Xã hội

An Giang: Nâng cao chất lượng cuộc sống từ bảo vệ môi trường

Lê Hùng 15/04/2024 - 17:32

(TN&MT)- Trong thời gian qua, Hội Nông dân tỉnh An Giang đã triển khai nhiều giải pháp nhằm nâng cao ý thức, trách nhiệm cho cán bộ, hội viên trong việc thu gom, phân loại, xử lý chất thải phát sinh góp phần bảo vệ môi trường (BVMT) gắn với giảm nghèo bền vững.

a1-an-giang.jpg
Các cấp Hội Nông dân tỉnh An Giang đã và đang triển khai, phổ biến mô hình xử lý rác thải hữu cơ ủ thành phân bón cho nhiều hội viên trên địa bàn tỉnh

Tổ chức nhiều hoạt động BVMT

Thực hiện công tác phối hợp với Sở TN&MT về BVMT, ứng phó biến đổi khí hậu (BĐKH) trên địa bàn tỉnh, trong thời gian qua, Hội Nông dân tỉnh An Giang đã tích cực triển khai tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật về BVMT nhằm nâng cao nhận thức, thay đổi thói quen cho cán bộ, hội viên trong việc thu gom, phân loại, xử lý chất thải phát sinh trong sinh hoạt, kinh doanh, sản xuất nông nghiệp.

Đồng thời, Hội Nông dân tỉnh An Giang còn vận động hội viên tham gia các hoạt động BVMT, ứng phó với BĐKH nhân các sự kiện Ngày Môi trường thế giới, Chiến dịch Làm cho thế giới sạch hơn hàng năm bằng những việc làm thiết thực như: thu gom rác thải sinh hoạt trên các tuyến đường, sông kênh rạch; vỏ chai, bao bì thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng trên các cành đồng; trồng cây xanh tạo bóng mát.

Bên cạnh đó, hưởng ứng phong trào “Chống rác thải nhựa”, Hội Nông dân tỉnh An Giang phối hợp với cơ quan, đơn vị chức năng tổ chức các cuộc hội nghị, hội thảo phổ biến những tác hại của túi nilon, hộp xốp, chai nhựa dùng một lần đối với môi trường nếu không được thu gom, xử lý đúng cách cho hàng ngàn lượt cán bộ, hội viên; đồng thời hỗ trợ, hướng dẫn cán bộ, hội viên nông dân giải pháp xử lý rác thải nhựa để BVMT xanh, sạch, đẹp thông qua hình thức phân loại tại nguồn để tái chế, hạn chế đốt rác thải nhựa, khuyến khích thay thế túi nilon, chai nhựa bằng các sản phẩm khác thân thiện với môi trường.

Hội Nông dân tỉnh An Giang cũng tích cực triển khai xây dựng các mô hình BVMT tại các xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh. Tính lũy kế đến nay, Hội Nông dân tỉnh An Giang đã xây dựng được 194 mô hình bảo vệ môi trường và ứng phó BĐKH. Nổi bật là mô hình thu gom, phân loại và xử lý rác thải hữu cơ thành phân bón tại hộ gia đình tại các huyện Châu Thành, Phú Tân, Thoại Sơn; mô hình quản lý rác thải sinh hoạt ở huyện An Phú, TX.Tân Châu; mô hình xây bồn chứa rác đựng chai lọ, vỏ thuốc bảo vệ thực vật tại ruộng ở các huyện Tri Tôn, Tịnh Biên;…

Từ năm 2021 đến nay, Hội Nông dân tỉnh An Giang triển khai thí điểm mô hình xử lý rác thải tại hộ gia đình tại xã Vĩnh An, huyện Châu Thành với 60 hộ dân tham gia. Sau một thời gian triển khai, mô hình này đã có tác động rất lớn đến ý thức BVMT của người dân trên địa bàn xã Vĩnh An thể hiện qua việc hầu hết người dân đều thu gom và phân loại rác thải theo quy định; tận dụng rác thải ủ làm phân compost để bón cho rau màu, cây trái; đồng thời các hộ dân còn hạn chế tối đa đổ rác thải sinh hoạt, xả nước thải trong chăn nuôi chưa qua xử lý ra các sông, kênh rạch, ao, hồ.

a2-an-giang.jpg
Hội Nông dân tỉnh An Giang đang tập trung phổ biến cho các hội viên các giải pháp nhằm hạn chế sử dụng hóa chất trong canh tác nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản góp phần BVMT

Góp phần giảm nghèo bền vững

Theo ông Nguyễn Minh Đức, Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh An Giang, thời gian qua, người dân tích cực tham gia thực hiện các mô hình xử lý rác thải tại hộ gia đình, xây bồn chứa rác đựng chai lọ, vỏ thuốc bảo vệ thực vật tại ruộng… Tham dự các hoạt động thu gom, phân loại, xử lý rác thải sinh hoạt, bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng; hạn chế sử dụng hóa chất trong canh tác nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản... Những việc làm đó không chỉ góp phần cải thiện môi trường đất, nước, không khí trên địa bàn tỉnh mà còn giảm chi phí đầu tư sản xuất nông nghiệp, nâng cao thu nhập cải thiện đời sống cho nhiều hội viên hội nông dân.

Song song với đó, hàng năm, các cấp Hội Nông dân tỉnh An Giang còn phát động phong trào nông dân sản xuất kinh doanh giỏi; ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi phù hợp với điều kiện tự nhiên, nhu cầu thị trường và BVMT qua đó góp phần nâng cao thu nhập cho các hội viên. Chỉ tính riêng trong năm 2023, qua kết quả bình xét đã có 83.875 lượt hộ nông dân trên địa bàn tỉnh An Giang được công nhận là hộ sản xuất kinh doanh giỏi các cấp, đạt 110,4% so với chỉ tiêu được giao.

Là một trong những hộ sản xuất giỏi, trước đây, ông Nguyễn Minh Hiếu, ở ấp Tân Thành, xã Vọng Thê, huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang thường xuyên gặp khó khăn trong việc sản xuất và tiêu thụ lúa. Để tháo gỡ khó khăn này, được sự hỗ trợ, hướng dẫn của Hội Nông dân và các cơ quan, đơn vị chức năng tỉnh An Giang và huyện Thoại Sơn, ông Hiếu và một số hộ dân khác đã liên kết diện tích đất lại với nhau để sản xuất lúa theo mô hình cánh đồng mẫu lớn.

Theo ông Nguyễn Văn Hiếu, cái lợi của việc sản xuất theo mô hình cánh đồng mẫu lớn là xuống giống đồng loại theo thời vụ, chăm sóc lúa theo quy trình “3 giảm 3 tăng” hoặc “1 phải 5 giảm”, qua đó hạn chế việc sử dụng phân đạm, thuốc trừ sâu cho đồng ruộng có hại cho môi trường mà còn làm tăng năng xuất, chất lượng lúa gạo, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho gia đình.

Ngoài việc phối hợp với các cơ quan, đơn vị chức năng hướng dẫn hội viên thực hiện các mô hình sản xuất mang lại hiệu quả kinh tế cao, các cấp Hội nông dân tỉnh An Giang còn quan tâm hỗ trợ vốn vay, cây con giống, tạo việc làm thường xuyên… cho các hội viên, đặc biệt là những hội viên thuộc diện nghèo, giúp họ có điều kiện phát triển sản xuất vươn lên thoát nghèo.

Chỉ tính riêng trong năm 2023, Hội Nông dân tỉnh An Giang đã hỗ trợ giúp đỡ 640 hộ hội viên thoát nghèo bền vững. Theo kế hoạch trong năm 2024, Hội Nông dân tỉnh An Giang sẽ tiếp tục quan tâm hướng dẫn, hỗ trợ các hộ nông dân thuộc diện nghèo phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập hướng đến mục tiêu thoát nghèo bền vững và kiên quyết không để hộ hội viên nào tái nghèo.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
An Giang: Nâng cao chất lượng cuộc sống từ bảo vệ môi trường
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO