dụng, được thu gom và tái chế. Tuy nhiên, đối với dòng sản phẩm phân hủy sinh học, chúng tôi hướng đến những mục tiêu lớn hơn trong nền kinh tế tuần hoàn. Theo đó, sản phẩm sau khi được tung ra thị trường, được người tiêu dùng sử dụng, cuối cùng nó sẽ trở thành một loại rác hữu cơ, có khả năng phân hủy sinh học. Nó sẽ trở thành mùn hữu cơ, cung cấp chất dinh dưỡng cho cây, sau đó, cây trồng lại trở thành vật liệu để tạo ra các sản phẩm phân hủy sinh học. Chúng tôi gọi quá trình này giống như một nền kinh tế xanh”, ông Long chia sẻ.
Các sản phẩm mà An Phát Holdings đang đưa ra thị trường như vật dụng trong sinh hoạt làm từ nhựa phân hủy sinh học, có khả năng phân hủy hoàn toàn thành mùn, nước, nước, CO2 trong điều kiện chôn lấp tự nhiên… Tận dụng cơ chế này, doanh nghiệp tiếp tục sản xuất các loại sản phẩm khác có khả năng phân hủy sinh học như màng phủ nông nghiệp, giúp “xanh hóa” và giảm thiểu rác thải nhựa trong quá trình canh tác nông nghiệp. Bên cạnh đó, doanh nghiệp thiết kế lưới đánh cá phù hợp với đánh bắt ngoài đại dương và cũng có khả năng phân hủy trong môi trường biển. Sản phẩm này được công ty sản xuất tại Hàn Quốc và đang cung cấp khoảng 1.000 tấn lưới đánh cá cho ngư dân Hàn Quốc.
Chia sẻ bí quyết thành công của những sản phẩm mới này, TS.Nguyễn Lê Thăng Long cho biết, Tập đoàn An Phát Holdings luôn chú trọng công tác nghiên cứu khoa học. Hiện Tập đoàn có 2 trung tâm Nghiên cứu và Phát triển (R&D) đặt tại Việt Nam và Hàn Quốc. Nhiệm vụ chính của trung tâm là nghiên cứu tạo ra các sản phẩm mới, thử nghiệm các tính năng phân hủy sinh học của sản phẩm, đảm bảo đáp ứng các tiêu chuẩn và chứng nhận quốc tế.
Kết quả đạt được là dòng sản phẩm chủ lực AnEco của An Phát Holdings đã đạt được nhiều chứng nhận Việt Nam và quốc tế uy tín về khả năng phân hủy sinh học hoàn toàn như: TCVN 13114, TUV OK Compost HOME, TUV OK Compost INDUSTRIAL, BPI Compostable và DIN Certco Compostable, đảm bảo an toàn cho sức khỏe người tiêu dùng, và không gây hại cho môi trường.
“Ngoài ra, hằng năm, chúng tôi đều cập nhật những thay đổi mới để đổi mới công nghệ và nâng cao chất lượng sản phẩm. Tính đến nay, chúng tôi đang sở hữu khoảng 30 bằng sáng chế, ở nhiều mức độ khác nhau. Chúng tôi cũng đang tiến hành nhiều hoạt động R&D khác nhau, vì thế, có thể cho ra đời nhiều sản phẩm mới” – ông Long thông tin thêm.
Nỗ lực trên con đường xanh hóa và đạt được nhiều chứng nhận xanh của quốc tế cũng như trong nước, song An Phát Holdings cũng gặp thách thức khi đưa các sản phẩm phân hủy sinh học ra thị trường. Nguyên nhân chính là bởi trên thị trường vẫn có nhầm lẫn giữa nhựa tự hủy OXO và nhựa phân hủy sinh học, gây hoang mang cho người tiêu dùng.
“Trong khi sản phẩm nhựa phân hủy có khả năng phân hủy thành CO2, H2O… dưới tác động của các vi sinh vật; thì đối với nhựa tự hủy OXO, thành phần chủ yếu vẫn là Polyme thông dụng PE, PP, PS và có thêm phụ gia OXO trong quá trình sản xuất. Chính thành phần phụ gia OXO này giúp cho sản phẩm túi nhựa phân rã thành những mảnh nhỏ nhanh hơn rất nhiều so với túi thông thường. Những mảnh nhựa nhỏ này lẫn vào đất, không khí và nguồn nước, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường” – ông Long phân tích.
Từ thực trạng này, theo TS. Nguyễn Lê Thăng Long, cần phải nâng cao nhận thức trong xã hội về nhựa phân hủy sinh học, góp phần thay đổi hành vi và thói quen tiêu dùng hướng đến nền kinh tế xanh. Về phía doanh nghiệp, trong bối cảnh kinh tế tuần hoàn trở thành xu thế tất yếu toàn cầu, An Phát Holdings đã và đang đẩy mạnh mô hình sản xuất kinh doanh xanh, đồng thời mong muốn tạo lập một cộng đồng doanh nghiệp phát triển bền vững, hỗ trợ và khuyến khích các doanh nghiệp chuyển đổi xanh./.